Tác giả - tác phẩm

“Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống

ThS. Lê Nam Linh 21:13 24/11/2024

Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.

nha-tho-nguyen-linh-khieu.jpg
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.

“Beijing lá phong vàng” mở ra những góc nhìn thẳm sâu về thiên nhiên, lịch sử và con người Trung Hoa qua lăng kính lữ khách, thể hiện những triết lý sâu sắc về văn hóa và thời gian. “Hoa khởi trinh”, với các nhân vật là đám trẻ quê chỉ chừng bảy tám tuổi được khắc họa một cách sinh động, tinh tế, làm nổi bật những cung bậc của tình yêu cuộc sống, cùng niềm hạnh phúc phảng phất một nỗi buồn trong sáng, hồn nhiên. “Chân mây” gồm 79 bài, không đơn giản là một tác phẩm văn chương, mà hơn thế, như những mảnh ghép của cuộc đời mở ra một góc nhìn riêng với những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Khi đọc “Chân mây”, ta cảm nhận rõ nét sự hiện diện của thiên nhiên như một người bạn tri kỷ đồng hành cùng tác giả trong từng trang viết. Thiên nhiên là bối cảnh và còn là nhân chứng cho những xúc cảm, những nỗi lòng, những ký ức thẳm sâu. Những hình ảnh của đất trời, núi non, sông nước đều được lồng ghép một cách tinh tế trong từng câu chữ. Con người là một phần khăng khít của thiên nhiên, thiên nhiên hòa đồng sống động cùng con người. “Nhìn hoa không thể nào tin được trên trái đất lại có cái màu tím biếc thế này… Có thể trong thời không nào đó hoa bìm trở nên biếc một cách phi thường” (Hoa bìm biếc, tr.17); “Có hoa nụ cười bạn bỗng nhiên trẻ nên thật dịu dàng huyền ảo. Sau này ở bất cứ nơi đâu mỗi khi gặp hoa cải vàng. Mình lại thấy lẩn khuất bên hoa nụ cười e lệ và hết mực trong trẻo của bạn” (Hoa cải vàng, tr.16). Và, “Mình mở rộng cửa sổ hương hoa bay vào… Một mình lặng lẽ hít thở mùi hương thu. Một mình bí mật khám phá mùi hương mùa thu Hà Nội” (Hương thu, tr.11).

bia-sach-chan-may.jpg
Tập tùy văn “Chân mây” của tác giả Nguyễn Linh Khiếu.

Trong tác phẩm này, thiên nhiên hiện lên như một tấm gương phản chiếu tâm hồn con người. Ở tùy văn “Mùa đào”, cái đẹp mong manh và tàn phai được thể hiện rõ ràng: “Những trái đào đã lăn lóc dưới đất thế mà vẫn còn bị giẫm nát” (tr.7). Hình ảnh này vừa gợi sự tiếc thương cái đẹp thật mong manh, vừa nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống. Tùy văn “Nước trong”, nơi vẻ đẹp thanh bình nhưng cũng dâng đầy nỗi cô đơn: “Mọi thứ đều tuyệt vời nhưng ở lâu cũng buồn lắm ạ” (tr.101). Hình ảnh nước êm đềm ấy như một nỗi niềm, nhắc nhở ta về những khoảnh khắc lặng lẽ trong tâm hồn.
“Chân mây” còn dẫn người đọc về với ký ức, về tình yêu quê hương, về những miền sâu thẳm trong tâm thức con người. Những hình ảnh thân thương từ xa xăm tiềm thức hiện lên rõ nét trong “Nhớ hoa đào”, nơi tác giả gợi nhớ những ngày

Tết xưa: “Sự hiện diện của thiên nhiên hoang dã với những cánh hoa tươi thắm bừng nở làm ngôi nhà trở nên chân thật nồng nàn ấm áp hơi xuân” (tr.22). Ký ức ấy là những mảnh ghép của quá khứ, nhưng cũng là ánh sáng phóng chiếu tới hiện tại. Qua hình ảnh hoa đào cùng việc tái hiện những kỷ niệm đẹp, tác giả đồng thời còn tạo ra một cảm giác tiếc nuối về những điều đã qua.

danh-hoa1-2535566-1730167587.jpg

Quê hương trong tâm khảm mỗi con người bao giờ cũng hiện hữu, vì thế nó cũng là nơi tâm trí ta luôn tìm về. Dù đi đâu, quê hương luôn là nơi lưu giữ những điều quý giá nhất. Mỗi hình ảnh, mỗi âm thanh của quê hương đều mang trong mình những câu chuyện không thể quên. Qua đó, ông khắc họa một bức tranh đầy sống động về quê hương, nơi mà những kỷ niệm như một dòng sông chảy mãi trong tâm hồn. “Ở cái mảnh đất nơi mép sông cửa biển thịt các loài động vật bốn chân quý hiếm lắm... Có phải vì thế mà thịt trâu xào ngổ - cái thứ rau mọc hoang nơi bờ nước trở thành bản sắc ẩm thực của người quê mình” (Rau ngổ, tr123).

Ký ức cũng chính là cầu nối giữa các thế hệ. Trong “Bến Vời”, nỗi đau và ký ức được khắc họa sắc nét: “Tương truyền đã có hàng trăm người quyên sinh nơi bến Vời” (tr.47). Đây không chỉ là những câu chuyện bi thương, mà còn là sự gắn bó của con người với những không gian lịch sử, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Chúng ta thường nghĩ ký ức chỉ đơn thuần là những mảnh ghép của quá khứ, nhưng thực tế, chúng còn là những bài học quý giá cho thế hệ tiếp theo. Chính những ký ức đau thương, những nỗi buồn đã từng trải qua sẽ là những câu chuyện mà các thế hệ trao truyền cho nhau, để giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về cuộc sống, về những gì đã xảy ra và để biết trân trọng những gì hiện tại.

Nguyễn Linh Khiếu đâu chỉ miêu tả thiên nhiên và ký ức, qua đó, ông khám phá những cuộc gặp gỡ, những dấu ấn con người để lại trong cuộc sống. Trong “Kêu cho lắm vào”, tiếng ve như một bản nhạc sống động nhưng những con ve ấy: “Chúng đã kiệt sức vì kêu nhiều quá”(tr.8). Âm thanh ấy không đâu chỉ là tiếng kêu của mùa hè, nó còn là biểu tượng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của con người. Tiếng kêu của loài ve như một nhắc nhở rằng cuộc sống này đầy gian nan, đầy vô vị và nhầm lẫn, nhưng cũng đầy những khoảnh khắc hoan hỉ đáng sống.

Một khoảnh khắc đáng nhớ là câu nói của một cô bé bán hàng rong “Lạc luộc”. Khi một thực khách không mua lạc mà cô bé cứ năn nỉ, anh ta đã rút tiền đưa cho cô bé, ý là cho tiền cô để không bị quấy rầy. Nhưng cô bé nói: “Con bán hàng chứ con đâu ăn xin” (tr.27) là thể hiện sự tự trọng và lòng kiêu hãnh. Qua đó, tác giả cho thấy dù bất kể hoàn cảnh nào, giá trị bản thân vẫn là điều quan trọng nhất. Mỗi con người đều có câu chuyện riêng, và mỗi cuộc đời, mỗi thân phận đều đáng được tôn trọng. Điều này gợi mở cho ta thấy vẻ đẹp của sự đồng cảm, chia sẻ và trân quý những người xung quanh.
Với từng trang viết, tác giả mang đến cho độc giả những triết lý sâu sắc về cuộc sống một cách nhẹ nhàng ý nhị. Trong “Chân mây”, ông viết: “Nhân sinh này chỗ nào chả chân mây cuối trời”(tr.13). Đó phải chăng là lời nhắc rằng cuộc đời này thật bất định, thoáng chốc, phù vân, vô thường. Rằng, mỗi người đều là khách bước qua cõi nhân gian. Trên con đường tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, mỗi con người đều phải trải nghiệm biết bao cung bậc cảm xúc, muôn nỗi nhân sinh. Vì thế, mỗi khoảnh khắc, mỗi hành trình đều quý giá, đều thiêng liêng, và việc trân trọng những điều giản dị chính là chìa khóa để nhận chân hạnh phúc.

Tác phẩm này không chỉ là những dòng chữ, mà còn là hành trình tìm kiếm bản sắc sống. Qua từng chữ, tác giả đã tạo nên một không gian văn học đầy màu sắc, nơi vẻ đẹp của cuộc sống luôn được khám phá, khai mở và nâng niu, trân quý một cách giản dị, chân thành. Ông đã dùng ngôn từ như một công cụ để kết nối với độc giả, để mỗi người đều có thể tìm thấy hình ảnh của chính mình trong từng câu chữ, từng khoảnh khắc sống.

Với “Chân mây”, tác giả như mở ra cho chúng ta một góc nhìn mới về cuộc sống, qua đó, khởi lên trong mỗi chúng ta những cảm xúc tinh tế, chân thật. Nhà văn đã vẽ nên một bức tranh đa chiều về cuộc sống, nơi mà những ký ức, những cuộc gặp gỡ và tình yêu thương luôn đồng hiện. Cuộc sống không bao giờ đơn thuần chỉ là tồn tại. Cuộc sống là hành trình khám phá chính bản thân mỗi con người, khám phá những vẻ đẹp, những giá trị đích thực của con người.

Cuối cùng, qua những dòng chữ, tác giả như thể nhắc ta rằng hãy sống thật trọn vẹn, yêu thương, trân trọng và nâng niu từng khoảnh khắc, từng phút giây. Chính những điều giản dị hiện hữu của cuộc sống mới là món quà quý giá nhất mà mỗi người có thể sở hữu. Bởi lẽ, sự sống thật mong manh, đời người thật ngắn ngủi, cuộc đời thật vô thường. “Cõi đời ai chả là du khách” và trong “Nhân sinh này chỗ nào chả chân mây cuối trời”./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Tái bản cuốn sách “Tham nhũng: Mưu mô và trừng phạt” của nhà báo Hà Hồng Hà
    Nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến thông tin, tài liệu về phòng, chống tham nhũng đến bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản có sửa chữa, bổ sung cuốn sách “Tham nhũng: Mưu mô và trừng phạt” của nhà báo Hà Hồng Hà.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
“Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO