Chuyển động Hà Nội

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Tự hào Hà Nội, vận hội và cơ hội vươn tầm cao mới

Hoa Quỳnh 20:18 05/10/2024

Từ ngày được giải phóng (10/10/1954 ), Thủ đô Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ. Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, nhấn mạnh: “Từ một thành phố bị tàn phá sau chiến tranh, Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và từng bước phát triển qua các thời kỳ, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế”.

Bước tiến mạnh mẽ của Hà Nội

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5/5/2022 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

a-hai-ok.jpg
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, nhấn mạnh, từ một thành phố bị tàn phá sau chiến tranh, Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và từng bước phát triển qua các thời kỳ, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô của nước Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng từ 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt từ 12.000 - 13.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới…

Với truyền thống anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, kể từ sau khi Hà Nội được giải phóng, Thủ đô với tư duy mới, tầm nhìn mới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô thời gian qua đã không ngừng đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, nhấn mạnh, từ một thành phố bị tàn phá sau chiến tranh, Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và từng bước phát triển qua các thời kỳ, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

Từ thời kỳ Đổi mới (năm 1986), Hà Nội đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. GRDP bình quân đầu người tăng mạnh, đạt gần 6.300 USD vào năm 2023, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7-8%/năm, đóng góp khoảng 16% GDP và 18,5% tổng thu ngân sách của cả nước.

“Không gian đô thị không ngừng được mở rộng (tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%), phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt trên 12,13%. Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư và có tính kết nối cao. Hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh và hiện đại hóa, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo tuyệt đối. Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển được mở rộng, nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Thành phố được quốc tế công nhận và vinh danh là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo – đồng chí Hà Minh Hải, khẳng định.

Những thành tựu này không chỉ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển nhanh, bền vững, tương đối toàn diện của Thành phố Hà Nội.

Vận hội mới, cơ hội mới của Hà Nội vươn tầm “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”

Thời gian qua, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã trở thành nguồn động lực mới thúc đẩy Thủ đô phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã khẩn trương, nghiêm túc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 15-NQ/TW. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 thực hiện Nghị quyết số 15, thể hiện rõ tính hành động bằng các công trình, dự án cụ thể.

xem-ok3.jpg
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và các đại biểu, nhân dân xem quy hoạch Thủ đô Hà Nội tại triển lãm “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển” ở Bảo tàng Hà Nội (từ ngày 4 - 14/10).

Minh chứng là, với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố Hà Nội đã tập trung định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, vừa là những cực tăng trưởng mới, vừa giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô; đó là thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai); đồng thời xác định 5 trục phát triển, trong đó sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm... Bên cạnh đó, trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến... Cả hai Quy hoạch này Thành phố Hà Nội đã được trình Quốc hội xin ý kiến, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong thời gian tới.

Đặc biệt, Hà Nội đang đứng trước cơ hội mới, vận hội mới khi Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024. Điều quan trọng nhất Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc, tồn tại và một số Luật khác liên quan, tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước tiến lên.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thời gian qua đã luôn ý thức sâu sắc rằng, trong những thành tựu đã đạt được, bên cạnh sự quyết tâm, cố gắng nỗ lực, thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự chia sẻ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là một nguồn lực, động lực rất quan trọng và không thể thiếu để Hà Nội vươn mình mạnh mẽ trong thời gian qua.

Thủ đô Hà Nội “vì cả nước”, do đó đã, đang nỗ lực để là điểm sáng thể hiện vai trò dẫn dắt và kết nối của Thủ đô trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Hà Nội đã tăng cường hợp tác và kết nối, ký kết các văn bản hợp tác toàn diện với 44/62 tỉnh, thành phố; xây dựng các chương trình hợp tác, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, giao thương kết nối cung, cầu với hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung phát triển hạ tầng giao thông để tạo sự kết nối giữa Hà Nội với các địa phương khác, như các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ Thủ đô, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài…

hanoilk.jpg
Hà Nội đứng trước những vận hội, cơ hội mới để phát triển ngày càng hiện đại.

Đặc biệt, Hà Nội phối hợp tốt với các ban, bộ, ngành và các địa phương Vùng Thủ đô đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, thể hiện quyết tâm của Thành phố trong việc tăng cường liên kết vùng, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc đô thị, phát triển hành lang kinh tế, từ đó giúp các địa phương có thể thu hút đầu tư nhờ sự thuận tiện trong giao thông.

Trong những ngày mùa Thu tháng 10 lịch sử của ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, với những thành tựu đã đạt được sau 70 năm, cũng như đứng trước những vận hội, cơ hội mới; chúng ta càng thêm tự hào về một Hà Nội – Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

Và tin chắc với sức mạnh nội lực, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Thủ đô sẽ hiện thực hóa mục tiêu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Tự hào Hà Nội, vận hội và cơ hội vươn tầm cao mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO