Quy hoạch Thủ đô tạo động lực phát triển cho các địa phương trong vùng
Sáng 9/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch Thủ đô thể hiện tư duy, tầm nhìn mới
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết: Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục; có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là cực tăng trưởng của đất nước trong những năm qua. Hiện GRDP của Hà Nội chiếm khoảng 14% của cả nước và liên kết giữa Hà Nội với các địa phương ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được; trong những năm gần đây vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2011, GRDP chiếm 48% GRDP của Vùng thì đến năm 2022 chiếm 42,2%; Tốc độ tăng trưởng GRDP đang có xu hướng thấp dần so với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng (cụ thể: Năm 2023 tăng trưởng kinh tế của Thủ đô là ước đạt 6,27%, đứng thứ 9/11 tỉnh/thành phố trong Vùng).
Nông nghiệp chậm thay đổi, manh mún, chưa phát triển theo xu thế kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sạch; thiếu các vùng sản xuất được hỗ trợ tốt về hạ tầng chuyên ngành; văn hóa; khu công nghiệp. Không gian phát triển công nghiệp chưa phát huy được tiềm năng. Sau khi sáp nhập, Hà Nội có 9 KCN, với diện tích 1.673,6 ha; trong khi đó Bắc Ninh với diện tích nhỏ hơn nhiều nhưng hiện có 16 KCN, diện tích 6.397,68 ha. Vì vậy, việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển đất nước, vùng và địa phương.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, năm 2023, thành phố Hà Nội triển khai tổ chức xây dựng đồng thời 3 nội dung công việc quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương mang tính chiến lược của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn kiện quan trọng khác.
Đó là: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nhằm kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội giữa thế kỷ XXI và xa hơn nữa; phối hợp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo lập thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực, động lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Hiện nay, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã, cùng với các báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch (ĐMC), báo cáo tóm tắt, hệ thống phụ lục, hệ thống sơ đồ, bản đồ được xây dựng trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển, đó là:
Cụ thể, theo Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hoá; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 06 mục tiêu về kinh tế; 05 mục tiêu về xã hội; 06 mục tiêu về môi trường; 02 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 01 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...
5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian
Trình bày về những đột phá của quy hoạch Hà Nội, đại diện đơn vị tư vấn, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, Quy hoạch Thủ đô nhấn mạnh tới yếu tố tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo quy hoạch, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đưa ra 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Về quan điểm phát triển, thứ nhất, phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan toả và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc, là hình mẫu lan toả cho phát triển cả nước.
Thứ hai, phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác tiềm năng nguồn lực văn hoá di sản thành động lực phát triển bền vững, Thủ đô văn hiến, thanh lịch.
Thứ ba, phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng. Tôn trọng, kế thừa có chọn lọc các quy hoạch và thực tế phát triển của mỗi giai đoạn lịch sử. Đổi mới để theo kịp các xu thế phát triển tiên tiến, văn minh, hiện đại và hiệu quả.
Thứ tư, phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, kết hợp khai thác hợp lý, có hiệu quả những lợi thế đặc thù của thiên nhiên thành các nguồn lực phát triển bền vững trên nguyên tắc thuận thiên và tuân thủ các quy luật thị trường.
Thứ năm, gắn các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn tuyệt đối của Thủ đô; mở rộng các hoạt động đối ngoại, tạo lập hình ảnh Thủ đô thanh bình và thân thiện, Thành phố toàn cầu.
Xác định các ngành, lĩnh vực của Thủ đô phải đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tiếp cận các xu hướng phát triển mới của cách mạng 4.0; phát triển thông minh và kinh tế số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng chuyển đổi số với các trung tâm cơ sở dữ liệu lớn và điều hành thông minh.
Trong đó, xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng (thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp, nông, lâm nghiệp và thủy sản); phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác (y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao; lao động, việc làm, an sinh xã hội; khoa học và công nghệ; an ninh, quốc phòng, đối ngoại…); phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ thuộc khu vực nông thôn; phương án phát triển các khu chức năng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Nghiên cứu phân bổ không gian phát triển thành 05 vùng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng việc khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển; đồng thời có sự liên kết hài hòa giữa các tiểu vùng, giữa các không gian dựa trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế so sánh của các vùng; ưu tiên phát triển một số tiểu vùng mang tính dẫn dắt, chú trọng một số không gian mới để tạo động lực phát triển.
Các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với 04 tuyến hành lang và 01 vành đai kinh tế để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội cần đặt ra những mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển của cả nước chứ không chỉ “vượt lên so với chính Hà Nội.” Theo ông Sinh, tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quá thấp, không giúp thúc đẩy tăng trưởng.
"Tỷ lệ đóng góp của khu vực dịch vụ cũng có giới hạn, nhất là khi dịch vụ của Hà Nội vẫn thuộc loại giản đơn, không mang lại giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, định hướng chuyển đổi số, chú trọng đổi mới sáng tạo chưa thể hiện rõ, trong 4 năm chỉ tăng 0,5% và thứ hạng vẫn thấp. Muốn tăng trưởng nhanh, nhất định phải xem lại khâu này,” ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh. Về giải tỏa điểm nghẽn hạ tầng, ông Cao Viết Sinh đề nghị chú trọng đến đặc thù của Hà Nội, theo đó, Hà Nội nên chú trọng đầu tư phát triển giao thông ngầm.
Gợi ý thảo luận thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng ý với ý kiến điều chỉnh hợp lý tỷ trọng công nghiệp, nhưng phải là công nghiệp xanh, sạch. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030./.