Tiếp sau hai tập truyện ngắn “Say nắng” và “Nước mắt đàn ông” xuất bản năm 2018, tác giả Thu Lâm tiếp tục ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết mang tên “Dạ khúc”. Sách do Nxb Hội Nhà văn ấn hành tháng 9 năm 2020.
“Dạ khúc” vốn là một bản nhạc tuyệt hay của cố nhạc sĩ thiên tài nước Áo - Franz Schubert. Chính nhạc phẩm này đã khơi nguồn cảm hứng để Thu Lâm viết một câu chuyện độc đáo về cuộc sống gia đình có người trẻ bị trầm cảm nặng, một căn bệnh ngày càng có nhiều người mắc phải trong thời đại công nghệ hiện nay.
Đọc “Dạ khúc” dễ cảm nhận được thông điệp sâu sắc, giàu chất nhân văn mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc. Đó là: chỉ có tình yêu thương con người, cốt yếu là tình cảm gia đình, tình yêu kết hợp với âm nhạc mới có sức mạnh diệu kỳ đánh thức nội tâm bí ẩn sâu xa trong mỗi người; chỉ có đức hy sinh, lòng vị tha và bao dung vô bờ của người mẹ, người vợ mới có thể đưa con người trở lại cuộc sống bình thường và tới được bến bờ hạnh phúc.
Toàn bộ tiểu thuyết tập trung miêu tả cuộc sống của một gia đình nhà giáo dạy nhạc sống ở phố cổ Hà Nội: cô giáo Lan Anh và chồng là nhạc sĩ Thanh Tùng. Tình yêu đẹp như mơ của đôi trai tài gái sắc học cùng trường đại học này đã đơm hoa kết nên trái ngọt là đứa con trai Duy Ánh rất khôi ngô. Duy Ánh có khiếu âm nhạc, đã biểu diễn những bản nhạc tuyệt hay và được nhiều bạn học coi là thần tượng. Cha mẹ và người thân đều rất tự hào về cậu. Sống ở nhà, Duy Ánh được mẹ chăm sóc rất kỹ lưỡng, tuy nhiên cậu ít ra ngoài vận động, ít hòa nhập cùng bạn bè đồng trang lứa bởi tâm hồn cậu quá mong manh, nhạy cảm.
Sau một lần đi picnic ở Tam Đảo cùng các bạn lớp 12 trở về, Duy Ánh càng có những diễn biến khác thường. Cậu bị chấn động thần kinh, những bản nhạc hình thành trong đầu nhưng bất lực, bế tắc, không sao viết ra được. Xem bố chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, cậu lại tưởng tượng ra người cha cầm vũ khí tấn công mình bằng lũ âm thanh khủng khiếp. Đó là biểu hiện của chứng lo âu cưỡng bức. Và mặc dù đã trở thành sinh viên Học viện âm nhạc nhưng do bệnh càng nặng, gia đình đành xin cho Duy Ánh thôi học để chữa bệnh. Cậu chán nản, đau đầu, hoảng loạn. Cậu chỉ gần gũi một người duy nhất là mẹ, hễ thoáng thấy cha mình là cậu sợ hãi đến kinh hoàng. Kể từ đó gia đình sống trong bi kịch vì bệnh của Ánh ngày càng tăng, dù khám và chữa nhiều nơi nhưng đều chưa có hiệu quả.
Những tưởng, bóng mây xám xịt u buồn sẽ tiếp tục bao phủ ngôi nhà cô giáo Lan Anh thì may sao ở cuối đường hầm ánh sáng đã bừng lên với sự xuất hiện của Thanh Nhàn - học trò cũ của mẹ Duy Ánh. Nhàn từng tham gia Dự án “Âm nhạc tác động đến trẻ đặc biệt” của một tổ chức quốc tế phi Chính phủ với thời gian trên mười năm, có nhiều kinh nghiệm trong việc chữa bệnh cho trẻ tự kỷ. Với tấm lòng trân quý cô giáo cũ, lại từng coi Duy Ánh là thần tượng âm nhạc, Nhàn nhiệt tình đề xuất được cùng cô giáo chăm sóc kết hợp chữa bệnh cho Duy Ánh với niềm tin mãnh liệt rằng: Âm nhạc phát huy ở nơi mà khả năng của lời nói chấm dứt.
Được bác sĩ gia đình là Bích Vân và mẹ Duy Ánh ủng hộ, Thanh Nhàn coi đây là một cơ hội hiếm có trong việc vận dụng Dự án vào thực tiễn. Cô lên kế hoạch chữa bệnh, phối kết hợp cả thuốc Đông Tây y và sự vận động thể dục thể thao đều đặn, đưa Duy Ánh dần hòa nhập cùng xã hội bên ngoài với hy vọng tràn trề sẽ làm nên kỳ tích. Cô thường chơi và động viên Duy Ánh chơi những bản nhạc trữ tình trước đây cậu thường chơi để khơi gợi kỷ niệm và những hồi ức đẹp đẽ. Cuối cùng, mọi sự cố gắng của các thành viên đã được đền đáp xứng đáng. Duy Ánh dần khỏi bệnh.
Viết “Dạ khúc”, Thu Lâm mạo hiểm mà thành công. Tác giả tỏ rõ là người có kiến thức khá phong phú về xã hội, về hôn nhân gia đình, về y học và nhất là về âm nhạc. Không chỉ cho người đọc thấy được tác động tích cực của âm nhạc và khả năng kỳ diệu của nó, tác phẩm còn là bài ca ngợi ca tình mẹ con, đức tính nhẫn nại, hy sinh của người mẹ vĩ đại - chữ dùng của bác sĩ Bích Vân - như bà giáo Lan Anh; ngợi ca những phụ nữ trẻ năng động, vị tha, khát khao sống vì người khác như Thanh Nhàn. Âm nhạc cùng với tình yêu thương đã đánh thức những điều vi diệu nhân bản nhất, đưa con người tưởng như tàn phế trở về với cuộc sống bình dị, đến với tình yêu và hôn nhân - đó là giá trị tư tưởng bao trùm toàn bộ tác phẩm. Cuộc sống hạnh phúc của đôi bạn trẻ ở cuối tiểu thuyết là màn kết thúc có hậu hợp với mong ước của nhiều người, gieo vào lòng người niềm tin ở tác động tích cực của âm nhạc và tình cảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh đã ghi nhận ở trên, tác phẩm vẫn còn những non nớt đôi chỗ trong diễn đạt, nhân vật Thanh Nhàn được lý tưởng hóa, ngợi ca quá mức, người viết nhiều khi nói thay nhân vật khiến cho giảm đi phần nào tính chân thực khách quan...