Sống động sắc màu

Tuyết Minh| 03/05/2018 09:17

Tinh tế, đậm đà, sâu lắng, khác lạ, độc đáo, mộc mạc, gần gũi mà cũng rất mạnh mẽ, phóng khoáng, đó là cảm nhận của tôi khi xem những bức tranh của họa sĩ Phạm Lực qua nhiều cuộc triển lãm khác nhau.

Phạm Lực sinh ngày14/3/1943 tại Huế, hiện đang sống tại Hà Nội. Ngay sau khi tốt nghiệp 1965, khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, anh xung phong vào quân ngũ. Năm 1977, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và đã tham gia các cuộc triển lãm tại Liên Xô, Nhật, Đức, Pháp, Mỹ, Italia, Ba Lan… Là họa sĩ quân đội, anh được đi nhiều vùng, miền, hiểu nhiều về cuộc sống trong cả thời chiến lẫn thời bình nên tranh của anh rất đa dạng về thể loại và chất liệu: bột màu, lụa, sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ... Các tác phẩm của anh kết hợp tài tình, khéo léo giữa kỹ thuật hội họa phương Tây với truyền thống hội họa Việt Nam khiến tranh của anh vừa độc đáo, tinh tế, dung dị vừa dí dỏm, mộc mạc, gần gũi. Anh đã vẽ, vẽ và vẽ rất nhiều…, tác phẩm của anh lên tới vài chục nghìn bức – một khối lượng thật khổng lồ ít ai tưởng tượng được.  

Sống động sắc màu
Hà Nội vào thu (1980) - Tranh của Phạm Lực

Gần đây nhất, tôi lại được tham dự triển lãm “Bút lực” của họa sĩ Phạm Lực tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom. Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm đặc sắc được chọn lọc từ bộ sưu tập khoảng 700 bức tranh của TS. Nguyễn Tiến Dũng. Những bức tranh được sáng tác từ năm 1963 - 2017, thuộc nhiều đề tài khác nhau, thể hiện trên nhiều chất liệu, phần nào lột tả được thế giới hội họa đa chiều của họa sĩ Phạm Lực. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, chủ nhân của bộ sưu tập đã dành những tình cảm đầy xúc động: “Triển lãm này hướng tới ngày sinh nhật lần thứ 75 của họa sĩ Phạm Lực. Trong 75 năm, anh Lực bắt đầu vẽ từ hồi 5 tuổi cho đến ngày hôm nay. Có những họa sĩ vẽ như một nghiệp, một đòi hỏi tự thân, không vẽ không được. Tôi yêu mê mẩn vì sự thăng hoa trong những bức tranh của anh Lực…”.   

Xem triển lãm, người xem như lạc vào mê cung của những khoảnh khắc và lát cắt đẹp trong cuộc sống. Tranh của họa sĩ Phạm Lực không tỉa tót, trau chuốt mà mạnh mẽ, phóng khoáng, ào ạt, phá cách rất ngẫu hứng với sắc màu sống động. Phụ nữ và hoa trong tranh của anh đầy ấn tượng bởi nét đẹp hồn hậu, thanh tao, gần gũi, thân thương rất Việt Nam, bởi những sắc màu rực rỡ, quyến rũ như thực như mơ thật khó quên. Anh vẽ bất cứ khi nào, bất kỳ đối tượng nào. Có lẽ với anh vẽ như hơi thở cần trong cuộc sống vậy. 

Sống động sắc màu
Thiếu nữ áo dài (2001) - Tranh của Phạm Lực 

Không có nhân vật nổi tiếng mà chỉ có cái bình thường, giản dị, sống động của cuộc sống trong tranh Phạm Lực. Những bức tranh của anh hướng về cuộc sống giản đơn, dung dị, thậm chí lam lũ, một nắng hai sương để ghi nhận, sẻ chia. Anh không chỉ vẽ ở đồng bằng, miền xuôi mà còn đi tới cả các vùng cao, vùng xa không dễ đặt chân tới. Anh bắt cái hồn tan vào cảnh, cảnh hóa thân vào hồn nên tranh của anh sâu thẳm, rộng mở, thân thương, sống động, độc đáo… Vậy mà khi gặp anh – người họa sĩ ấy lại rất sôi nổi, thân thiện, cởi mở, đúng “tuýp” người năng động, nhiệt huyết của thời kỳ phát triển và hội nhập. 

Quả thật hiếm có một họa sĩ đương đại được nhiều người hâm mộ, đam mê tranh của mình; được thành lập hẳn một câu lạc bộ sưu tập tranh và thường xuyên tổ chức triển lãm đó chính là họa sĩ Phạm Lực. Niềm tự hào rạng rỡ tỏ rõ trên khuôn mặt anh mỗi khi bắt gặp anh ở những cuộc triển lãm như thế… Những gam màu tươi sáng, rực rỡ, sự làm chủ kỹ thuật hội họa cùng nét tài hoa cộng với sự bình dị thấm đẫm tâm hồn Việt khiến tranh của anh luôn được đông đảo công chúng ở mọi tầng lớp say mê và sưu tập. 

Họa sĩ Phạm Lực được đánh giá là một trong những tài năng có cá tính hội họa ấn tượng của Việt Nam, đã có hơn 30 triển lãm ở trong nước và quốc tế. Có được thành công trong dấu ấn nghệ thuật hôm nay là nhờ anh đã lao động bền bỉ, suy ngẫm và hết mình cho nghệ thuật. Tranh của anh thật sống động, thật nhẹ nhàng, thật lắng đọng mà triết lý nhân văn. Xem tranh của anh không chỉ đọc bằng mắt mà phải đọc bằng cả sự rung cảm của con tim. Có thể nói anh đã thành công bởi cái nhìn tinh tế, không cầu kỳ mà bằng tình cảm đằm thắm, giàu lòng nhân ái. Anh gửi vào tranh những tình cảm chân thành, những giá trị nhân văn, chuyển tải niềm khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ. Tôi thầm cảm phục anh và chúc anh luôn tràn ngập những niềm vui, thành đạt, hạnh phúc và có nhiều tác phẩm mới làm đẹp cho đời, góp phần phát triển nền mỹ thuật nước nhà.  
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Sống động sắc màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO