Sự kiện & Bình luận

Quy hoạch Thừa Thiên Huế “Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh - sạch - đẹp, an toàn, bền vững”

Hà Oai 05:15 07/04/2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gói gọn 13 chữ đối với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế “Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh - sạch - đẹp, an toàn, bền vững” tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.

Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 6/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 nhằm công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

z5321423687376_e35f5c50052f455aa67c8dc2b3b1647a.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Trưởng Ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương, ông Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và các nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, hai quy hoạch được công bố ngày hôm nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững, tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh Thừa Thiên Huế. Từng bước tháo gỡ những “điểm nghẽn”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, iữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.

“Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư hôm nay là sự tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là dịp tỉnh Thừa Thiên Huế công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như tiếp tục đóng góp, đề xuất, kiến nghị, giúp đỡ tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển trong tương lai và để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện” - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

z5321423610676_b1c0d8d3ed1b5fc2e57c8be341b8df73.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.

Trong hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đọc công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26/01/2024. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quy hoạch Thừa Thiên Huế “Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh - sạch - đẹp, an toàn, bền vững”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gói gọn 13 chữ đối với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế là “Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh - sạch - đẹp, an toàn, bền vững”, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng với truyền thống lịch sử, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện thành công bản quy hoạch đã được xây dựng rất công phu, khoa học, mang tính bao trùm, toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh” khi triển khai các quy hoạch. “Một trọng tâm’ là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, ứng phó biến đổi khí hậu.

“Hai tăng cường” gồm tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau) và tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, kết nối giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường.

“Ba đẩy mạnh” gồm đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội...), đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất cung ứng cho khu vực, thế giới và nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Đối với các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nếu đủ điều kiện.

Thứ hai, phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa và đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược. Thứ ba, phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển và phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn (nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế...).

Thứ tư, quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như du lịch, tài chính, công nghệ thông tin, y tế chuyên sâu... Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số như PAPI, PCI... chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn và có tiềm năng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế… Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng còn đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch và tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, phối hợp hỗ trợ hiệu quả đồng bộ với địa phương và cùng địa phương, cùng cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.

“Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương khác, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như các quy hoạch đã công bố, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về Thừa Thiên Huế và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

z5321423947601_e3aa4b9483e507fd92b96b30ada1092b.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.
z5321423784220_6a5a202516f7e42a8c8796a53d34f5ba.jpg
Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
z5321423897870_9cb8572703514faa0794cea054fb7ef5.jpg
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án với tổng vốn đăng ký 9.134 tỷ đồng.

Tại hội nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký 9.134 tỷ đồng và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án đang nghiên cứu và thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng vốn đăng ký 113.500 tỷ đồng.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch Thừa Thiên Huế “Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh - sạch - đẹp, an toàn, bền vững”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO