Quần thể di tích núi Hoàng Xá: Cần được bảo tồn xứng tầm giá trị lịch sử
Núi Hoàng Xá (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội) nằm trong hệ thống “thập lục đại danh sơn” của phủ Quốc Oai xưa. Dưới chân núi Hoàng Xá có động Hoàng Xá là một di tích gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc trong các cuộc chống giặc ngoại xâm. Cùng với đó, nơi này còn lưu lại bút tích của những danh sĩ nổi tiếng bởi vẻ đẹp trầm mặc, thanh bình.
Tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng kiến trúc chùa Thầy và khu vực các núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá (trong đó có động Hoàng Xá) là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt, đây là địa điểm di tích cách mạng gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta.
Trong kháng chiến chống Pháp, rạng sáng ngày 3/3/1947 trước khi lên Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghỉ tại chùa Một Mái ngay dưới chân núi Hoàng Xá.
Ngày 12/4/1949, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn gồm khoảng 2.000 quân, có pháo binh, xe tăng và máy bay yểm trợ tấn công vào khu vực núi và động Hoàng Xá. Tại đây, dân nhân và du kích địa phương đã phối hợp với đại đội 385 tổ chức chống càn. Trong trận chiến này, quân và dân tiêu diệt và bắt sống rất nhiều quân Pháp, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu cho quân và dân huyện Quốc Oai trong kháng chiến chống Pháp. Về sau, ngày 15 tháng Ba âm lịch hàng năm được chọn để nhân dân trong vùng tổ chức giỗ trận tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ những người đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất quê hương. Trước đó, nơi này cũng từng có thời gian là trụ sở làm việc của Ủy ban kháng chiến liên khu II.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1972 đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nơi đây lại được Chính phủ chọn làm nơi cất giữ ngân khố quốc gia và đặt đài phát thanh dự phòng. Khi đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì bị bom Mỹ phá hủy, từ động Hoàng Xá những bản tin thời sự về cuộc kháng chiến dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng vẫn liên tục đến với nhân dân trong cả nước và cộng đồng quốc tế. Hệ thống núi và động Hoàng Xá đã được Thành phố Hà Nội gắn biển di tích cách mạng kháng chiến.
Theo sử liệu còn ghi chép lại, trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương tháng 12 năm 1854, Cao Bá Quát đã lãnh đạo nghĩa quân chống lại quân triều đình nhà Nguyễn do tướng Lê Thuận chỉ huy dưới chân núi Hoàng Xá, tại trận chiến này ông đã tử thương. Những năm Cao Bá Quát ở Quốc Oai, ấn tượng với vẻ đẹp của một vùng non nước kỳ vĩ, ông đã có 4 bài thơ đề trên vách núi Sài Sơn và để lại bút tích trong động Hoàng Xá. Bài thơ của ông về động Hoàng Xá có tên “Ngắm núi Hoàng” được những danh sĩ đời sau coi là một thiên tuyệt bút.
Động Hoàng Xá cũng là nơi người dân Quốc Oai thờ danh sỹ Cao Xuân Dục (1842-1923), ông là vị quan chính trực triều Nguyễn dưới đời vua Duy Tân. Ông từng giữ chức tri phủ Quốc Oai, sau khi ông mất nhân dân tạc tượng thờ ở giữa động này.
Núi Hoàng Xá, ngoài những hang động vẹn nguyên nét hoang sơ có tuổi đời hàng triệu năm do thiên nhiên ban tặng, quần thể di tích còn để lại nhiều công trình kiến trúc độc đáo do bàn tay, khối óc tài hoa của những người thợ vùng “đất trăm nghề” Hà Tây xưa đã tạo dựng và gìn giữ qua nhiều thế hệ như đền thượng, chùa Một Mái, nhà thủy đình 8 mái giữa một vùng trời nước thơ mộng.
Sau thời gian dài những công trình kiến trúc này xuống cấp một cách nghiêm trọng, thời gian gần đây một số hạng mục như đền Thượng, thủy đình 8 mái, nhà bảo vệ đã được trùng tu, sửa chữa. Tuy nhiên, để quần thể di tích này được bảo tồn và phát huy giá trị xứng đáng với tầm vóc mà lịch sử để lại thì vẫn còn đó những công việc cần được hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Trong đó đặc biệt là hệ thống bậc đá vào hang và tường rào bảo vệ khu di tích đã hư hỏng nặng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, một lãnh đạo thị trấn Quốc Oai cho biết, địa phương đã có đề xuất để trùng tu và sửa chữa nốt các hạng mục trên, nhưng thời gian cụ thể để thực hiện thì vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền trả lời.
Chị Quỳnh Anh ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Oai cho biết, cuối năm 2020 chị cùng gia đình đi lễ chùa Thầy đã ghé thăm quần thể di tích động Hoàng Xá, lúc ấy ngoài đền thượng mới được trùng tu thì các hạng mục kiến trúc khác đều mục nát, hoang phế. Lần này quay lại thấy được những thay đổi tích cực thì rất vui, không gian nơi này yên tĩnh, khí hậu trong lành, mặt hồ rất đẹp với màu xanh đặc biệt là những yếu tố giúp nơi này níu chân du khách. Chị mong muốn lần sau quay lại sẽ được thấy mọi thứ ở đây đều đã được chỉnh trang, tu sửa hoàn thiện.
Tạp chí Người Hà Nội xin giới thiệu đến bạn đọc vẻ đẹp hoang sơ của động Hoàng Xá và những hạng mục kiến trúc độc đáo của nơi này: