Du lịch - Ẩm thực

NSND Thúy Hường tự hào khoe đặc sản quê hương Bắc Ninh - bánh khúc làng Diềm

Trung Kiên 04/11/2023 06:37

Không chỉ mang tới những câu hát quan họ ngọt ngào, đằm thắm, NSND Thúy Hường tham gia chương trình Của ngon vật lạ (phát sóng 12 giờ ngày 5/11/2023 trên VTV3), nữ nghệ sĩ còn tự hào chia sẻ món ăn nổi tiếng của Bắc Ninh: Bánh khúc làng Diềm.

gk-thuy-huong-2-.jpg
NSND Thúy Hường tại chương trình "Của ngon vật lạ" trong vai trò là giám khảo khách mời, với trang phục áo dài thướt tha. (Ảnh: NSX).

Với tà áo dài tha thướt và những câu quan họ mộc mạc, da diết, NSND Thúy Hường xuất hiện tại gian bếp chương trình "Của ngon vật lạ" trong vai trò là giám khảo khách mời. Giới thiệu tới khán giả về món bánh khúc làng Diềm, đặc sản nổi tiếng của quê hương Bắc Ninh, giọng nói của NSND Thúy Hường tự hào và đầy cảm xúc: “Điểm đặc biệt so với bánh khúc làm từ nơi khác đó là người làng Diềm sử dụng gạo tẻ chứ không phải gạo nếp”. Năm nào, NSND Thúy Hường về lễ ở Đền Vua Bà thờ Thủy tổ Quan họ tại làng Diềm và thưởng thức món ăn đậm hương vị quê nhà.

Đảm nhiệm vai trò người trải nghiệm món ăn, food blogger Ninh Tito đưa khán giả ghé thăm ngôi làng được mệnh danh là cái nôi của quan họ Bắc Ninh. Vẫn lưu giữ những nét cổ xưa của vùng quê Kinh Bắc, mang đậm nét lịch sử, văn hóa truyền thống của làng quê đất Việt, làng Diềm đón khách với chiếc cổng làng có đề 4 chữ “Vãng du hữu lợi” (qua làng là có lợi).

banh-khuc.jpg
Bánh khúc làng Diềm - đặc sản nổi tiếng vùng đất quan họ Bắc Ninh.

Bánh khúc làng Diềm đã có từ rất lâu đời và trở thành món bánh truyền thống với màu xanh dân dã, bình dị, thảo thơm tình người. Bánh khúc ở vùng đất quan họ Bắc Ninh có hình bán nguyệt, khá giống với bánh gối nhưng mép bánh không được xoắn quá tỉ mỉ, cầu kỳ. Nhân bánh có 2 loại, một nhân đậu xanh đồ chín giã nhỏ hoặc nhân thịt lợn. Mỗi loại mang đến một hương vị riêng, đỗ xanh bùi bùi thơm thơm còn thịt lợn lại béo béo, ngầy ngậy.

Bánh khúc làng Diềm được hấp như đồ xôi. Sau khi chín, từ lớp bột màu xanh nhạt dần chuyển sang xanh thẫm, nếu tỉ lệ rau khúc nhiều hơn thì bánh sẽ có màu đen bóng bẩy. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm chia sẻ với Ninh Tito những công đoạn làm bánh khúc và không quên gửi tặng khán giả những câu hát quan họ mộc mạc của người làng Diềm.

Bên cạnh việc giới thiệu món ăn đặc sản của một vùng đất, "Của ngon vật lạ" mang tới thử thách thú vị: 2 đội chơi biến tấu từ nguyên liệu nấu món ăn gốc thành một món ăn mới do họ sáng tạo và trải nghiệm ngay tại trường quay. Chủ đề chương trình thử thách đội “Gia đình Gạo” và “Gia đình mình lạ lắm” là DIMSUM, được chế biến từ các nguyên liệu làm ra món bánh khúc làng Diềm. Nhiệm vụ càng thêm phần khó khăn khi quỹ thời gian mỗi đội chủ yếu giành được từ những câu trả lời đúng trong hai vòng Thực nếmThực hiểu.

Một trong những điểm nhấn của chương trình đó là thành phần đội chơi đều là người trong một nhà. “Gia đình Gạo” gồm chị gái Trần Hồng Nhung và em trai Đàm Viết Thanh cách nhau đến 11 tuổi, đội “Gia đình mình lạ lắm” gồm con dâu Trần Thúy Hằng và mẹ chồng Trần Thị Song Minh. Đây cũng là lần đầu tiên có một cặp người chơi là mẹ chồng - nàng dâu tham gia thử thách trong "Của ngon vật lạ".

bgk-4-.jpg
NSND Thúy Hường cùng các giám khảo chấm món ăn hoàn thành của các đội chơi trong chương trình "Của ngon vật lạ". (Ảnh: NSX).

Hai đội chơi đều nắm giữ lợi thế riêng: “Gia đình Gạo” có cô chị thành thạo các loại bánh, “Gia đình mình lạ lắm” tự tin cả món Âu và món Việt. Một yếu tố đóng vai trò quyết định nữa chính là thời gian. Với độ chênh lệch 36 phút và 22 phút – đội sở hữu quỹ thời gian nhiều hơn sẽ có nhiều thuận lợi trong phần Thực nấu của chương trình. 3 giám khảo chấm món ăn hoàn thành gồm đầu bếp Cẩm Thiên Long, Ninh Tito và NSND Thúy Hường.

Tất cả đã mang tới những câu chuyện tình thân đầy cảm xúc, tình yêu dành cho gian bếp và truyền cảm hứng nấu nướng cho các gia đình trong chương trình "Của ngon vật lạ" lần này./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
Đừng bỏ lỡ
NSND Thúy Hường tự hào khoe đặc sản quê hương Bắc Ninh - bánh khúc làng Diềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO