Phù Thúc Hoành – tình người, tình thơ đằm thắm
Phù Thúc Hoành sinh khoảng đầu thế kỷ XV và lớn lên tại làng Phù Xá, huyện Kim Hoa, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội). Từ thời Lê, vùng này đã nổi tiếng là đất học, đất khoa bảng, vùng văn hiến nổi danh với nhiều người thông minh xuất chúng.
Từ trước đến nay, khi nhắc đến các bậc danh sĩ của đất Thăng Long ngàn năm văn vật chúng ta thường nghĩ ngay đến những gương mặt nổi bật “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, văn chương cái thế lừng lẫy một thời, những bậc đại khoa danh lưu thiên cổ mà dễ quên mất rằng để làm nên “thương hiệu” sĩ phu Bắc Hà, kẻ sĩ Thăng Long còn có sự đóng góp của nhiều người, nhiều nhân vật mà họ chỉ xuất hiện lướt qua những trang quốc sử như một sự tình cờ với rất ít những “huy chương”, “bằng cấp” đi kèm. Nếu không có họ, Thăng Long có lẽ sẽ thiếu đi một phần nào đó chất kinh kì của mình. Giáo thụ Quốc Tử Giám Phù Thúc Hoành là một người như vậy.
Phù Thúc Hoành sinh khoảng đầu thế kỷ XV và lớn lên tại làng Phù Xá, huyện Kim Hoa, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội). Từ thời Lê, vùng này đã nổi tiếng là đất học, đất khoa bảng, vùng văn hiến nổi danh với nhiều người thông minh xuất chúng. Gần bên đó là làng Phù Lỗ có con sông Cà Lồ chảy bên cũng nổi tiếng là đất học, đất văn hiến. Trong địa bàn đó, ba dòng họ lớn có truyền thống là họ Ngô, họ Nguyễn và họ Phù thường hay qua lại với nhau. Mối duyên Châu Trần của Phù Thúc Hoành và Ngô Chi Lan khởi lên từ đó. Hai vợ chồng danh sĩ này là một trong những cặp đôi trai tài gái sắc đẹp nhất của Thăng Long ngày đó. Trong các tài liệu, sách vở còn lại đến giờ, thông tin về Ngô Chi Lan đã khó tìm, thông tin về Phù Thúc Hoành lại càng hiếm. Cho đến ngày nay chúng ta chỉ biết Phù Thúc Hoành tên tự là Nhâm Nhân, ông có đức, học giỏi nhưng không đỗ đạt gì, được Lê Thánh Tông cử làm Bác sĩ hay còn gọi là Giáo thụ chuyên giảng Kinh Dịch ở Quốc Tử Giám và sau được vào làm Học sĩ ở Viện Hàn lâm. Thơ của ông chỉ còn lại hai bài tuyệt cú ngũ ngôn được chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quí Đôn.
Xã hội Việt Nam trong giai đoạn nửa sau thế kỉ XV dưới triều Lê Thánh Tông đã bắt đầu đi vào quan liêu hóa, trong đó người ra làm quan hầu như đều phải được kiểm chứng qua các kì thi từ đại khoa trở xuống, dù là đường quan hay học quan. Từ đây có thể thấy hai điều: Thứ nhất, ông là người tài cao học rộng, có đức độ; thứ hai, đương thời ông nổi tiếng trong giới sĩ phu tới mức “vua biết mặt” và nhận được sự trọng thị, ủy nhiệm vào cương vị học quan tại trung tâm văn hóa - giáo dục bề thế nhất của cả nước. Hiện tượng này chỉ thấy xảy ra đối với rất ít nhân vật trong lịch sử mà thôi. Đặc biệt hơn nữa, ông và vợ là Ngô Chi Lan, cả hai chưa từng có một học vị gì nhưng đều được tôn phong là Học sĩ: một là Nữ học sĩ giảng dạy cho cung nhân, một là Học sĩ Viện Hàn lâm - đã từng là Giáo thụ dạy Kinh Dịch cho sĩ tử “chất lượng cao” tại Quốc Tử Giám. Thăng Long là đất nghìn năm văn hiến, là chốn kinh kỳ, nơi hội tụ nhân kiệt, thu hút tinh hoa văn hóa, nghệ thuật và tri thức của cả nước. Có được điều đó một phần là nhờ có sự góp sức của những nhà giáo tâm huyết với nghề, với đời như Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Lê Đức Mao, Nguyễn Quý Đức... và trong đó không thể không kể đến hai vợ chồng học sĩ họ Phù.
Trong Truyền kì mạn lục, thông qua truyện Kim Hoa thi thoại (Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa), Nguyễn Dữ có dựng lại cuộc nói chuyện giữa Lã Đường Sái Thuận (người Kinh Bắc) với hai vợ chồng Phù Thúc Hoành. Điều này cho thấy được mối quan hệ mật thiết của vợ chồng Phù Thúc Hoành với các bậc danh sĩ đương thời, và dinh thất của họ, rất có thể, là nơi lui tới thường xuyên của các văn nhân dưới thời Hồng Đức, có thể đó cũng là một hội Tao đàn thu nhỏ trong thời thịnh của văn chương. Câu chuyện mang màu sắc “thi thoại” này thực ra chỉ tập trung vào hai nhân vật: Ngô Chi Lan và Sái Thuận. Ngô Chi Lan thì nói về thơ mình, về những điều mà thời nhân đơm đặt xung quanh mối quan hệ giữa bà và Lê Thánh Tông, Sái Thuận thì hào hứng nhận xét về thơ Ức Trai, Cúc Pha, Chuyết Am... và thơ mình. Riêng Phù Thúc Hoành gần như không xuất hiện. Có lẽ đó là ấn tượng mà Phù Thúc Hoành để lại trong lòng hậu thế, tượng về một vị Giáo thụ trường Giám, vị Học sĩ Viện Hàn lâm, chuyên án giảng Kinh Dịch, quán thông được đại đạo của trời đất, là một danh sĩ nổi tiếng mà điềm đạm, thong dong đến an nhiên, tự tại và cũng khá kiệm lời.
Nhìn vào hành trạng và tiểu sử của Phù Thúc Hoành, hẳn không ít người sẽ tưởng tượng về ông trong vai trò một nhà giáo khá “cổ điển” và một học sĩ có phần kinh viện. Tuy nhiên qua hai bài thơ của ông may mắn còn được lại trong Toàn Việt thi lục của Lê Quí Đôn, chúng ta càng hiểu thêm một khía cạnh riêng tư, rất giàu tình cảm và lãng mạn của một danh sĩ đất kinh kì, một nốt nhạc khác lạ giữa thời đại Nho giáo lên ngôi. Sự bâng khuâng của một tâm hồn nhạy cảm được thể hiện khá tinh tế trong bài thơ Dã hành (Đi trong đồng):
Vũ quá vân sơn bích,
Lâm u khê thủy thanh.
Đoạn kiều hành khách thiểu,
Thời hữu dã kê thanh.
(Mưa tạnh mây núi biếc,
Rừng sâu nước suối trong.
Cầu hỏng người qua ít,
Văng vẳng tiếng gà đồng)
và có khi trực tiếp hơn như trong bài Cổ ý (Ý xưa):
Hà diệp lục như cái,
Hà hoa hồng tự nhan.
Tư quân vị đắc kiến,
Trì thượng không bàn hoàn.
(Lá sen như lọng biếc,
Hoa sen như má đào.
Nhớ ai không gặp mặt,
Thơ thẩn hoài bên ao)
Xung quanh hai thi phẩm này đã có khá nhiều đoán định. Có người cho rằng Phù Thúc Hoành viết để tưởng nhớ Lê Thánh Tông vì ông và vợ rất gắn bó với Thuần hoàng đế. Có thuyết cho rằng hai bài thơ dẫn điển Tạ Linh Vận đời Tống và em là Huệ Liên, rồi cho rằng Phù Thúc Hoành đang nhớ người yêu là Nguyễn Hạ Huệ (Ngô Chi Lan). Trên cơ sở văn bản và những gì được ghi lại trong Kim Hoa thi thoại, chúng ta có thể đồng tình với giả thiết thứ hai. Trên thực tế, hai vợ chồng Phù Thúc Hoành cùng làm học sĩ trong kinh, khoảng cách địa lí gần như không có, tuy nhiên, rất có thể việc Ngô Chi Lan được vua vời vào làm nữ học sĩ, chầu hầu ở bên đã tạo ra những trạng thái tâm lí phức tạp của Phù Thúc Hoành. Hai bài thơ, đặc biệt là bài Cổ ý, nếu đoán định một cách chủ quan, rất có thể là sự “hờn mát” bóng gió của Phù Thúc Hoành gửi tới người vợ vốn tất bật với những công việc và sinh hoạt văn học cùng yến tiệc cung đình. Con người Phù Thúc Hoành là thế, nhẹ nhàng, kín đáo nhưng không kém phần lãng mạn, có thể sánh cùng với bài thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Trãi:
Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng,
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng.
Ngoài ấy dù còn áo lẻ,
Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng.
Cả hai thi phẩm thực sự là những bài “thơ tình” đặc sắc, hiếm hoi trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam.
Phù Thúc Hoành đi qua lịch sử Thăng Long với những bước chân thong dong, tự tại như cái chất vốn có của một kẻ sĩ không đỗ đạt, không cao khoa hiển hoạn, không mũ áo cân đai nhưng thực sự là một danh sĩ Bắc Hà. Ở con người ông có chất triết lí của một người chuyên tâm với Kinh Dịch, có sự mô phạm, nghiêm cẩn của một bậc danh sư, có chất hàn lâm của một học sĩ và thấm đẫm phong thái tài hoa, lãng mạn của một nghệ sĩ. Ông vô duyên với khoa cử như phần nhiều kẻ sĩ theo đuổi đường cử nghiệp, không có nhiều thứ nhưng cũng có rất nhiều điều mà khoa cử, công danh không thể đổi lại được. Còn về nội tướng của ông, chắc ông cũng thấy chẳng có gì phải làm to chuyện bởi, nói theo cách nói bây giờ, ông đã có khả năng đề kháng đủ mạnh khi sống trong cảnh “nổi tiếng cùng người nổi tiếng”./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội