Chuyển động Hà Nội

Sống mãi với ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô

Lệ Quyên 10/10/2024 15:00

Đã 70 năm trôi qua, những thanh niên xung phong, chiến sĩ tiếp quản Thủ đô ngày ấy giờ đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã nhuốm màu thời gian bạc trắng nhưng những ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí họ. Và những ký ức đẹp đẽ, hào hùng ấy sẽ là ngọn lửa cháy mãi tiếp nối cho niềm tự hào, tình yêu Hà Nội, tình yêu đất nước cho những thế hệ mai sau.

Vào những ngày tháng Mười lịch sử, phóng viên Người Hà Nội đã có dịp gặp gỡ những thanh niên xung phong, những chiến sĩ năm xưa để cùng ôn lại kỷ niệm khó quên của ngày về tiếp quản Thủ đô. Chia sẻ về những ngày cùng đồng đội trong đội Thanh niên xung phong về tiếp quản Thủ đô, ông Nguyễn Khắc Xương (91 tuổi hiện sinh sống tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) không giấu được niềm tự hào, xúc động. Ông bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, khi còn là học sinh cấp 3 trường Lương Ngọc Quyến - Thái Nguyên tôi được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô. Đội được thành lập vào tháng 7/1954 tại đình Yên Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây là bản doanh đầu tiên của Đội thanh niên tiếp quản Thủ đô, do Trung ương đoàn thanh niên Việt Nam thành lập và trực tiếp chỉ đạo. Sau gần hai tháng học tập và chuẩn bị cho công tác tiếp quản, chúng tôi theo đoàn cán bộ tiếp quản Trung ương tiến về tiếp quản Thủ đô vào ngày 7/10/1954. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, vui sướng xen lẫn lo lắng khi được về Hà Nội. Vui sướng vì được đứng trong hàng ngũ của Đội thanh niên xung phong về tiếp quản Thủ đô, lo lắng, hồi hộp vì không biết mình có hoàn thành nhiệm vụ được giao hay không.

o-xuong.jpg
Ông Nguyễn Khắc Xương đang xem lại bức ảnh kỷ niệm với các đồng đội trong Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô ngày ấy.

Khi về đến Hà Nội, ông Xương cùng các đồng đội của mình phải nghiêm túc thực hiện 10 điều kỷ luật của Hồ Chủ tịch căn dặn và ông đã thấm nhuần rất nhanh 10 điều kỷ luật này. Công việc của ông là tiếp quản các doanh trại bộ đội. Ông cùng với những đồng đội nói được tiếng Pháp thực hiện công việc tiếp quản các doanh trại bộ đội, đóng vai sĩ quan liên lạc, quân đội nhân dân Việt Nam đi nhận bàn giao các cơ sở, bênh viện nhà máy, trường học. Trong bàn giao buộc địch phải giao hết thiết bị cho chúng ta. Sau tiếp quản Thủ đô ông Xương được phân công về công tác ở Tổng cục đường sắt và làm ở nhà ga Đồng Đăng. Dù tuổi đã cao, nhưng hàng năm cứ vào ngày 10/10 ông vẫn cùng các đồng đội tổ chức gặp mặt để ôn lại kỷ niệm của những ngày tiếp quản Thủ đô, điều này đã trở thành niềm tự hào và hạnh phúc trong cuộc đời ông.

ong-linh.jpg
Ông Nguyễn Huy Linh rất xúc động khi kể về những kỷ niệm với các đồng đội tại các mặt trận và những ngày tiếp quản Thủ đô.

Không phải là thanh niên xung phong như ông Nguyễn Khắc Xương, ông Nguyễn Huy Linh (92 tuổi, hiện đang sinh sống tại Tổ dân phố số 13, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy) một chiến sĩ pháo cao xạ cũng làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô năm xưa kể lại với chúng tôi trong niềm tự hào: Trước khi về với quân tiên phong tôi là chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ ATK, sau Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, chúng tôi được lệnh về tiếp quản Thủ đô. Khi biết tin, cả đêm tôi không ngủ được vì hồi hộp, háo hức. Tôi và các đồng đội ngồi nói chuyện với nhau suốt cả đêm về Hà Nội và về nhiệm vụ của mình khi vào tiếp quản. Ngày mùng 6/10 chúng tôi về đến Phùng để chuẩn bị cho tiếp quản, tôi và các anh em trong tiểu đoàn được triệu tập đi học dân vận, đi học hát những bài hát như “Hò kéo pháo, giải phóng Điện Biên”, học về điện, nước rồi cách thích ứng với dân ra sao? Vào nhà dân phải như thế nào? Khi ấy, tất cả chúng tôi hầu như tuổi đời còn rất trẻ và lần đầu tiên được vào đội văn nghệ nên rất hồi hộp và ngượng ngùng. Đến đêm ngày mùng 9, tiểu đoàn pháo cao xạ của ông Huy Linh di chuyển về sân bay Bạch Mai. Đêm hôm ấy, dưới mái vòm của sân bay, người sơn lại xe, người lau lại từng chi tiết xe, những chỗ lấm bùn đất để chuẩn bị cho ngày hôm sau (ngày 10/10). Sau khi diễu binh, làm lễ thượng cờ, các ông được cử về làng La Phù sau đó di chuyển ra làng Văn Quán để làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô. Sau ngày Thủ đô Giải phóng, ông Linh được phân công về công tác huấn luyện tại Trung đoàn 102. Với 92 tuổi đời, 68 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Huy Linh đã trải qua nhiều mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng với ông, những ngày về tiếp quản Thủ đô mãi là những kỷ niệm đẹp không nào thể quên.

