Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Hà Nội tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế ban đêm
“Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” Hà Nội cần tìm ra các giải pháp khai thác tốt tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế xã hội.
Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị ngày 24/5 nêu rõ: Nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế.
Đây cũng là nội dung được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Thủ đô).
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu tăng doanh thu ngành du lịch bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế du lịch đêm. Nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với điểm đến tổ chức tour du lịch đêm tại Di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội...
Thời gian qua, Hà Nội rất quan tâm đến kinh tế đêm, đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa du lịch ban đêm như: khu vực Tạ Hiện, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cuối tuần, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố ẩm thực Tống Duy Tân, thành cổ Sơn Tây; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng... Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm cũng được chú trọng phát triển, như: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã thông qua kế hoạch xây dựng, phát triển thêm một số sản phẩm du lịch đêm gắn với điểm đến như: Chợ hoa đêm Tây Hồ, làng hương Quảng Phú Cầu...
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, phát triển du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù, kinh tế đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng gần đây, tuy nhiên chưa thực sự bứt phá. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản phẩm du lịch về đêm, chưa quy hoạch không gian để xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt.
Bên cạnh đó, doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách tại Hà Nội còn thấp có nguyên nhân từ khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 24 giờ. Trong khi đó, nhu cầu của du khách sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật về đêm rất lớn, chứ không chỉ loanh quanh ở phố đi bộ, chợ đêm, quán karaoke, vũ trường hay ăn vặt.
Một số chuyên gia văn hóa nhìn nhận để thể hiện sự thống nhất về mặt chủ trương, là “kim chỉ nam” cho quá trình hoạch định chính sách, tiến tới các bước thực hiện cụ thể để phát triển kinh tế đêm phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nguồn lực riêng có của Thủ đô Hà Nội.
Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO thành phố Hà Nội, Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho rằng, trong Kết luận, Bộ Chính trị nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp văn hóa, mô hình kinh tế đêm. Đây là cơ hội để Hà Nội có được cơ chế đặc thù, mang tính đột phá, là động lực để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Vì vậy, trong giai đoạn này, Hà Nội phải có tầm nhìn mới, tư duy mới mang tính toàn cầu và lấy con người làm trung tâm”.
Còn theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội mong muốn Hà Nội đẩy mạnh kinh tế ban đêm, tạo điều kiện để du khách tiêu tiền nhiều hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
“Theo nghiên cứu trên thế giới, khách du lịch dành thời gian chính để tiêu dùng là vào ban đêm. Du lịch đêm có sự hấp dẫn riêng của nó. Dưới ánh sáng lung linh, huyền bí, những di tích được kể chuyện hay hơn bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, các hoạt động văn hóa cũng trở nên nhộn nhịp, hấp dẫn hơn”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết.
Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, để phát triển của kinh tế đêm thì phải có sản phẩm đặc thù. Ngoài các thiết chế, di sản văn hóa còn có các loại hình dịch vụ, đòi hỏi phải có chính sách phù hợp. Chẳng hạn bảo tàng, thư viện, di tích thì giờ làm việc phải theo giờ giấc khác. Cần có những địa điểm văn hóa cụ thể như phố đi bộ Hồ Gươm. Bên cạnh đó phải rút kinh nghiệm để có những sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu, nhu cầu của du khách./.