Điện ảnh Hà Nội: Làm gì để phát huy thế mạnh quảng bá du lịch văn hóa Thủ đô
Việc dùng điện ảnh để quảng bá, phát triển du lịch đã được áp dụng từ lâu trên thế giới và ngày càng được coi trọng ở Việt Nam, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa hội nhập. Với thế mạnh và tiềm năng của mình, điện ảnh Hà Nội cần làm gì để phát huy việc quảng bá hình ảnh Thủ đô như một điểm đến du lịch hấp dẫn, giàu bản sắc văn hóa, thân thiện với du khách trong và ngoài nước? Đó cũng là vấn đề rất đáng được lưu tâm.
Hướng đi đúng đắn để quảng bá du lịch
Điện ảnh có ảnh hưởng rất lớn trong việc thúc đẩy ngành du lịch của một quốc gia hay một địa phương. Thực tế trên thế giới và Việt Nam cho thấy, nhiều địa điểm đã trở nên hút khách du lịch sau khi trở thành bối cảnh của một bộ phim nổi tiếng. Đơn cử như sau khi phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" công chiếu thì những địa danh của New Zealand trong phim đã trở thành những điểm đón khách du lịch nổi tiếng thế giới. Với nền du lịch Hàn Quốc, lộ trình tham quan của du khách tại đây luôn có những địa danh từng xuất hiện trong các phim "Nấc thang lên thiên đường", "Trái tim mùa thu", "Bản tình ca mùa đông", "Nàng Dae Jang Geum", “Itaewon Class”... Hay như Thái Lan, lợi nhuận hơn 4 tỷ USD/năm có được từ du lịch cũng có phần đóng góp không nhỏ của chiến lược quảng bá thông qua điện ảnh, đặc biệt là từ việc cho phép các đoàn làm phim nước ngoài vào thuê bối cảnh.
Tại Việt Nam những năm gần đây cũng có khá nhiều hiện tượng cơn sốt du lịch sau thành công của các tác phẩm điện ảnh. Các tác phẩm nổi tiếng như: “Người tình” (1991), “Đông Dương” (1992), “Người Mỹ trầm lặng” (2002)... được coi là những đại diện tiêu biểu góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới ở giai đoạn trước. Thời điểm đó, hình ảnh vịnh Hạ Long, Sài Gòn đầy quyến rũ đã khiến du khách thập phương kéo nhau đổ về tham quan, nghỉ dưỡng.
Bản thân các nhà làm phim trong nước suốt thời gian qua cũng đã và đang chú ý đến việc quảng bá du lịch quốc gia. Đầu tư nhiều cho bối cảnh để làm nổi bật cảnh sắc Việt Nam trên màn ảnh rộng đang là xu hướng được nhiều đạo diễn trong nước theo đuổi như trong các phim “Mùa len trâu”, “Cánh đồng bất tận”, “Chuyện của Pao”, “Mắt biếc”... Với vô vàn cảnh đẹp từ Bắc chí Nam cùng nhiều di tích cổ kính, di sản văn hóa đặc sắc, nước ta đang sở hữu nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Có thể dẫn ra hai ví dụ điển hình cho thành công của điện ảnh với việc kích cầu du lịch Việt là phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ và phim “Kong: Skull Island” (Kong: đảo Đầu lâu) của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Việc cho phép các đoàn làm phim quốc tế thực hiện cảnh quay tại Việt Nam là một hướng đi đúng đắn để quảng bá cho du lịch nước nhà, góp thêm hiệu ứng điện ảnh để giới thiệu đất nước Việt Nam đến khách du lịch quốc tế. Đó là những bài học thành công về việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh trên thế giới và tại Việt Nam những năm gần đây. Còn đối với điện ảnh Hà Nội thì sao?
Vẫn chưa tương xứng với truyền thống, tiềm năng
Điện ảnh Hà Nội có một bề dày truyền thống lâu năm rất đáng tự hào, gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi còn nằm trong Ban Nhiếp ảnh, rồi Chi hội Nhiếp ảnh – Điện ảnh của Hội Văn nghệ Hà Nội, điện ảnh Hà Nội đã tham gia vào các sự kiện lớn của Hà Nội thời kháng chiến cũng như xây dựng kinh tế - văn hóa - xã hội trong thời bình. Những bộ phim kinh điển như “Em bé Hà Nội” của NSND Hải Ninh, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Đừng đốt” của NSND Đặng Nhật Minh, “Hồ Chí Minh – chân dung một con người” của NSND Bùi Đình Hạc, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” của NSND Trần Văn Thủy, cùng các tên tuổi lớn khác như Phạm Văn Khoa, Phạm Kỳ Nam, Trần Thế Dân, Bạch Diệp, Bành Bảo, Thế Anh, Trà Giang, Lâm Tới… đều bắt đầu từ Hà Nội, hội tụ ở Hà Nội, nổi tiếng cùng Hà Nội. Có thể nói, Hà Nội đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng nền điện ảnh cách mạng và nhiều thế hệ các nhà làm phim nòng cốt của nước ta. Được làm phim về Hà Nội là niềm vinh dự đối với mỗi nghệ sĩ điện ảnh. Nhiều bộ phim truyện nổi tiếng lấy đề tài về Hà Nội tiêu biểu như phim “Tiền tuyến gọi”, “Em bé Hà Nội”, “Phía Bắc Thủ đô”, “Vùng trời”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Sao tháng Tám”, “Hà Nội 12 ngày đêm”…
Tuy nhiên, các bộ phim điện ảnh về Hà Nội và hướng tới quảng bá hình ảnh văn hóa – du lịch Thủ đô những năm gần đây còn rất ít ỏi, hiếm hoi, chưa tương xứng với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử và tiềm năng phát triển của vùng đất địa linh nhân kiệt này. Có thể kể tới một số tác phẩm đáng chú ý như “Người Hà Nội”, “Mùa lá rụng”, “Phía trước là bầu trời”, “Mùa ổi”, “Tâm hồn mẹ”, “Long Thành cầm giả ca”, “Khát vọng Thăng Long”, “Hà Nội Hà Nội”… Những phim này đã phần nào phản ánh được hình ảnh danh thắng và con người của vùng đất có bề dày lịch sử ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Song nếu xét về hiệu ứng thu hút du khách, quảng bá văn hóa du lịch Thủ đô ra với bạn bè trong nước và quốc tế thì có thể đánh giá là vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Nói cách khác, chưa thấy được sự gắn kết giữa ngành du lịch và điện ảnh trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh điểm đến của Thủ đô thông qua điện ảnh. Những thước phim đẹp về Hà Nội trong các bộ phim phần lớn được quay với bối cảnh sẵn có chứ chưa chủ động "tô điểm" cho bối cảnh, sử dụng vào mục đích quảng bá du lịch.
Hà Nội – Thủ đô có rất nhiều thế mạnh và tiềm năng để phát huy, đẩy mạnh du lịch như truyền thống lịch sử lâu đời, bản sắc văn hóa độc đáo, là trung tâm văn học nghệ thuật - kinh tế - xã hội của cả nước, nhiều danh lam thắng cảnh tươi đẹp… Điện ảnh Hà Nội cũng có truyền thống bao năm nay với các nhà làm phim kì cựu, hiện nay đang được tiếp nối với thế hệ trẻ năng động, tài hoa, giàu nhiệt huyết. Hiện nay, Hội Điện ảnh Hà Nội đã có hơn 400 hội viên – một nguồn nhân lực tinh hoa dồi dào. Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội với hơn 60 năm hình thành và phát triển, tham gia đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự đổi mới, đi lên của ngành điện ảnh nước nhà nói chung và điện ảnh Thủ đô nói riêng. Hà Nội còn là nơi “đóng đô” của tất cả các cơ quan điện ảnh. Hệ thống rạp chiếu phim đứng thứ hai cả nước về số phòng chiếu, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được định danh từ năm 2012, qua 4 kỳ tổ chức đã có thương hiệu quốc tế. Hà Nội cũng tập trung các đại sứ quán, trung tâm văn hóa nước ngoài - những cơ quan có trách nhiệm và rất hào hứng tổ chức các tuần phim giới thiệu điện ảnh và đất nước họ.
Bên cạnh những thế mạnh trên, điện ảnh Hà Nội hiện nay cũng gặp không ít khó khăn trong việc sản xuất - phát hành phim, từ đó dẫn tới sự hạn chế về hiệu quả quảng bá hình ảnh văn hóa - du lịch Thủ đô. Tình trạng chung của các hãng phim, công ty sản xuất, phát hành phim trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây là hoạt động cầm chừng, trì trệ. Rất ít nhà đầu tư cho điện ảnh ở Hà Nội và có đến 90% nhà đầu tư đổ vào sản xuất phim ở TP. Hồ Chí Minh. Chính vì không có nhà đầu tư, đội ngũ ít ỏi, rất ít dự án làm phim được khởi động nên không khí làm điện ảnh ở Hà Nội nguội lạnh. Trong khi đó, thành phố lại chưa quan tâm thỏa đáng đến điện ảnh. Một số dự án điện ảnh lớn được đầu tư lại chưa thành công… Điều đó dẫn tới thực trạng đáng lo ngại là để duy trì hoạt động sản xuất phim đã khó chứ chưa nói tới việc phát huy thế mạnh để quảng bá văn hóa - du lịch của Thủ đô.
Cần phát huy thế mạnh quảng bá du lịch, văn hóa
Thực trạng trên cho thấy Hà Nội rất cần có những giải pháp nhằm kích thích, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của điện ảnh Hà Nội trong việc góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa - du lịch của Thủ đô trong thời đại hội nhập quốc tế ngày nay.
Trước hết, thành phố cần có những định hướng lớn về cơ chế, chính sách để khuyến khích điện ảnh phát triển; khuyến khích hoạt động điện ảnh phục vụ nhân dân, mang lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế; gắn phát triển ngành công nghiệp điện ảnh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Điện ảnh đang được xác định là 1 trong 12 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội. Nhưng đến nay, đây cũng là lĩnh vực được cho là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh cho rằng, để mỗi khán giả điện ảnh trở thành một du khách thì ngành du lịch và điện ảnh cần ngồi lại với nhau, từ khi xây dựng đề án làm phim, xây dựng kịch bản, chọn cảnh quay cho đến chọn góc máy, hướng tới mục đích giới thiệu được bối cảnh đẹp nhất, qua đó phản ánh giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, sinh hoạt địa phương, nền nghệ thuật dân tộc... Điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cùng các nhà làm phim thực hiện các dự án.
Để có thể quảng bá hiệu quả du lịch qua điện ảnh đồng nghĩa với việc phải có những bộ phim hay, hấp dẫn khán giả. Ngoài kịch bản phim hấp dẫn, diễn viên giỏi nghề thì những cảnh quay đẹp, hiện đại là một trong những yếu tố quan trọng để nâng tầm địa danh. Vì thế, hiệu quả của cái bắt tay "du lịch - điện ảnh" phụ thuộc khá nhiều vào tài năng của các nhà làm phim. Chúng ta cần khuyến khích, thu hút các nhà làm phim giỏi và tâm huyết đến với Hà Nội, làm phim về Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nên thu hút các hãng phim nước ngoài đến làm phim; cần có chính sách đặc thù để thu hút các nhà làm phim quốc tế; đơn giản hóa các thủ tục cấp phép; đầu tư ngân sách phù hợp. Không chỉ quảng bá du lịch qua những bộ phim trong nước, du khách quốc tế sẽ biết tới Việt Nam, biết tới Hà Nội nhiều hơn nếu như chúng ta có những địa danh trở thành bối cảnh trong những bộ phim bom tấn của những nhà làm phim tên tuổi trên thế giới. Rất tiếc là cho đến giờ mới chỉ có một bộ phim hợp tác với nước ngoài là “Hà Nội Hà Nội” (2007), từ đó đến nay chưa có thêm dự án nào để tạo ấn tượng về Hà Nội với du khách quốc tế. Hay như vài năm trước, từng có một dự án điện ảnh của Iran với kịch bản phim mang tên “Chuyện tình Hà Nội” do đạo diễn Ghorban Mohamed Pour viết kịch bản và dự định hợp tác sản xuất với Việt Nam. Năm 2020, đạo diễn này cùng một số cộng sự đã sang Việt Nam khảo sát bối cảnh tại Hà Nội và vịnh Hạ Long, đặt vấn đề liên kết với một hãng phim của Việt Nam để làm phim. Nhưng rồi vì điều kiện dịch bệnh và những khó khăn khách quan, rất tiếc đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Ngoài ra, cần phát triển đội ngũ làm phim; quan tâm đến phổ biến phim, đầu tư hơn trong xây dựng thương hiệu điện ảnh Hà Nội, đặc biệt là các Liên hoan phim (LHP) và các giải thưởng điện ảnh. Nếu tổ chức tốt, cả du lịch và LHP đều có thể trở thành những công cụ quảng bá vô cùng hiệu quả cho cả hai. Việc tổ chức các đoàn famtrip cho các nhà sản xuất khảo sát bối cảnh ở Hà Nội trước các kỳ LHP cũng là một cách hữu ích để quảng bá cho cả du lịch và điện ảnh. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra LHP, có thể tổ chức giao lưu với các ngôi sao, đoàn làm phim, có cả sự tham gia của ngành du lịch. Để thu hút các nhà làm phim trong và ngoài nước, các cơ quan chức năng của Hà Nội nên thường xuyên tham dự các triển lãm phim và mang ấn phẩm phim tới triển lãm du lịch; tranh thủ các cơ hội để giới thiệu và tạo quan hệ tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế…
Một ý tưởng nữa là Hà Nội có thể huy động từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cho hệ thống trường quay Cổ Loa theo mô hình các phim trường nổi tiếng như: Hoành Điếm, Vô Tích, Tượng Sơn, Đôn Hoàng… là sự kết hợp giữa kiến trúc hoành tráng, cảnh quan thiên nhiên và chuỗi tiện ích bên trong. Du khách khi đến đây không chỉ tham quan mà còn tham gia vào những chương trình biểu diễn nghệ thuật, vui chơi - giải trí - mua sắm tại khu vui chơi, công viên, rạp chiếu phim, nhà hát… trong phim trường. Điều này đòi hỏi xây dựng kế hoạch dài hạn, hướng tới tổ hợp công nghiệp văn hóa - giải trí cho Thủ đô trong tương lai.
Có thể thấy tiềm năng quảng bá văn hóa - du lịch Thủ đô của điện ảnh Hà Nội là rất lớn, còn làm thế nào để phát huy thế mạnh, tiềm năng đó thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bởi để giải đáp vấn đề này cần sự quan tâm chỉ đạo, chung tay góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị ở cấp Trung ương và Hà Nội... Điện ảnh Hà Nội cần được vực dậy, lớn mạnh đã, rồi hiệu quả quảng bá tất yếu sẽ đến./.