Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

kinhtedothi| 23/09/2022 10:04

Sau thời gian khẩn trương lấy ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng, chuyên gia phản biện, đến nay, hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đủ điều kiện để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định trong kỳ họp tháng 10 tới.

Nút giao thông trung tâm quận Long Biên. Ảnh: Hoàng Hà
Nút giao thông trung tâm quận Long Biên. Ảnh: Hoàng Hà  

Mở ra tương lai phát triển mới

Đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng đối với việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia - quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.

Tại Phiên họp thẩm định mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định, đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể. Qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian, lộ trình và nguồn lực phát triển của quốc gia.

Trước khi Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tới, cơ quan chủ trì soạn thảo quy hoạch là Bộ KH&ĐT sẽ còn phải tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia đạt chất lượng cao nhất. Bởi trong tổng số 44 ủy viên, thành viên Hội đồng Thẩm định, 37 phiếu đồng ý thông qua hồ sơ quy hoạch với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 84% số phiếu. Con số này với Dự thảo báo cáo thẩm định là 28 phiếu, chiếm 63%. Song có thể nói, với việc thông qua bước đầu này, một kịch bản, con đường phát triển mới của đất nước đang dần được mở ra.

Đánh giá về nội dung của bản quy hoạch tổng thể quốc gia, hầu hết các thành viên Hội đồng Thẩm định cho rằng bản quy hoạch đã được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, bài bản, cầu thị, huy động được sự tham gia đông đảo, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, chất lượng của bản quy hoạch đã được nâng lên sau mỗi lần đóng góp ý kiến, thể hiện sự nghiêm túc, lắng nghe của Ban Biên tập. Nhờ đó chúng ta hy vọng sẽ có bản quy hoạch quốc gia tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.

“Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, trong một bản quy hoạch, chúng ta không kỳ vọng giải quyết được hết tất cả mọi mong muốn phát triển, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang có cuộc đua tranh lớn với thế giới. Do đó, ngoài các chương trình phát triển thông thường, thể hiện rõ khát vọng phát triển thì bản quy hoạch cần tạo ra những tuyến đột phá rất mạnh. Một trong những tuyến đột phá mà trong quy hoạch này đã thiết kế rất rõ đó là dự kiến mục tiêu xây dựng 5.000km đường bộ cao tốc đến năm 2030” - PGS.TS Trần Đình Thiên nêu.

Công viên Hòa Bình, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Công viên Hòa Bình, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tạo đột phá từ hạ tầng giao thông

Hai trong số nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng, đô thị lớn, đồng thời phát triển bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia lần này nhằm cụ thể hóa đường lối và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Trong đó, không chỉ vấn đề phát triển vùng mà là toàn bộ không gian phát triển đất nước được định hình bởi hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng về giao thông là hàng đầu, cần phải tập trung và đẩy mạnh.

Theo GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, hiện nay Nhà nước ưu tiên rất lớn cho phát triển đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào hệ thống đường bộ cao tốc thì hệ thống kết cấu hạ tầng chưa thể nói là đồng bộ được. Một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ là khi các chuyên ngành vận tải được sắp xếp, phân công theo đúng chức năng, vai trò.

Trong đó làm thế nào để tận dụng được các ưu thế của từng chuyên ngành vận tải, đặc biệt là đường sắt. Đây là ngành tiêu tốn vật tư, kỹ thuật, năng lượng ít nhất nhưng khối lượng vận chuyển lớn và rất an toàn. Vì thế, ngoài hệ thống đường bộ cao tốc, quy hoạch tổng thể quốc gia lần này đã đưa vào hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án, một công trình trọng điểm.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, hiện nay, nền kinh tế thị trường luôn cần lưu thông với tốc độ cao, đòi hỏi phải có sự kết nối hiệu quả, trong khi đất nước ta có hình thể dài mà độ mở lại lớn nên cách tiếp cận làm đường cao tốc chắc chắn là cách tiếp cận rất cơ bản để tạo ra đột phá.

“Trong những năm gần đây, Chính phủ đã nỗ lực dốc sức cho xây dựng đường cao tốc, đôn đốc, tạo mọi điều kiện cơ chế, chính sách để giải quyết ách tắc. Đây là điểm rất đáng mừng. Và lần này thể hiện tổng thể trong bản quy hoạch, tôi tin những điều đó sẽ được thực hiện và mang lại những đột phá mạnh" - PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay.

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, quy hoạch quốc gia phải dựa trên khung mang tính chất nền tảng, đó là quy hoạch giao thông, quy hoạch hạ tầng là hoàn toàn đúng. Trong quy hoạch hạ tầng, mạch chính là tuyến đường bộ cao tốc nhưng vẫn còn các tuyến khác cần chú ý thêm như: Tuyến đường sắt cao tốc, các cảng hàng không, cảng biển, đây là những "tọa độ" cùng với đường cao tốc phải đồng nhịp, đồng hành với nhau, bởi nếu chú ý mỗi đường bộ cao tốc thì cũng không bảo đảm hiệu quả tốt nhất.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là một bước cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Bản quy hoạch đề cập đến việc hoạch định lại không gian phát triển quốc gia, xây dựng bộ khung hạ tầng quốc gia hay các cực tăng trưởng, hành lang kinh tế… thì mục tiêu cuối cùng vẫn là để làm sao hiện thực hóa khát vọng của đất nước. Đó là đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Để đạt được mục tiêu này, đúng như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, một bản quy hoạch chất lượng sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước.

Hiện nay giao thông đô thị đang gặp nhiều vấn đề lớn. Nếu không giải quyết bài toán giao thông đô thị thì Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không thể phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế để tạo động lực phát triển liên vùng. Để liên kết các trung tâm lớn là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội với liên vùng thì dứt khoát phải phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng hệ thống đường sắt đô thị kết nối với hệ thống đường sắt liên vùng, chứ không chỉ bằng các tuyến đường xuyên tâm và các tuyến đường vành đai.

Khi người dân ở nội đô hay ở liên vùng đều có thể sử dụng đường sắt đô thị thì lúc đó, chúng ta mới tính được bài toán hạn chế phương tiện cá nhân đi vào trung tâm TP. Tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng tối thiểu phải đạt được 50% các chuyến đi thì mới khắc phục được những vấn đề của giao thông đô thị hiện nay.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO