Hoạt động hội

Phát động Liên hoan phim ngắn Hà Nội năm 2024

Thụy Phương 22/05/2024 14:44

Trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), sáng 22/5, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức lễ phát động Liên hoan phim ngắn Hà Nội lần thứ nhất năm 2024 (giải Sao Khuê).

Đến dự lễ phát động Liên hoan phim có họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; ông Hoàng Quốc Việt - Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; nhà biên kịch Bành Thị Mai Phương – Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội cùng đại diện một số phòng/ban chuyên môn các sở, ban, ngành thành phố và đông đảo các văn nghệ sĩ.

z5464978059368_72292599dedc2af40bb747dd63ec6201.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội phát biểu tại lễ phát động.

Phát biểu tại lễ phát động, NSND Trần Quốc Chiêm cho biết: Liên hoan phim ngắn Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của VHNT, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới; từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.

Với chủ đề “Vì một Hà Nội ngàn năm văn hiến”, Liên hoan sẽ là nơi hội tụ các tác phẩm phim ngắn về Hà Nội với phong cách độc đáo, ngôn ngữ điện ảnh đa dạng, thể hiện cái nhìn mới mẻ, sáng tạo, nhiều màu sắc về mảnh đất và con người Hà Nội ngàn năm văn hiến.

z5464983338130_ef47ae98029e83a55a2e5370188f0cf4.jpg
Quang cảnh lễ phát động.

Theo thể lệ, đối tượng tham gia Liên hoan phim là các cơ sở, đơn vị sản xuất phim trên địa bàn Thành phố Hà Nội; người làm phim chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp hiện cư trú trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Phim dự thi được sản xuất từ năm 2021 đến nay, có độ dài dưới 60 phút, thuộc các loại hình: phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình. Mỗi đơn vị sản xuất được gửi tối đa 10 phim cho cả 3 loại hình tham dự. Mỗi tác giả được gửi tối đa 1 phim cho mỗi loại hình tham dự.

Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm có ý tưởng độc đáo, có sự tìm tòi và khám phá cách thể hiện mới về Thăng Long - Hà Nội, mang tính nhân văn sâu sắc, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa, con người Hà Nội.

Tại lễ phát động Liên hoan phim, nhiều ý kiến phát biểu cũng đã chia sẻ niềm vui trước “cơ hội”, “sân chơi” mới của những người làm điện ảnh Thủ đô, đồng thời đề xuất một số kiến nghị trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường tính chuyên nghiệp… với kỳ vọng Liên hoan phim ngắn Hà Nội sẽ tạo được tiếng vang, ghi dấu ấn trong lòng công chúng.

z5464981037822_56c84d0b7be137d17f44c5696dc23835.jpg
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu tại lễ phát động.

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, điện ảnh Việt Nam trong đó có điện ảnh Hà Nội đã có nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà cơ chế quản lý nhà nước về điện ảnh đã thay đổi, đòi hỏi các tổ chức điện ảnh cần có sự tìm tòi, đổi mới sao cho phù hợp xu thế, bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ số. Cục trưởng Cục Điện ảnh đánh giá cao Đề án Liên hoan phim ngắn Hà Nội của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, nhất là trong bối cảnh điện ảnh phía Bắc đang “ngủ quên”. Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Liên hoan phim ngắn Hà Nội năm 2024 là một tín hiệu vui của điện ảnh Hà Nội góp phần thúc đẩy sáng tác cho các nghệ sĩ.

Để Liên hoan Phim ngắn Hà Nội diễn ra đúng tiến độ, thời gian quy định, Chủ tịch Hội Liên Hiệp VHNT Hà Nội đề nghị lãnh đạo Hội Điện ảnh Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi Liên hoan phim bằng các hình thức phù hợp, thu hút đông đảo hội viên tích cực hưởng ứng tham gia. Đồng thời kêu gọi các nhà điện ảnh Hà Nội nói riêng và đông đảo công chúng yêu điện ảnh trên địa bàn Hà Nội chung tích cực hưởng ứng, sáng tác, phổ biến được nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần nâng cao chất lượng điện ảnh Thủ đô trong tình hình mới.

z5464972183360_c4b9a683663d627a3e0a3f7290890c96.jpg
Nhà biên kịch Bành Thị Mai Phương – Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội phát biểu tại lễ phát động.

Tại lễ phát động, thay mặt Ban chấp hành Hội Điện ảnh Hà Nội, nhà biên kịch Bành Thị Mai Phương – Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim ngắn Hà Nội 2024 cũng đã gửi lời cảm ơn tới UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cùng các sở/ ban/ ngành đã tạo điều kiện để Liên hoan phim ngắn Hà Nội 2024 được triển khai. “Đây là lần đầu tiên Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức một liên hoan phim nhằm khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo và tôn vinh các tác phẩm điện ảnh của những nhà làm phim về đề tài Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi mong muốn, Liên hoan phim ngắn Hà Nội sẽ là điểm hẹn, nơi gặp gỡ, giao lưu của các nhà làm phim và công chúng yêu điện ảnh và để cùng nhau tạo nên một hoạt động nghệ thuật hữu ích, góp phần đẩy mạnh công nghiệp văn hóa của Thủ đô và lan tỏa vẻ đẹp của con người và mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội nhấn mạnh./.

Ban tổ chức nhận hồ sơ dự thi tại địa chỉ: 19 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc email: saokhuefilm@gmail.com. Thời gian nhận hồ sơ dự thi kể từ khi phát động đến hết ngày 5/8/2024. Giải thưởng gồm có: 1 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải 7 triệu đồng; 3 giải Ba, mỗi giải 5 triệu đồng và 5 bằng khen, mỗi bằng khen trị giá 3 triệu đồng. Dự kiến, lễ bế mạc và trao giải sẽ được tổ chức vào tối 28/8/2024 tại rạp Kim Đồng - Trung tâm Văn hóa thành phố số 19 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Phát động Liên hoan phim ngắn Hà Nội năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO