Những triển vọng cho phát triển âm nhạc Thủ đô
Phát triển công nghiệp văn hóa bằng việc sản xuất các sản phẩm văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng là con đường mở ra nhiều cơ hội triển vọng. Tại Hà Nội, những show diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước trong vài năm qua mang theo một làn gió mới đến từ người yêu âm nhạc muôn phương về với Thủ đô…
Từ những “bữa tiệc âm nhạc”...
Sau dịch Covid-19, khi dòng lưu chuyển du lịch mở cửa trở lại, âm nhạc đã mang đến những “bữa tiệc văn hóa” độc đáo cho Thủ đô. Có thể kể đến những sự kiện âm nhạc thu hút hàng vạn khán giả kéo về Hà Nội như: Đêm nhạc “Khánh Ly - 60 năm hát tình ca”, diễn ra vào tháng 7/2022, tại Nhà hát Lớn Hà Nội (sự kiện nằm trong chuỗi hòa nhạc/ biểu diễn trực tiếp (Live concert) xuyên Việt “Như một lời chia tay” của ca sĩ Khánh Ly); Lễ hội âm nhạc “HAY Glamping Music Festival” - nơi quy tụ của 17 nghệ sĩ/ nhóm nhạc nổi tiếng trong nước và quốc tế, diễn ra vào tháng 8/2022, tại Công viên Yên Sở; Liveshow “Tri âm” của ca sĩ Mỹ Tâm tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào tháng 11/2022; Đêm diễn “The Defrost tour” của ban nhạc rock đến từ Mỹ (nằm trong tour diễn châu Á của ban nhạc The Aristocrats), vào tháng 3/2023 tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam; “Show của Đen” của rapper Đen Vâu diễn ra vào tháng 5/2023; Đêm nhạc “Born Pink in Hanoi” (nằm trong chuỗi hòa nhạc “Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới” của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink). Và tới đây, vào tháng 10/2023, tại Hà Nội sẽ diễn ra Lễ hội Âm nhạc Quốc tế gió mùa (Monsoon Music Festival) - sự kiện âm nhạc thường niên, quy tụ nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia, kéo theo là sự ngóng chờ của hàng vạn công chúng.
Trong những mối liên hệ đa ngành có sẵn từ lâu, sự kết nối giữa âm nhạc và du lịch, âm nhạc và di sản, âm nhạc và quản lý văn hóa… vô cùng quan trọng và cần thiết - nhất là trong khoảng 10 năm qua, khi âm nhạc không chỉ tập trung ở lời ca và giai điệu mà còn được quan tâm ở phần biểu diễn. Âm nhạc biểu diễn và văn hóa thần tượng nghệ sĩ cùng những hiệu ứng đi theo chỉ bằng một cú click chuột trên internet về hình ảnh nghệ sĩ/ người nổi tiếng hay một show diễn… đã tạo nên một không gian mới không chỉ ở đời sống tinh thần công chúng mà còn mang đến đời sống mới cho nơi tổ chức sự kiện.
Trước hết, đây là dịp để các nghệ sĩ, đơn vị tổ chức sự kiện văn hóa ở Hà Nội có cơ hội giao lưu, cọ xát và học hỏi từ khâu chuẩn bị đến những kế hoạch chi tiết cho nội dung/ hình thức sự kiện. Và tại các sự kiện này, giới trẻ khắp nơi trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ trong tình yêu chung với âm nhạc, được hòa mình với không khí sôi động của thời đại, được bắt kịp xu thế chung trên thế giới. Việc hàng ngàn người hâm mộ tìm về với Hà Nội theo từng show diễn âm nhạc, đã thúc đẩy những ngành liên quan phải nỗ lực thêm để xây dựng và duy trì ấn tượng về một Thủ đô hòa bình, văn minh, thanh lịch và hiếu khách. Với lượng công chúng lên đến hàng vạn người, tất yếu kéo theo nhiều nỗ lực cần có để phát triển của du lịch, kinh tế và văn hóa xã hội.
Gợi mở hướng phát triển cho công nghiệp văn hóa
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển, có thể kể tới Mỹ, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc... Trong số đó, Hàn Quốc là nước có tốc độ phát triển công nghiệp âm nhạc nhanh nhất.
Theo tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam, tại Hàn Quốc, doanh thu mà nền công nghiệp âm nhạc mang về là 10 tỷ đô la mỗi năm. Trong đó, nguồn thu lớn nhất của Kpop đến từ số lượng bán album vật lý. Các buổi hòa nhạc, những chuyến lưu diễn và sự phát triển rực rỡ của âm nhạc biểu diễn Hàn Quốc đã nâng tầm ảnh hưởng của các nghệ sĩ. Từ đó mang về những đơn hàng quảng cáo cho các sản phẩm liên quan như mỹ phẩm, trang sức, đồ ăn…
Đơn cử như đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội mới đây đã thu hút hơn 67.000 khán giả từ trong nước và quốc tế về Hà Nội. Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, điều này cho thấy công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc rất mạnh và chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi. “Tại sao chỉ với 4 nghệ sĩ, nhưng họ tạo dựng được những chương trình nghệ thuật, những hiệu ứng ảnh hưởng trên toàn cầu? Làm sao để chúng ta đào tạo, xây dựng được những nghệ sĩ, nhóm nhạc có sức ảnh hưởng như thế? Đó là câu hỏi mà nếu biết quan sát, học hỏi, tích cực giao lưu, hợp tác với nước bạn, chúng ta sẽ có kinh nghiệm để vận dụng ở nước nhà”, NSND Trần Quốc Chiêm đặt vấn đề.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng, đêm diễn của nhóm Blackpink là một hiện tượng thú vị và cần một cái nhìn cởi mở để đón nhận. Theo Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội : “Chưa bàn tới giai điệu, lời ca hay chất lượng nghệ thuật trong show diễn này nhưng sự đầu tư kỹ lưỡng cũng như sức lan tỏa của buổi diễn rất đáng lưu tâm, vì đã tạo nên những hiệu ứng. Những tác động liên ngành sau buổi biểu diễn không chỉ là âm nhạc, đó còn là phát triển văn hóa, du lịch”.
Trở lại với các “bữa tiệc âm nhạc” tại Hà Nội, “Show của Đen” thu hút hơn 10.000 khán giả; liveshow “Tri âm” kéo theo 30.000 khán giả còn Lễ hội Âm nhạc Quốc tế gió mùa qua 5 lần tổ chức đã đón hơn 225.000 lượt khách và hơn 300 nghệ sĩ đến từ khắp mọi miền đất nước và thế giới. Điều này cho thấy các nghệ sĩ Việt cũng như các sự kiện âm nhạc tại Thủ đô cũng mang tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng và những người yêu nhạc. Đây rõ ràng là dịp để tăng cường quảng bá hình ảnh Thủ đô ra bên ngoài. Là dịp để mối quan hệ liên ngành thêm nhiều kết nối chặt chẽ và cùng bổ sung, thúc đẩy nhau phát triển.
Nhưng để các nghệ sĩ và các sản phẩm âm nhạc Việt Nam vươn tầm quốc tế và có sức ảnh hưởng lớn như Blackpink, đẩy mạnh sự phát triển của nền công nghiệp âm nhạc Thủ đô là một hành trình cần nhiều nỗ lực. Đó không chỉ là câu chuyện xây dựng hình ảnh người nghệ sĩ, không chỉ là phần sáng tác âm nhạc mà là cả một ê-kip thực hiện chương trình biểu diễn. Và tất nhiên, cũng không chỉ dừng lại như thế, còn cần nhiều hơn sự đánh giá khách quan, những nhìn nhận và nỗ lực từ các kết nối liên ngành, từ những chính sách đãi ngộ và khích lệ, ủng hộ cũng như quy định đến từ phía các cơ quan đơn vị có thẩm quyền.
Sự phát triển của công nghiệp âm nhạc không nằm ngoài nền công nghiệp văn hóa. Mà theo như PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, “công nghiệp văn hóa đang tạo ra sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước”./.