''Sống lại'' chèo tàu Tân Hội

HNM| 20/02/2022 12:41

Hội hát chèo tàu (hát tàu tượng) là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của vùng Tổng Gối xưa, nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Hội hát được tổ chức lần đầu vào năm 1683 và duy trì 25 năm một lần. Trải qua những thăng trầm lịch sử, hội hát chèo tàu Tân Hội đã từng bị gián đoạn hàng chục năm. Nỗ lực bảo tồn và phát triển loại hình diễn xướng dân gian độc đáo "có một không hai" này, các nghệ nhân ở xã Tân Hội đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ trẻ, làm “sống lại” chèo tàu Tân Hội.

''Sống lại'' chèo tàu Tân Hội

Hát chèo tàu ở xã Tân Hội (huyện Đan Phượng).

Hồn quê Tân Hội

Xuân này, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Yến đã bước sang tuổi 84 và vẫn sinh hoạt rất tích cực trong Câu lạc bộ hát chèo tàu Tổng Gối. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Yến vẫn rất tinh tường khi kể lại những câu chuyện lý giải về nguồn gốc ra đời của hội hát chèo tàu mang hồn quê hương Tân Hội.

Tục truyền rằng, khi đánh giặc, Hai Bà Trưng cùng đoàn quân đã hành quân qua địa phận Tổng Gối (xã Tân Hội ngày nay). Sau này, để tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng, người dân Tân Hội mở hội tế lễ, hát múa diễn lại cảnh xưa với mô hình con tàu (thuyền) và con voi (tượng). Cũng theo ông Yến, ở Tổng Gối còn có một lý giải khác, rằng hát chèo tàu xuất phát từ cuộc khởi nghĩa “Hắc y” của tướng Văn Dĩ Thành chống quân Minh xâm lược. Đội quân lấy vùng Tổng Gối làm căn cứ, lợi dụng đêm tối chèo thuyền qua sông để tiêu diệt giặc.

Hội hát chèo tàu phát triển mạnh vào thế kỷ XVII, lời ca, điệu hát, nghệ thuật diễn xướng được hoàn thiện rực rỡ vào thế kỷ XIX. Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Nghệ nhân ưu tú Đông Sinh Nhật (sinh năm 1946) tự hào cho biết, nét độc đáo ở hội hát chèo tàu Tân Hội đó là thành viên tham gia đều là nữ. Trên mỗi con tàu đều có một bà Chúa tàu độ tuổi từ 50 đến 55, có thanh sắc, gia đình vẹn toàn và 12 cô gái tuổi 13-16 con nhà nền nếp làm Cái tàu, Con tàu. Đối xứng với tàu là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi loa tù và làm hiệu, hát đối.

"Từ cách đây gần 400 năm, trong chế độ phong kiến, người phụ nữ thường không ra khỏi lũy tre làng. Nhưng trong hội hát chèo tàu, phụ nữ đã làm chủ con thuyền, biểu diễn ở một lễ hội lớn. Điều đó chứng tỏ sự ghi nhận, vinh danh của dân làng đối với phụ nữ”, nghệ nhân Đông Sinh Nhật nhận định.

Lễ hội hát chèo tàu bắt đầu từ ngày rằm và kết thúc vào 21 tháng Giêng. Trong suốt 7 ngày 7 đêm, dân các làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long của xã Tân Hội thay nhau hát. Mở đầu, các ca nhi sẽ “hát trình” các bài dâng hương, dâng rượu, nhớ ơn người đã ngã xuống vì đất nước. Sau đó là hát “trạo ca” (hát trên thuyền, hát chèo thuyền); hát “bỏ bộ” (hát đối đáp giữa tàu, tượng và người đến xem hội). Khi biểu diễn, Chúa tàu đánh thanh la, hai Cái tàu lĩnh xướng, 10 Con tàu hát họa theo.

Sẽ “sống mãi” với thời gian

Hội hát chèo tàu đầu tiên được tổ chức vào năm 1683 và cứ 25 năm được tổ chức 1 lần. Lễ hội sau cùng vào năm 1922, sau đó vì nhiều nguyên nhân hội đã bị gián đoạn. Trăn trở về một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, môn nghệ thuật “có một không hai” đang bị mai một, năm 1998, những người tâm huyết với chèo tàu đã thành lập Câu lạc bộ hát chèo tàu Tổng Gối để sưu tầm và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cũng từ năm này, hội hát chèo tàu đã được địa phương khôi phục và cứ 5 năm được tổ chức quy mô lớn một lần.

