"Một chữ cũng là thầy"
Không bảng đen phấn trắng, anh Vũ Phong Kỳ truyền dạy công nghệ thông tin cho các học viên khuyết tật ở Trung tâm Nghị lực sống trên máy tính kết nối với màn hình ti vi. Ngồi lọt trong chiếc xe lăn, nhưng anh Kỳ điều khiển xe tới lui liên tục đến bàn các học viên để giảng giải những điều còn vướng mắc. Khóa học công nghệ thông tin tại Trung tâm Nghị lực sống kéo dài 6 tháng gồm các kỹ năng soạn thảo văn bản word, excel, powerpoint và kỹ năng chỉnh sửa ảnh, làm video hoạt hình.
Các học viên quen gọi Vũ Phong Kỳ là thầy giáo, nhưng anh chỉ khiêm tốn xưng anh khi giảng bài. Bởi anh nhận thấy, những gì các học viên đang trải qua cũng giống mình trước đây. Anh Kỳ tâm sự, lúc nhỏ anh bình thường như bao đứa trẻ khác, lên 6 tuổi, anh bị những cơn đau nhức xương khớp hành hạ liên miên. Dù đã được chạy chữa, nhưng bệnh tình không giảm bởi anh bị loãng xương. Theo thời gian, chân tay anh yếu dần đi, chân bị gãy nhiều lần và cơ thể không phát triển. Đến năm 12 tuổi, anh buộc phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc người thân trong gia đình nên dù học giỏi, anh Kỳ vẫn phải nghỉ khi học hết lớp 9.
Từ năm 2008 đến năm 2014 là quãng thời gian nhàm chán, tẻ nhạt với anh vì không có định hướng nghề nghiệp. Dù lúc đó anh đã biết đến Trung tâm Nghị lực sống nhưng do không có người trợ giúp việc sinh hoạt, học tập ở Hà Nội nên những mong ước kiếm việc làm để tự lập trở nên xa vời. Năm 2014, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, anh Kỳ đã đến được Trung tâm Nghị lực sống. Chỉ sau hai tháng học công nghệ thông tin, anh đã đỗ kỳ thi tuyển của Công ty TNHH Esoftflow (thuộc Tập đoàn Esoft Systems - một trong những tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch chuyên phát triển, cung cấp các giải pháp và sản phẩm đồ họa) rồi trở thành nhân viên đồ họa, chỉnh sửa ảnh. Ngoài thu nhập ổn định, điều khiến anh Kỳ tâm đắc là được cạnh tranh bằng năng lực như mọi người bình thường, từ đó càng tự tin vào bản thân.
Chia sẻ, truyền cảm hứng
Chỉ một lời đề nghị của Trung tâm Nghị lực sống, Vũ Phong Kỳ đã đồng ý là người đứng lớp đào tạo công nghệ thông tin, phần mềm photoshop... cho các học viên. Mỗi khóa học có 25-35 học viên từ 18 đến 35 tuổi, đến từ các tỉnh, thành trên toàn quốc. Chị Ngô Thị Huyền Minh, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống cho biết, trung tâm trợ giúp toàn diện cho các học viên khuyết tật, từ đào tạo miễn phí đến giới thiệu việc làm với các nhà tuyển dụng. Có đến 85% học viên trung tâm tìm được việc sau khóa học với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Chương trình học của trung tâm không khó, chủ yếu là thực hành theo yêu cầu của nhà tuyển dụng nên trung tâm chọn cách người đi trước truyền dạy, hỗ trợ người đi sau và anh Kỳ đang thực hiện việc hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm như vậy.
Học viên Lê Văn Duy (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa thao tác máy tính vừa chia sẻ: "Lúc đầu em thấy khó nên cũng nản. Nhưng sau 2 tháng học, nhờ được thầy Kỳ giảng dạy kỹ lưỡng, em đã nắm được kiến thức cơ bản. Chỗ nào khó, thầy Kỳ hướng dẫn đến nơi đến chốn. Nhìn thầy thao tác nhanh nhẹn, thuần thục trên máy tính, không ai nghĩ thầy là người khuyết tật. Thầy Kỳ là tấm gương truyền "lửa sống" để chúng em học theo".
Nguyễn Viết Hùng, một chàng trai quê miền Trung, đã từng vào thành phố Hồ Chí Minh học nghề nhưng không tìm được việc làm. 19 tuổi, em đến với khóa học công nghệ thông tin tại Trung tâm Nghị lực sống. Ngoài nỗ lực của bản thân, với sự hỗ trợ của thầy Kỳ, em đã giành được giải Nhì cuộc thi GITC tại Hàn Quốc (cuộc thi công nghệ thông tin thường niên dành cho thanh, thiếu niên khuyết tật thuộc 24 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Hoàn thành khóa học, Hùng chọn tham gia dự án khởi nghiệp với nhóm thầy Kỳ và từ đây, ước mơ tự tạo dựng cuộc sống đã trở nên mạnh mẽ hơn trong Hùng.
Khiêm tốn nói về công việc của mình, anh Kỳ chỉ mong rằng kinh nghiệm của anh sẽ được tiếp thêm sức mạnh cho học viên, để tự tin vượt lên số phận. "Với tôi, vui nhất là khi nghe tin học viên của mình tìm được việc làm" - anh Kỳ tâm sự.
Ông Phạm Quang Khoát, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai cho biết, với cách làm người đi trước giúp đỡ, hỗ trợ người đi sau nên đội ngũ giảng dạy tại Trung tâm Nghị lực sống thực sự thấu hiểu học viên. Những người thầy thầm lặng như Vũ Phong Kỳ đang gieo những hạt mầm để hướng tới một cộng đồng không rào cản, nơi người khuyết tật có cơ hội bình đẳng hòa nhập trong lao động và xã hội.