Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng mỹ phẩm thu giữ tại quận Hà Đông. |
Thời gian qua, hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, xử lý. Mới đây Đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra kho tập kết hàng hóa mỹ phẩm tại địa chỉ số 7 ngõ 95 phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) do Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 1981, trú tại P7A2 tổ 48 phường Trung Liệt, quận Đống Đa) là chủ hàng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng giả, gồm: 18.144 tuýp kem đánh răng nhãn Sensodyne các loại; 1.008 tuýp kem đánh răng nhãn Colgate loại 100ml... Trị giá lô hàng ước tính khoảng 1 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tuần qua Đội quản lý thị trường số 9 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) phối hợp với Đội chống buôn lậu - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Bảo An do ông Lê Vũ Hoàng làm Giám đốc, có trụ sở đăng ký tại 26 Trần Đức, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa. Khi kiểm tra kho hàng của công ty, lực lượng chức năng phát hiện một số công nhân đang có hành vi sang chiết, đóng hộp mỹ phẩm chăm sóc da các loại; thu giữ 1.305 hộp mặt nạ ngủ Collagen Haley Natural 100% tổ yến tươi và hoa cúc La mã, hoa anh đào loại 250g/hộp... Tất cả các sản phẩm trên đều dán nhãn bao bì ghi thông tin phân phối bởi Công ty Hoàng Bảo An.
Trên đây chỉ là hai vụ điển hình trong số hàng nghìn vụ mỹ phẩm giả, nhái đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, mỹ phẩm là một trong ba mặt hàng "nóng" dễ làm giả nhất. Do nhu cầu sử dụng mỹ phẩm ngày càng tăng, nhưng những sản phẩm do cơ sở trong nước sản xuất chưa nhiều, nhất là các thương hiệu lớn được người Việt Nam tin dùng, vì thế, nhiều người nảy sinh tâm lý sính ngoại trong dùng mỹ phẩm. Bên cạnh đó, do mỹ phẩm xách từ nước ngoài vào không phục vụ đủ nhu cầu, nên một số doanh nghiệp mở tờ khai xin phép nhập khẩu, trong đó có những đơn vị lợi dụng làm ăn phi pháp, nhập lậu hoặc nhập hàng giả về kinh doanh. Nhiều cơ sở trong nước cũng lợi dụng những sản phẩm nổi tiếng của nước ngoài để sản xuất hàng giả.
Sở dĩ mỹ phẩm, dược phẩm giả được sản xuất và buôn bán nhiều vì hành lang pháp lý, chế tài còn thiếu, chưa có bộ quy chuẩn thế nào là hàng giả. Quy định cũng chưa rõ ràng nên việc xác định hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để xử lý hành chính, hay hình sự không đơn giản; hơn nữa, mức độ xử lý các vi phạm còn nhẹ. Đặc biệt, việc khởi tố đã khó, phạt tù còn khó hơn, trong khi làm hàng giả, hàng kém chất lượng dễ, lợi nhuận cao.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại nhấn mạnh, các lực lượng chức năng phối hợp với nhau chưa tốt, nên các đối tượng có cơ hội lợi dụng sơ hở để sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm, đưa ra lưu thông trên thị trường một cách dễ dàng. Để công tác đấu tranh chống nạn sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả đạt hiệu quả cao hơn cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã...
Với kinh nghiệm từ đất nước của mình, ông Tae Hwa Jang - Giám đốc điều hành Thế giới mỹ phẩm K-Beauty (Hàn Quốc) chia sẻ, các công ty sản xuất ở Hàn Quốc đều do Chính phủ quản lý. Công ty muốn đưa sản phẩm ra nước ngoài được thực hiện rất chặt chẽ thông qua một mã số và người tiêu dùng sẽ tra mã số đó để kiểm tra sản phẩm. Thị trường tiêu thụ mỹ phẩm Việt Nam rất lớn, nên nhiều nước muốn mở rộng xuất khẩu sản phẩm của mình. Vì thế, các cơ quan có thẩm quyền cần phải đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng. Về phía cơ quan chức năng, cần có biện pháp quản lý cụ thể như cấp mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể tra được. Đối với các doanh nghiệp, không nên quá vì lợi nhuận trước mắt mà đưa ra những sản phẩm kém chất lượng cho người tiêu dùng.