Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp thông tin về Hội chợ tại buổi họp báo (Ảnh: Đăng Chung).
Hội chợ được tổ chức nhằm giới thiệu những thành tựu về phát triển nông nghiệp, nhất là những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mở rộng giao lưu, liên kết, hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Tăng cường mở rộng giao lưu với doanh nghiệp để tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác và thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp; nâng tầm thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, tạo cơ hội kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thúc đẩy cơ hội xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Hội chợ còn nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Đến thời điểm này, Ban tổ chức Hội chợ đã nhận được sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố trong cả nước, với các đơn vị đến từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Hồng và lân cận; các hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã nông nghiệp sạch, trang trại, cơ sở làng nghề, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, các đơn vị hoạt động trong các ngành phụ trợ, dịch vụ phục vụ nông nghiệp…
Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm có quy mô khoảng 300 gian hàng: Trưng bày, giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố lân cận về thành tựu nông nghiệp của các địa phương, công nghệ, tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, nông nghiệp công nghệ cao; trưng bày, giới thiệu kết quả xây dựng nông thôn mới; tổ chức các gian hàng thương mại nông sản của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các địa phương trong cả nước.
Sản phẩm giới thiệu tại hội chợ: Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sinh vật cảnh; các sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản là đặc sản vùng miền, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm; sản phẩm nông lâm sản chế biến đạt chuẩn; máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...
Sẽ có nhiều hoạt động diễn ra trong khuôn khổ hội chợ lần này, trong đó, đáng chú ý là Hội nghị phổ biến tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, được tổ chức ngày 16/6, tại Hà Nam.
Cũng tại buổi họp báo, UBND huyện Thanh Hà đã thông tin về Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà chính hiệu tại Hà Nội diễn ra từ ngày 12 – 18/6 tới, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Đây là hoạt động có ý nghĩa quảng bá mạnh mẽ hơn nữa đặc sản vải thiều Thanh Hà đến người dân Thủ đô; giúp người tiêu dùng ở Hà Nội nhận biết được sản phẩm chính gốc; qua đó góp phần bảo vệ thương hiệu đặc sản này; đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối giao thương giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng.
Tại buổi họp báo, Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp và Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.