Phác họa 40 chân dung “tỏa sáng đất trời Nam”
Sau khi cuốn sách “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam” (năm 2020) và cuốn “Một góc nhìn đất nước” (năm 2022) ra mắt, những tưởng nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng sẽ gác bút đề nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng vì khi đó ông đã qua tuổi bát thập và sức khỏe cũng không còn được như xưa. Ấy vậy mà cuối tháng 10/2024 ông lại tiếp tục trình làng cuốn sách mới mang tên “Tỏa sáng đất trời Nam”. Đây có lẽ là cuốn sách đồ sộ nhất trong số gần 20 đầu sách của Hoàng Kim Đáng.
Chia sẻ về tập sách này, tác giả Hoàng Kim Đáng bộc bạch: “Đất trời Việt Nam hồn thiêng sông núi, địa linh nhân kiệt, nhân tài thời nào cũng có. Họ chính là vĩ nhân thời đại, là tinh hoa đất Việt mà tên tuổi đã tỏa sáng đất trời Nam”. Thuộc thế hệ văn nghệ sĩ thời đại Hồ Chí Minh, Hoàng Kim Đáng có cơ hội quen biết, làm việc cùng không ít tên tuổi và nhân vật tiêu biểu trong mấy chục năm qua. Ông muốn phác thảo những chân dung về họ bằng những mẩu chuyện, bài viết, bức ảnh mà mình có cơ hội được nghe, được biết, được tiếp xúc để lưu lại với hậu thế.
“Tỏa sáng đất trời Nam” dày gần 500 trang được tác giả hoàn thành trong quãng thời gian gần 2 năm nhưng đó là chắt chiu, gom nhặt trong suốt chặng đường gần 50 năm gắn bó với nhiếp ảnh, báo chí, văn nghệ… Hoàng Kim Đáng đến với nhiếp ảnh, báo chí sau khi đã trải qua nghề thầy ở Hưng Yên và đời lính công binh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Một sự rẽ lối tình cờ nhưng là duyên nợ của đời ông. Kể từ khi gắn bó với báo Trường Sơn (1966 - 1973), báo Văn nghệ (1974 - 1985), rồi báo (nay là tạp chí) Người Hà Nội (1985 - 1990), tiếp đó là Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (1991 - 1994), Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (1995 - 2002), ông đã có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với biết bao con người, từ những người nổi tiếng cho đến con người bình dị. Với sự trân trọng tài năng và cảm mến nhân cách, Hoàng Kim Đáng đã tập hợp, lưu giữ những câu chuyện về họ để rồi hình thành nên “chất liệu” riêng cho tác phẩm của mình.
40 chân dung được tác giả phác họa trong tập sách không chỉ sinh động qua ống kính nghệ thuật của Hoàng Kim Đáng mà còn được tái hiện một cách hấp dẫn qua những trang viết. Lật giở và nghiền ngẫm từng trang sách, bạn đọc như được bước vào trang đời của từng nhân vật. Nào các nhạc sĩ (Văn Cao, Đỗ Nhuận, Trịnh Công Sơn, Văn Ký); các nhà văn (Nguyễn Tuân, Ngọc Giao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Ông Văn Tùng, Hoàng Quốc Hải, Lê Lựu; các nhà thơ (Tố Hữu, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh); các họa sĩ (Nam Sơn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái), nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị; các nghệ sĩ nhiếp ảnh (Nguyễn Bá Khoản, Lê Vượng, Đinh Đăng Định), NSND Tào Mạt. GS. Trần Văn Giàu, GS. Trần Quốc Vượng, PGS. Dương Viết Á, PGS.TS Đỗ Văn Khang, GS. Nguyễn Văn Huyên, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Phùng Thế Tài, phóng viên, nhiếp ảnh gia Nick Út, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng, Huỳnh Tiểu Hương - người sáng lập trung tâm nhân đạo Quê hương…
Viết chân dung, Hoàng Kim Đáng không đi theo tuyến tính thời gian cuộc đời của nhân vật. Ông chọn những góc nhìn gắn với những câu chuyện riêng để làm nổi bật đặc trưng, tính cách cũng như những đóng góp của từng người. Cũng bởi thế, 40 nhân vật là 40 góc nhìn, không ai giống ai, tất cả đều cho thấy sự dày công tích lũy, tìm tòi, chắt lọc và tâm huyết của tác giả. Có những nhân vật Hoàng Kim Đáng chỉ khai thác và phản ánh ở một khía cạnh nhưng người đọc đều dễ nhận ra phải hiểu và thấu tỏ nhân vật sâu sắc đến nhường nào ông mới có thể để chọn ra góc nhìn riêng ấy.
Trong nhiều bài viết, Hoàng Kim Đáng để nhân vật xuất hiện trong những cuộc trò chuyện, đối đáp giúp cho chân dung được phản ánh thêm chân thực, sinh động và có cảm giác nhân vật như bước ra từ trang sách. Ví như khi viết về nhạc sĩ Văn Cao, ông tái hiện lại buổi trò chuyện của mình với nhạc sĩ, để Văn Cao bộc bạch về duyên cớ tác phẩm “Tiến quân ca” được chọn làm Quốc ca cũng như tiểu sử ca khúc “Tiến về Hà Nội”. Hay có không ít câu chuyện thú vị về nhân vật lần đầu tiên được ông hé mở từ ký ức của mình khiến người đọc đi từ tò mò đến ngạc nhiên. Cũng qua những hồi tưởng, trò chuyện và cả đánh giá của tác giả, bạn đọc hiểu hơn về cuộc đời, về tác phẩm, về những trăn trở đau đáu của mỗi nhân vật.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: “Hoàng Kim Đáng luôn chú ý kết hợp, phát huy mặt mạnh, sở trường của ông vừa là một nghệ sĩ nhiếp ảnh vừa là người viết báo, viết nghiên cứu - phê bình tác giả và tác phẩm. Chân dung ảnh và chân dung bằng chữ bố cục linh hoạt mà phóng khoáng, không rập khuôn đơn điệu, đã kết hợp chặt chẽ thành một chỉnh thể nhận diện nhân vật dưới nhiều góc độ soi chiếu. Từ chỗ đứng, góc nhìn riêng, từ nội tâm và cảm nhận ngày càng thêm rộng và sâu của mình, ông chú mục vào những “điểm nghẽn”, những uẩn khúc, những gì còn tiềm ẩn trong con người họ bấy lâu nay chưa được khám phá, ít được quan tâm thể hiện”. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì nhận định, những gương mặt được Hoàng Kim Đáng phác họa trong “Tỏa sáng đất trời Nam” đã góp phần làm nên vẻ đẹp của lịch sử, văn hóa đất nước, và qua họ, ta như thấy lại cả một thời đại, thấy được bức chân dung của dân tộc Việt Nam. Mỗi câu chuyện kể, mỗi bức chân dung trong cuốn sách chính là những tư liệu quý giá mang vẻ đẹp của quá khứ đến với lớp độc giả trẻ ngày nay.
Và khi khép lại những trang cuối của tập sách, bạn đọc như thấy thấp thoáng chân dung của chính tác giả - một Hoàng Kim Đáng cần mẫn, say mê miệt mài gom nhặt những “vỉa tầng” trong sáng tạo nghệ thuật, cuộc sống đời thường và những cống hiến đầy ý nghĩa của những con người mà ông đã gặp. Dẫu đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn bền bỉ sáng tạo, lan tỏa những khoảnh khắc quý báu, mang dấu ấn của lịch sử và văn hóa dân tộc từ mỗi chân dung. Cuốn sách “Tỏa sáng đất trời Nam” là minh chứng tinh thần làm việc, cống hiến hết mình của nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng và cả ước mong của ông “để thế hệ sau biết và hiểu hơn về một thế hệ đã tỏa sáng đất trời Nam để từ đó noi gương phấn đấu cho sự nghiệp góp phần làm rạng danh cho Tổ quốc Việt Nam”./.