Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc gắn biển nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây là cơ hội để các cơ sở tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, đồng thời giới thiệu tới người tiêu dùng các địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc. Qua đó, xây dựng uy tín, niềm tin đối với người dân về chất lượng các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng tham gia Đề án trên địa bàn quận. Đối với sáu cửa hàng được gắn biển nhận diện, Phó Giám đốc Trần Thị Phương Lan đề nghị tiếp tục duy trì tốt các điều kiện, thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm trong kinh doanh, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hoá, xứng đáng là địa chỉ kinh doanh trái cây tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng đề nghị lãnh đạo các quận, các sở, ban, ngành quan tâm và tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thực hiện việc cấp các loại giấy tờ về đăng ký kinh doanh, an toàn thực phẩm, hoàn thiện các điều kiện của Đề án; tổ chức triển khai thí điểm “mỗi quận một tuyến phố kinh doanh trái cây kiểu mẫu, nói không với việc kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè”.
Ông Bùi Thế Dũng, Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng hoa quả Luôn tươi sạch cho biết, đơn vị đã cử toàn bộ cán bộ quản lý, nhân viên đi học tập huấn các nội dung của Đề án. Sau đó về làm việc với các đơn vị cung cấp, nhà nhập khẩu để bảo đảm toàn bộ các yêu cầu về giấy tờ, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đồng thời, thường xuyên thay mới cơ sở vật chất cửa hàng, đáp ứng yêu cầu về trưng bày và bảo quản trái cây. Theo ông Dũng, Đề án Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây tại các quận nội thành Hà Nội sẽ góp phần tạo ra những điểm mua hàng an toàn cho người tiêu dùng. Khi được gắn biển nhận diện, hệ thống cam kết sẽ luôn chấp hành tốt các yêu cầu của Đề án để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất.