Sóc Sơn: Sôi động Lễ hội mua sắm năm 2024
Thực hiện Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội năm 2024; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Lễ hội mua sắm năm 2024 với 120 gian hàng và hơn 1000 sản phẩm là các hàng hóa nông sản, đặc sản vùng miền, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề truyền thống.
Tham dự khai mạc Lễ hội mua sắm năm 2024 có đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT; lãnh đạo Liên minh HTX TP. Hà Nội; Hội Nông dân TP. Hà Nội; lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội; đại diện Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn; các phòng ban và đông đảo người dân trên địa bàn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cho biết: “Chương trình được tổ chức nhằm tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ và tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa nông sản. Thông qua đó kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các quận/huyện thị xã trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung”.
Cùng với các sản phẩm là các hàng hóa nông sản, đặc sản vùng miền, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh của các Hợp tác xã, sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận của Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận lễ hội lần này còn có sự góp mặt của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu.
Với hơn 1.350 làng nghề, làng nghề truyền thống, (chiếm một phần ba cả nước) Hà Nội đang sở hữu nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và du lịch thông qua các làng nghề với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa mang giá trị kinh tế cao vừa chứa đựng những nét văn hóa độc đáo của Thủ đô. Rất nhiều làng nghề truyền thống của Hà Nội có tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, là cái nôi của nhiều nghề thủ công nổi tiếng trong cả nước như làng nghề lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên);… đặc biệt làng nghề tạc tượng gỗ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) năm 2007 được sách Kỷ lục Việt Nam ghi danh là “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam” hay nghề dát quỳ vàng, quỳ bạc Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) là làng nghề duy nhất cả nước có nghề truyền thống độc đáo này;…
Lễ hội mua sắm năm 2024 là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần bảo tồn, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; không gian cộng đồng làng quê và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên; gìn giữ nét văn hóa độc đáo cũng như quảng bá để đưa du lịch của địa phương phát triển.
Lễ hội mua sắm năm 2024 được xem là sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng nhất trong năm trên địa bàn huyện. Sự kiện diễn ra gần với các ngày lễ, Tết (Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2025), sẽ thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều người dân, du khách đến tham quan, mua sắm.
Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cho biết, sự kiện là cơ hội để kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ và tìm đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa, nông sản. Các sản phẩm được lựa chọn tham gia Lễ hội mua sắm năm 2024 là các sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh của Hà Nội và các tỉnh thành nhằm tạo ấn tượng tốt với các đơn vị thu mua, khách hàng tham quan, mua sắm.
Lễ hội mua sắm năm 2024 tại huyện Sóc Sơn diễn ra trong 5 ngày từ 20 - 24/12/2024 tại khu đất đấu giá Dược Thượng, Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội./.