Từ phố Trần Nhật Duật đến phố Phùng Hưng, chạy theo hai bên chân cầu, cạnh đường sắt dẫn lên cầu Long Biên.
Phố này chạy dọc theo đường sắt dẫn lên cầu Long Biên, đường dẫn lên cầu quãng này xây khá cao, có những vòm cuốn gọi là gầm cầu, do đó mà thành tên. Đây nguyên là đất thôn Phúc Lâm, tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm) và thông Phủ Từ, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân) đều thuộc huyện Thọ Xương cũ.
Nay thuộc 2 phường Đông Xuân và Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.
Đình Phủ Từ nay là số nhà 19 phố Hàng Lược, còn đình Phúc Lâm nay là số nhà 2 phố Gầm Cầu, chùa Phúc Lâm ở số nhà 120 đường Yên Phụ.
Phố Gầm Cầu thời Pháp thuộc có tên là đường số 27 (voie N027) năm 1928 được đặt tên là phố Lơ-bờ-lăng (rue Leblanc), năm 1933 được đổi tên là đại lộ Hăng-ri Oóc-lê-ăng (boulevard Henrid’Orleant), năm 1935 lấy lại tên phố Leblandc, năm 1945 đổi là phố Khúc Hạo. Năm 1949 tách ra làm hai: đoạn phía Đông – từ phố Trần Nhật Duật đến phố Hàng Giấy – đặt tên là phố Nguyễn Hữu Huân. Đoạn còn lại là phố Gầm Cầu. Đợt đổi tên phố tháng 6/1961, đã chuyển tên người anh hùng chống Pháp Nguyễn Hữu Huân tới phố khác (xem mục Nguyễn Hữu Huân) và lấy tên Gầm Cầu đặt cho phố này.