on-man.jpg
Đối với ông Nguyễn Văn Mãn, những ngày về tiếp quản Thủ đô là những kỷ niệm không thể nào quên của cuộc đời người chiến sĩ.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà số 15, tổ dân phố 13, Mai Dịch, cầu Giấy ông Nguyễn Văn Mãn (88 tuổi thuộc Đại đội 271, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, đại đoàn 308) hồ hởi kể về những kỷ niệm khi về tiếp quản Thủ đô: Sau khi đánh trận Điên Biên Phủ thì tôi về đánh trận Cầu Lồ, Đồi Ngô Bắc Giang, đang đánh thì có lệnh đình chiến nên chúng tôi về Hiệp Hòa - Bắc Giang, khi ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và thông báo đại đoàn tôi tiếp nhận một nhiệm vụ nặng nề là tiếp quản Hà Nội. Khi được biết về tiếp quản Thủ đô, chúng tôi rất hồi hộp vui sướng, phấn khởi, bồn chồn, lúc nào cũng nghĩ về Hà Nội, không biết người Hà Nội như thế nào, phố phường Hà Nội ra sao? Đến giữa tháng 8, chúng tôi về Dương Liễu và được đi học để tiếp xúc với nhân dân Hà Nội, thái độ đối với người già, trẻ nhỏ ra sao, đi đứng thế nào trong thành phố rồi chúng tôi làm công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, được bà con nhân dân rất yêu mến, chào đón. Hàng ngày, nhân dân nấu chè, xôi chiêu đãi bộ đội, tối đến nhân dân nấu nước chè ngồi giao lưu với các tiểu đội để hỏi han về trận chiến Điện Biên như thế nào? Chúng tôi cũng kể cho nhân dân nghe về sự chiến đấu quả cảm của quân ta. Qua đây, tôi thấy thấm thía tình cảm quân dân đúng như câu nói “quân với dân như cá với nước”. Sau đó ông Mãn được đơn vị cử lên văn công đại đoàn cho học múa, hát và về làm đội trưởng đội văn nghệ của đại đội. Chiều ngày 7,8,9 đại đội ông Mãn về làng Phú Mỹ. Ông Mãn nhớ lại: Tối mùng 9, chúng tôi bồn chồn không ngủ được nên tầm 3 - 4h sáng ngày 10 chúng tôi đã thức dậy và ra đường 32 tập trung để vào tiếp quản Hà Nội, chúng tôi đi theo mũi Voi Phục vào ngã ba Cầu Giấy. Tôi còn nhớ, lúc đó, chúng tôi quên hết đói, mệt mà chỉ còn cảm giác vui sướng, vừa vác vũ khí vừa vẫy tay chào nhân dân Hà Nội đứng chào đón hai bên đường. Khi vào sân cột cờ mít tinh, tôi ngước mắt nhìn ngắm nhà cửa, cột cờ cao vút, trong tôi dấy lên một cảm giác tự hào, thiêng liêng, xúc động khó tả. Sau khi mít tinh chúng tôi được cử về Cửa Nam và đội văn nghệ của đại đội tôi đi biểu diễn văn nghệ ở ngã ba Cửa Nam, chợ Đồng Xuân, Kim Mã được người dân hào hứng chào đón. Sau đó, chúng tôi lại được điều động về làng Mục, Quan Nhân làm công tác nạo vét sông Tô Lịch để làm đẹp cho thành phố đón Tết. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, ông Nguyễn Văn Mãn được phân công về làm thư ký kiêm trợ lý Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102. Với ông Mãn, những ngày được về tiếp quản Hà Nội là niềm vinh dự, tự hào mà ông hay kể lại cho thế hệ con cháu nghe.

Kể từ mùa thu lịch sử ấy, đã 70 năm qua đi, nhưng những ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn vang vọng mãi, đặc biệt là với những chiến sĩ, những thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô năm ấy thì ngày 10/10/1954 mãi mãi là ký ức đẹp đẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Chiến thắng ấy là niềm tự hào của người dân Hà Nội và cả nước về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng, nhân dân Việt Nam.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Sống mãi với ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO