Không phòng dịch tốt, bệnh viện đối mặt với nguy cơ đóng cửa
Tính đến chiều 15-8, Hà Nội đã bước sang ngày thứ ba liên tiếp chưa ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng. Tuy nhiên, trong 8 ca mắc mới tại cộng đồng được ghi nhận trên địa bàn từ ngày 29-7 đến nay, có những trường hợp như bệnh nhân 714 (nam, 42 tuổi, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), sau khi có triệu chứng đã đi qua 4 bệnh viện mới phát hiện bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Mới đây, trường hợp bệnh nhân 867 (nam, 63 tuổi, ở thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) xuất hiện triệu chứng đau tức ngực từ ngày 27-7, sau đó đi khám ở phòng khám tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tiếp đến, bệnh nhân đã đến 2 bệnh viện lớn tại Hà Nội và ngày 11-8, bệnh nhân có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Từ thực tế trên cho thấy, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại các bệnh viện là rất lớn. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh viện chính là nơi ghi nhận và phát hiện những ca bệnh Covid-19. Do đó, việc phát hiện sớm, phân luồng và cách ly người bệnh đóng vai trò quan trọng đối với sự an toàn của bệnh viện.
Để tăng cường công tác phòng, chống lây nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện trong và ngoài công lập, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra đánh giá, chấm điểm và đưa ra các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch trong bệnh viện.
Tính đến ngày 13-8, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra được 20 bệnh viện công lập, 6 bệnh viện ngoài công lập. Qua kiểm tra cho thấy, 100% bệnh viện có phòng khám sàng lọc và có khu khám cách ly riêng biệt đối với trường hợp nghi nhiễm; thực hiện tổng vệ sinh khử khuẩn khuôn viên bệnh viện thường xuyên... Tuy nhiên, vẫn còn một số bệnh viện chưa thực hiện đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, khắc phục kịp thời những "lỗ hổng" trên.
Tại cuộc kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, qua kiểm tra, ngay từ tầng 1, bệnh viện này đã tổ chức thực hiện khai báo y tế, sàng lọc từng người ra, vào. Bệnh viện đã bố trí phân luồng bệnh nhân, có đường đi riêng, có buồng cách ly cho những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ; có buồng chờ khám riêng và đã triển khai quy định hạn chế người nhà chăm sóc bệnh nhân... Hầu hết bệnh nhân đến khám, điều trị đều đeo khẩu trang, ngồi giãn cách.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý ghi nhận những cố gắng của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống nhiễm khuẩn theo tiêu chí bệnh viện an toàn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng đề nghị, bệnh viện rà soát lại toàn bộ công tác phòng, chống dịch tại đơn vị; phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của bệnh viện. Đặc biệt, trong việc xây dựng phương án phòng, chống dịch, bệnh viện phải xây dựng cả phương án khi đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
"Bệnh viện cần bố trí khu vực đón tiếp rộng rãi, thoáng mát, thực hiện tốt hơn nữa việc giãn cách bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các điểm chờ khám. Mặt khác, bệnh viện cần kiểm soát tốt việc thăm nom, chăm sóc của người nhà bệnh nhân, mỗi bệnh nhân chỉ được một người thân chăm sóc. Bên cạnh đó, bệnh viện nên mời các chuyên gia để tư vấn, sắp xếp, bố trí lại hoạt động bệnh viện cho khoa học hơn, nhằm phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch", Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý lưu ý.
Bệnh viện phải kích hoạt mức cảnh báo cao nhất
Ngay trong tháng 8-2020, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, như: Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa trung ương, Bệnh viện Quốc tế Dolife...
Đánh giá công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng dịch Covid-19 tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho rằng, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, dịch đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với hàng trăm ca nhiễm. Thậm chí, có những ca chưa xác định chính xác nguồn lây. Chính vì vậy, cả cộng đồng phải chung tay phòng, chống dịch, nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh phải kích hoạt mức cảnh báo cao nhất.
"Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, cần phải ý thức rõ công tác phòng dịch, bảo đảm công tác an toàn bệnh viện được thực hiện và giám sát thường xuyên, liên tục. Bởi chỉ một khâu lơi lỏng cũng có thể khiến chúng ta nhận hậu quả đáng tiếc", ông Cao Hưng Thái nói.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng lưu ý, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố nâng cao bài học cảnh giác, tránh để xảy ra tình trạng như Bệnh viện Đà Nẵng.
Riêng một số bệnh viện điều trị bệnh nhân có bệnh nền, có khoa cấp cứu, khoa hồi sức phải quan tâm đến vấn đề sàng lọc người bệnh, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Bởi, tại những nơi này, nếu chỉ để lọt một bệnh nhân là nguy cơ rất cao.
"Các bệnh viện cần khẩn trương khắc phục những tồn tại trong việc tổ chức quy trình đón tiếp, cách ly, biện pháp phòng dịch... Nếu bệnh viện nào, giám đốc nào, trưởng khoa nào lơ là trong công tác phòng dịch sẽ bị tạm đình chỉ", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.