Nhớ lại những ngày đầu khôi phục lại chèo tàu, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Yến, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo tàu Tổng Gối cho biết: “Một điều rất may mắn đó là từ những năm 60 của thế kỷ trước, Viện Âm nhạc Việt Nam đã về xã Tân Hội ghi âm lại các bài hát chèo tàu do các cụ Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Nghìn, Kim Thị Ba, Hùng Trấn - người từng tham gia lễ hội chèo tàu cuối cùng (năm 1922) biểu diễn. Từ băng tư liệu, chúng tôi xin sao chép lại làm cơ sở, căn cứ để học theo. Ngoài ra, lúc đó, chúng tôi may mắn có cụ Tiến Thị Lục (nay cụ đã mất) là con gái của người được đóng vai Cái tàu trong hội hát cuối cùng và bản thân cụ Lục cũng từng được chứng kiến hội hát cuối cùng năm xưa nên còn thuộc khá nhiều bài hát. Chính cụ Lục đã truyền dạy lại hát chèo tàu cho thế hệ sau. Thêm nữa, lời bài chèo tàu có tới 90% là thơ lục bát nên dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ… Lời hát vẫn hiện diện trong đời sống xã hội khi các bà, các mẹ hát ru con; hát giao lưu với nhau khi về chùa, khi lao động sản xuất... Đó chính là lý do hội chèo tàu ở Tân Hội không được tổ chức hàng chục năm (1922-1998) nhưng lời ca, tiếng hát vẫn không mất đi”.

Sau 24 năm thành lập, Câu lạc bộ hát chèo tàu Tổng Gối hiện có 40 hội viên, trong đó có 4 nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là các ông, bà: Nguyễn Hữu Yến, Đông Sinh Nhật, Ngô Thị Thu, Nguyễn Thị Tuyết. Câu lạc bộ đã đào tạo được 7 khóa học cho hơn 200 học viên. Sau mỗi khóa học, các học viên đều được nhận chứng chỉ hát chèo tàu do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng cấp.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định chèo tàu đã được bảo tồn trên đất Tân Hội; tuy nhiên, để phát triển được vẫn còn không ít khó khăn bởi các nghệ nhân đều đã cao tuổi. Nghệ nhân ưu tú Đông Sinh Nhật, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo tàu Tổng Gối mong muốn tiếp tục đào tạo, truyền dạy đúng nguyên bản, đúng giọng điệu chèo tàu cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, ngành Văn hóa, chính quyền địa phương cần có chế độ, chính sách hỗ trợ các lớp học hát chèo tàu và câu lạc bộ mua sắm trang phục, đạo cụ, duy trì tập luyện. "Chúng tôi cũng mong muốn được tổ chức một hội thảo về hát chèo tàu có sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, các học giả để định hướng cho địa phương bảo tồn và phát triển chèo tàu trong chặng đường dài phía trước”, Nghệ nhân ưu tú Đông Sinh Nhật chia sẻ.

Người dân Tân Hội luôn mong muốn làm sao để chèo tàu trở nên gần gũi trong đời sống xã hội, trở thành nét sinh hoạt văn hóa thường xuyên chứ không chỉ tổ chức 5 năm 1 lần khi làng mở hội. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Ngô Văn Mạnh cho biết, chính quyền xã đã và đang tạo “đất diễn” cho môn nghệ thuật này trong các chương trình văn nghệ quần chúng ở địa phương. Đồng thời, tuyên truyền để lớp trẻ thấy được ý nghĩa của hát chèo tàu, từ đó chung sức giữ gìn nghệ thuật truyền thống của địa phương. Xã Tân Hội cũng đã đưa hát chèo tàu vào chương trình dạy học trong các nhà trường trên địa bàn.

Dù còn không ít khó khăn phía trước, song các nghệ nhân và người dân Tân Hội đều tin rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như nỗ lực gìn giữ, tình yêu với "đặc sản" nghệ thuật địa phương của mỗi người, chèo tàu sẽ "sống mãi" với thời gian, là nét đẹp văn hóa của người dân vùng Tổng Gối.

(0) Bình luận
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
  • Kiến trúc Thủ đô (1954 - nay): Dấu ấn qua mỗi chặng đường
    Sau ngày tiếp quản (10/10/1954), từ một thành phố nhỏ bé, với lượng dân số ít, Hà Nội đã vươn tầm trở thành thành phố lớn trong khu vực và thế giới với không gian kiến trúc đô thị đa hệ, giàu bản sắc và phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy ngành kiến trúc quy hoạch xây dựng đã có những đóng góp đáng kể và để lại nhiều dấu ấn. Đây chính là những bước đệm, tạo đà cho sự phát triển của đô thị Hà Nội trong tương lai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Tăng cường xây dựng người Ba Đình văn minh, thanh lịch, nghiêm túc, nghĩa tình
    Quận ủy Ba Đình đã tổ chức Hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2024 về “Phát huy giá trị văn hóa truyền thống”; triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Quận uỷ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phát động cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4.
  • Phát huy vai trò của Phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch
    Tiếp tục triển khai hiệu quả 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập đến trong Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Đừng bỏ lỡ
''Sống lại'' chèo tàu Tân Hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO