Cùng đi có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Thiếu tướng, Giám đốc Công an thành phố Đoàn Duy Khương; Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Nguyễn Doãn Anh.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cùng các đồng chí lãnh đạo TP đã kiểm tra công tác gia cố tuyến đê tả Bùi trên địa bàn xã Thanh Bình; thăm hỏi, kiểm tra điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các hộ dân bị ngập tại xã Nam Phương Tiến; tặng quà 3 gia đình tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến.
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: thời điểm ngày 21/7, khi nước dâng cao quá báo động 3 trên 7m, một số xã nằm trong vùng thoát lũ phải chấp nhận sống chung với lũ. Về phía chính quyền, đúng 11 giờ đêm, ngày 21/7, đã di dời dân khu vực thoát lũ, 100% người dân không bị nước cuốn trôi. Sau 1 tuần có 2 trường hợp cháu nhỏ đi chơi sảy chân nên bị đuối nước, 1 cụ già đi đánh cá bị lật thuyền. Còn lại toàn bộ người dân được di dời về nơi an toàn.
Theo ông Đinh Mạnh Hùng, chưa bao giờ tinh thần chủ động, tự giác, ý thức trách nhiệm cộng đồng của người dân lại cao như đợt lũ vừa qua, người dân chủ động phối hợp với lực lượng công an, quân đội trong việc phòng chống lũ, nâng cốt đê tả Bùi (nâng thêm 0,8 mét với chiều dài 3,5km), bảo vệ an toàn cho Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải động viên nhân dân xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt
Đến nay, nước nội đồng khu vực tả Bùi, hữu Đáy ổn định do các trạm bơm liên tục hoạt động, nước tại các khu dân cư và đồng ruộng khu vực hữu Bùi đang có chiều hướng giảm dần, giảm 0,51m so với thời điểm 13h, ngày 30/7/2018 (7,51m, là thời điểm đỉnh lũ). Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, đến 11h, ngày 3/8, có 789 hộ phải cắt điện để đảm bảo an toàn do ngập nước (thời điểm đỉnh lũ có 1.664 hộ phải cắt điện). Toàn huyện còn 3.600 hộ dân đang ngập sâu từ 0,5m đến 1,5m.
Chủ tịch huyện Chương Mỹ cho biết, với tinh thần tuyệt đối bảo đảm an ninh trật tự, tài sản, tính mạng của người dân trong vùng ngập, chăm lo cuộc sống cho nhân dân, huyện đã tổ chức nhận tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố (tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng) để cung cấp cho người dân. Huyện đã cung cấp đèn pin, hỗ trợ ban đầu cho mỗi hộ từ 10-15kg gạo, cùng nước uống và các vật dụng thiết yếu. Tính đến nay, không có người dân nào thiếu lương thực, thiếu nước sạch, các khu vực nước rút đến đâu là có điện đến đấy.
Ngoài ra, huyện đã phối hợp với Sở Y tế huy động lực lượng bác sỹ tổ chức khám bệnh cho khoảng gần 2 nghìn hộ dân, phòng trừ bệnh ngoài da, các bệnh dịch cho người dân. "Người dân vững tâm, vững lòng, vững tin với công tác chỉ đạo phòng chống lũ lụt, công tác khắc phục sau lũ như phòng dịch, bảo đảm an toàn cũng như các biện pháp khôi phục sản xuất sau này", Chủ tịch huyện Chương Mỹ cho biết.
Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, đơn vị đã cử gần 1.500 chiến sỹ cùng người dân tham gia bảo vệ tuyết đê, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ tuyến đê sông Bùi. Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, Công an Thành phố cũng xác định tình hình lũ rút chậm, sẽ kéo dài vài tuần kế tiếp nên sẽ tăng cường xuồng, 1.200 áo phao giao cho huyện quản lý sử dụng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, mực nước thời điểm lên cao nhất tại sông Bùi là 7,51m, đây là đỉnh lũ lịch sử hàng trăm năm nay, cho thấy tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, Thành phố đã hỗ trợ đợt 1 cho huyện 36 tấn gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết, hôm nay (4/8) tiếp tục cấp thêm cho huyện 50 tấn gạo, 8 nghìn thùng nước sạch (loại 20 lít/thùng) và 8 nghìn gói bột canh để cung cấp cho nhân dân vùng bị ngập.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải kiểm tra các bình chứa nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân
Ngoài ra, Thành phố còn triển khai các bình trữ nước sạch dự phòng. Hàng ngày, Công ty nước sạch Hà Đông sẽ cho xe chở nước cấp vào các bình này để nhân dân có thể lấy, sử dụng, đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội biểu dương, đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với lụt bão của chính quyền, nhân dân các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai... và các đơn vị trong công tác chủ động ứng phó lũ lụt. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, công tác dự báo khí tượng thủy văn cho thấy 15 ngày của tháng 8 khả năng tiếp tục có mưa và mưa to, trong khi mức nước sông Bùi đang rút rất chậm, tình hình ngập lụt còn kéo dài.
Vì vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị huyện Chương Mỹ cần rà soát lại những việc đã triển khai, những việc đã làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Tinh thần là đặc biệt quan tâm đến đời sống bà con, không để đứt bữa cũng như không để xảy ra thêm trường hợp đuối nước. “Các đồng chí phải xuống tận nơi, tuyên truyền, nhắc nhở để bà còn không chủ quan, mất cảnh giác”, Bí thư Thành ủy lưu ý.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải kiểm tra việc gia cố tuyến đê tả Bùi
Đồng chí cũng yêu cầu các lực lượng công an, quân đội, chính quyền tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên. Huyện cần rà soát, xem bà con cần những gì thì hỗ trợ cái đó. Sở Công thương đảm bảo tốt vấn đề lưu thông, phân phối hàng hóa, đặc biệt phải kiểm soát tốt về giá cả, nguồn gốc hàng hóa và an toàn thực phẩm tại các chợ vùng lũ.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục tổ chức các đoàn bác sỹ thăm, khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, cùng với đó đặc biệt lưu ý công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; nước rút đến đâu phải tiến hành tiêu độc, khử trùng đến đó. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện rà soát, thống kê thiệt hại về hoa màu, vật nuôi của bà con để có phương án hỗ trợ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất sau khi nước rút.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải giao UBND Thành phố phối hợp Bộ NN&PTNT nghiên cứu giải pháp căn cơ, kiên cố hóa cho đê Tả Bùi, Hữu Bùi, tính toán nâng độ cao của đê trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu; đồng thời xây dựng phương án tiêu lũ cho khu vực sông Bùi, sông Đáy...