PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản:
Cho Hà Nội đủ thẩm quyền thực hiện tự chủ trong quản lý
Kiến tạo thể chế quản lý và phát triển Thủ đô cần tính toán đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật Thủ đô sửa đổi, bổ sung tới đây cần chế định hóa đầy đủ tinh thần này, có giá trị tạo khuôn khổ thể chế cho phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, bền vững các yếu tố thị trường, các loại thị trường theo các tiêu chuẩn hiện đại, hội nhập quốc tế, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể, phương thức, phương tiện, công cụ, nguồn lực cho bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, làm sao cho hai mặt kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa không mâu thuẫn, cản trở nhau, mà cùng hướng tới một mục tiêu chung, vì sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Cùng với sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô cần phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho thành phố Hà Nội đủ thẩm quyền thực hiện tự chủ trong những vấn đề quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực định hướng xã hội chủ nghĩa vốn bị rào cản của cơ chế “xin cho”, thủ tục phiền nhiễu để có khả năng huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực phát triển.
Cần thiết phải nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền thành phố, sử dụng đúng đắn, phù hợp các công cụ chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện Nhà nước đơn nhất như Việt Nam, sử dụng hiệu quả hay không các công cụ chính sách tùy thuộc rất lớn vào Nhà nước Trung ương và khả năng phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý. Công cụ chính sách thuế có ý nghĩa quan trọng hàng đầu bảo đảm thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh. Những lĩnh vực ưu tiên cho thu hút đầu tư vào Thủ đô được miễn giảm thuế (công nghệ cao, công nghệ sạch, phi lợi nhuận, sử dụng lao động trình độ cao, doanh nghiệp có chỉ số trách nhiệm xã hội cao), những lĩnh vực không khuyến khích cần đánh thuế cao (công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nhân công, chỉ số trách nhiệm xã hội thấp); thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản gắn với quyền sử dụng đất; bảo đảm nguồn thu cho thực hiện tự chủ của địa phương Hà Nội theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, công cụ quy hoạch có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bảo đảm khả năng dẫn dắt, thu hút đầu tư của chính quyền vào những ngành, nghề, địa bàn được khuyến khích, duy trì các không gian công cộng với tư cách là phúc lợi phi thu nhập cho người dân, bảo đảm xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, xây dựng tiêu chuẩn và quản lý theo tiêu chuẩn là vấn đề cần được coi trọng để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là tiêu chuẩn không gian công đô thị, tỷ lệ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn gia đình và khối phố văn minh, tiêu chuẩn môi trường khám chữa bệnh, môi trường dạy - học văn minh, sạch đẹp… Các tiêu chuẩn đó còn là căn cứ để xác định hướng đầu tư hợp lý, xây dựng mô hình mới, cách làm hay, khen thưởng và kỷ luật đúng người, đúng việc.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội:
Hình thành tư duy mới trong quản lý và phát triển văn hóa, con người
Đối với Hà Nội, phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn là một nội dung, mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Thủ đô.
Giai đoạn khó khăn hiện nay cũng có thể giúp chúng ta thay đổi tư duy trong phát triển văn hóa, con người của thành phố. Thay vì đi tìm những giải pháp mang tính đối phó, hình thành một tư duy mới trong quản lý và phát triển văn hóa, con người chính là cách chúng ta không chỉ khắc phục những khó khăn của hiện tại, mà còn định hướng cho sự phát triển tương lai. Chuyển đổi số là một trong những giải pháp như vậy. Các bảo tàng, thư viện, nhà hát hay thiết chế văn hóa khác cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc chuyển đổi số của mình. Công việc này không đơn giản là đưa cơ cấu tổ chức, sản phẩm, chương trình nghệ thuật… lên môi trường số mà phải là sự thích ứng của tất cả các yếu tố này ở một không gian, thời gian và đối tượng khác. Chú ý nhiều hơn đến quyền văn hóa của người dân trong quá trình quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng là một giải pháp quan trọng khác. Giờ đây, việc quản lý văn hóa cần xem xét việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo và sự đa dạng trong thị hiếu, nhu cầu của người dân là thước đo hiệu quả quản lý.
Khi thành phố quan tâm đầy đủ đến các quyền văn hóa của người dân này, chúng ta sẽ thực sự tạo ra một động lực lớn cho sự phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Khi chúng ta phát huy được vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, chúng ta không chỉ trả di sản cho chính cộng đồng, tôn trọng di sản của cộng đồng, mà còn tạo ra sức sống bền vững cho các di sản. Khi tạo điều kiện cho người dân có cơ hội để thể hiện sự sáng tạo của mình, chúng ta sẽ không chỉ có thêm những sinh hoạt, công trình văn hóa, nghệ thuật, mà chúng ta còn tạo ra một bầu không khí kích thích sự sáng tạo cho Thủ đô.
GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội:
Tạo môi trường cho đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Với vị thế là trái tim của cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn luôn là địa bàn thu hút, tập hợp những lực lượng tinh túy trong cộng đồng dân tộc; thực sự trở thành một “Mega-Technopolis” - một đô thị đại học tích hợp cao; nơi tập trung của hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước, tiêu biểu như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam... Hà Nội cũng chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; sở hữu một nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây chính là lợi thế lớn trong chiến lược phát triển của Thủ đô.
Có thể thấy, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược tổng thể về xây dựng, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực quốc gia, đặc biệt là chi tiết tổng thể chiến lược xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho một số ngành, lĩnh vực có tính chất lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô. Để có nguồn nhân lực chất lượng toàn diện cả về thể lực, trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức; có kỹ năng nghề nghiệp cao, khả năng thích ứng nhanh, chủ động trong môi trường sống, trở thành nền tảng và lợi thế cho sự phát triển bền vững Thủ đô, hội nhập quốc tế, thì vấn đề đặt ra là phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp bậc, ngành nghề kinh tế - xã hội.
Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định, một trong ba khâu đột phá chiến lược, bên cạnh phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, là đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tiếp tục đổi mới tư duy, phát hiện các nút thắt, dỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thật sự thuận lợi, lành mạnh trong đổi mới giáo dục và đào tạo được gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn của cả nước về giáo dục và đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế.