Tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, những năm qua, nông nghiệp Hà Nội có bước chuyển đổi tích cực, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phát huy hiệu quả. Hà Nội đã hình thành được hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích khoảng 40.000ha canh tác, vùng sản xuất chè tập trung đạt diện tích 387ha; hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích khoảng 4.300ha, trong đó, 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản; phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực, gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm.
Những năm gần đây, Hà Nội tập trung sản xuất con giống bằng việc đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất, song vẫn còn những khó khăn về quy hoạch, quỹ đất, công nghệ... để nông nghiệp Hà Nội phát triển. Vì vậy, việc đưa các chính sách nông nghiệp vào Luật, quy định theo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo nguồn lực lớn cho nông nghiệp Thủ đô.
Đồng quan điểm, Giáo sư Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: "Đưa nội dung chính sách phát triển nông nghiệp vào Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý để phát triển nông nghiệp Thủ đô một cách hiệu quả. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, Hà Nội cần lưu ý những nội dung phải có hạ tầng kỹ thuật, cần có các khu công nghiệp nông nghiệp để thu hút đầu tư và đưa Hà Nội trở thành trung tâm khoa học nông nghiệp của cả nước. Đặc biệt, thành phố cần tận dụng các lợi thế đặc trưng từng vùng, gắn phát triển với hạ tầng để thu hút nguồn lực; đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản xuất".
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, Hà Nội cần đưa những quy định cụ thể vào Luật để tạo nguồn lực phát triển. Cụ thể là giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp theo là kiểm soát, quản trị chất lượng sản phẩm vì Hà Nội đang thiếu hệ thống chứng nhận sản phẩm tốt, minh bạch sản phẩm.
Cùng với đó, vấn đề quy hoạch, giám sát quy hoạch, hình thành vùng sản xuất tập trung cũng cần quan tâm. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số bằng cách cấp mã số vùng trồng, số hóa quản lý vùng trồng cần coi là yêu cầu bắt buộc. Cùng với đó, có kế hoạch với hệ thống phân phối hàng hóa, kiểm soát, quy định về kiểm soát đối với chuỗi cung ứng; đặc biệt là bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp...
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, sở, ngành, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu để có điều chỉnh phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, phát triển nông nghiệp Thủ đô là vấn đề lớn cần có chiến lược phát triển phù hợp gắn với phát triển Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại.
Về phát triển chăn nuôi, Hà Nội đứng thứ hai cả nước, đây cũng là lĩnh vực trọng điểm, có giá trị kinh tế cao của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, về lâu dài cần điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của Hà Nội, trong đó, chăn nuôi công nghệ, xa khu dân cư là những giải pháp cần thực hiện. Hà Nội cần tạo những quỹ đất xanh phát triển nông nghiệp với đô thị sinh thái, nuôi trồng thủy sản, phát triển các mô hình dịch vụ xanh. Theo đó, Hà Nội sẽ định hình những vùng sinh thái theo đặc thù, lợi thế từng vùng miền; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đối với cơ chế chính sách, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, cần tập trung vào những vấn đề để thúc đẩy phát triển nông nghiệp như đầu tư nguồn giống, phát triển khoa học, đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất, các vấn đề liên quan đến đất đai, cần lưu ý đến những nhóm chính sách về cơ chế liên kết, tạo những chuỗi sản xuất, cung ứng, có những chế tài quản lý chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cần chú trọng nhóm cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp vào đầu tư.