Ông Nghiêm Văn Miến, Trưởng thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm cho biết, cả thôn có 520 hộ dân thì có tới 80% số hộ làm nghề may áo dài và mở cửa hàng kinh doanh. Điều đặc biệt là nghề may áo dài truyền thống khâu tay rất cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, tưởng chừng chỉ phù hợp với người lớn tuổi, song ở Trạch Xá có tới 80% số thợ làm nghề là “nam thanh, nữ tú”. Ví như chị Vũ Thị Thu Hằng mới 28 tuổi nhưng đã có gần 10 năm gắn bó với nghề may áo dài. Anh Lê Quang Duy 36 tuổi cũng có “thâm niên” 20 năm trong nghề. Hiện anh đã có cửa hàng riêng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 thợ lành nghề và nhiều lao động vệ tinh khác.
Anh Lê Quang Duy cho biết, tiền công may áo dài khoảng 350.000 đồng/chiếc; tùy chất liệu vải, hoa văn thêu tay đi kèm, giá trị của mỗi chiếc áo dài dao động từ 700.000 đồng đến vài triệu đồng. Thậm chí có những bộ áo dài đặc biệt cầu kỳ do khách đặt may có giá hơn 100 triệu đồng/bộ.
Còn ở thôn Hòa Chanh, người dân cũng làm nghề may áo dài nhưng có thêm nghề may công nghiệp mới du nhập từ năm 2015. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hòa Chanh Tạ Đức Mạnh cho biết: Trước đây, thôn có một số lao động đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Đồng Văn (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Từ đó, họ đã mang nghề mới về thôn với các phần việc: Khâu giày da, may quần áo, may màn... Đến nay, thôn có khoảng 30% số hộ làm nghề may công nghiệp. Mỗi hộ trang bị 1-2 máy may công nghiệp, trị giá 15-16 triệu đồng/máy. Nghề mới giúp mỗi lao động có thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, theo anh Tạ Đức Mạnh, gia đình anh và gần 60% số hộ dân trong thôn đang phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi thủy sản, chủ yếu nuôi thả cá trắm, chép, rô phi... Thu nhập của các hộ làm nghề này bình quân 400-500 triệu đồng/ ha/năm. Riêng gia đình anh Mạnh có tổng diện tích 1,3ha nuôi thả cá, sau khi trừ mọi chi phí, thu lãi 600 triệu đồng/năm. Hiện, 100% số người trong độ tuổi lao động ở thôn Hòa Chanh đều có việc làm. Thậm chí, những người già trong thôn vẫn có thể làm thêm nghề mây giang đan với thu nhập 30.000 đồng/người/ngày.
Về vấn đề việc làm tại nông thôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lâm Lê Văn Bin thông tin, ngoài thôn Trạch Xá làm nghề may áo dài, các thôn: Hòa Chanh, Trạch Bái, Mỹ Lâm… còn có thêm nghề may công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xây dựng, kinh doanh dịch vụ… Sự phát triển của làng nghề và nghề mới ở Hòa Lâm đã góp phần nâng thu nhập bình quân lên 5-6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, thực hiện chương trình xóa hộ nghèo, xã và huyện Ứng Hòa đã hỗ trợ hơn 20 hộ nghèo học nghề, tặng máy may công nghiệp, xe đạp, xe máy, bò sinh sản... Nhờ đó, đến nay, 100% số người trong độ tuổi lao động ở Hòa Lâm có việc làm và thu nhập; xã không còn hộ nghèo.