Nhiếp ảnh

Những bức ảnh lưu dấu khoảnh khắc ngày tiếp quản Thủ đô

Trần Mạnh Thường 17:05 06/10/2024

Nói đến lịch sử Hà Nội có lẽ không thể không nhắc đến thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954. Sớm thu năm ấy, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên phong 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô từ các cửa ô rầm rập tiến vào tiếp quản Hà Nội, trước sự chào đón nồng nhiệt của người dân. Những hình ảnh sống động đó đã được một số nhà báo, nhiếp ảnh gia thu vào ống kính. Dù số lượng không nhiều nhưng những bức ảnh để đời ấy chính là những tư liệu lịch sử vô giá của Thủ đô.

chu-tich-tran-duy-hung-dung-tren-xe-mui-tran-vay-tay-chao-nguoi-dan-khi-vao-tiep-quan-thu-do.jpg
Chủ tịch Trần Duy Hưng đứng trên xe mui trần vẫy tay chào người dân khi vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu của TTXVN

Trong số những tác giả chụp ảnh Thủ đô ngày giải phóng có cả các nhà báo từ kháng chiến về, các nhiếp ảnh gia tại chỗ và các phóng viên nước ngoài như phóng viên tạp chí Life, BBC… Tác phẩm của họ đã được đăng tải trên các tờ báo trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, còn có một lực lượng khá đông nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Họ đứng đâu đó trên ban công, dọc các đường phố nơi có đoàn quân đi qua, và bấm máy theo dòng cảm xúc của trái tim mình... Số ảnh đó không phải là ít, trong đó có nhiều tác phẩm rất sinh động, tự nhiên, không bố trí dàn dựng.

Với những tác phẩm được công bố lâu nay do các phóng viên chụp, trước hết phải kể đến hai bức ảnh tư liệu mang tính thời sự nóng hổi (vào thời điểm đó) là: “Những tên lính Pháp rút khỏi bốt Hàng Đậu” và “Những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên”. Đây là những bức ảnh của phóng viên ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Triệu Đại - người mà trước đó không lâu đã thành công với bộ ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” gồm trên 56 tác phẩm.

canh-bo-binh-cua-trung-doan-thu-do-dai-doan-308-tien-vao-khu-vuc-cua-nam-sang-10-10-1954.jpg
Cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào khu vực Cửa Nam, sáng 10/10/1954. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Cũng trong thời điểm ấy, nhiếp ảnh gia Vũ Minh đang ở Hà Nội. Ông đã nhanh chóng ghi được cảnh “Nhân dân Thủ đô tràn ra đường nồng nhiệt đón chào đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô” và hình ảnh “Chủ tịch Trần Duy Hưng đứng trên xe mui trần vào tiếp quản Thủ đô, vẫy tay chào đồng bào Hà Nội”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng (từng làm việc cho Ủy ban Giám sát Quốc tế về Việt Nam) kể lại: khi các đơn vị quân đội của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308, từ năm cửa ô tiến vào trung tâm thành phố lúc mờ sáng ngày 10/10/1954, người Hà Nội trong những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất, mang cờ hoa và ảnh Bác Hồ kính yêu đứng dọc hai bên phố, vẫy chào đoàn quân chiến thắng. Trên cổng các công sở, trường học, bệnh viện... và khắp các phố phường đều được trang hoàng cờ hoa rực rỡ và ảnh Bác Hồ.

nhung-ten-linh-phap-cuoi-cung-qua-cau-long-bien-rut-khoi-ha-noi.jpg
Những người lính Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên, rút khỏi Hà Nội. Ảnh tư liệu của TTXVN

Sự chờ đợi dường như vỡ òa khi đoàn xe đầu tiên tiến vào thành phố là của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thủ đô và bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Hà Nội. Đoàn xe đi qua phố Hàng Đào để vào trung tâm thành phố. Sau 9 năm xa cách, với nỗi nhớ nhung canh cánh, những người con ưu tú đã trở về giải phóng Thủ đô trong niềm hân hoan, hạnh phúc không gì diễn tả nổi. Tiếp đó là các cánh quân: bộ binh, pháo binh, cơ giới của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308, từ 5 cửa ô tiến vào thành phố, trước sự chào mừng nhiệt liệt của đồng bào Hà Nội.

Đến 15 giờ cùng ngày, Nhà hát Lớn Hà Nội nổi lên một hồi còi dài báo hiệu Thủ đô hoàn toàn giải phóng, đông đảo các tầng lớp nhân dân Hà Nội, trang phục chỉnh tề cùng nhau đến dự lễ chào cờ lịch sử tại sân vận động Cột Cờ.

Tác nghiệp tại hiện trường sự kiện đặc biệt này, ngoài một số phóng viên quân đội như Triệu Đại, Đinh Ngọc Thông, Nguyễn Đình Ưu... còn có nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy và một số nhà báo của tạp chí Life. Hữu Cấy có bức ảnh “Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308, dương cao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng tham dự lễ chào cờ” và tác phẩm “Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308 - Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, đọc lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào tại lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ đô”.

doan-quan-chien-thang-vao-tiep-quan-thu-do.jpg
Đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu của TTXVN

Đặc biệt nhất là bộ ảnh quý của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên với tác phẩm “Ngày giải phóng Thủ đô”. Từ trên cao, Nguyễn Duy Kiên đã thu được toàn cảnh Đại đoàn 308, đi đầu là Trung đoàn Thủ đô đang tiến vào Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cả biển người cuồn cuộn như sóng dậy tràn đầy khí thế và niềm vui rạng ngời của người chiến thắng với đầy đủ mọi gương mặt nam phụ lão ấu. Bức ảnh bố cục chắc, làm nổi bật chủ đề, gợi cho người xem liên tưởng đến hình ảnh người Hà Nội như đang ôm ấp những đứa con thân yêu trở về. Bộ ảnh kết thúc bằng một đêm “tiệc pháo hoa” tại Hồ Gươm mừng ngày chiến thắng.

Phóng viên tạp chí Life có bộ ảnh ngày giải phóng Thủ đô rất có giá trị tư liệu lịch sử, nhưng đáng nhớ nhất là tác phẩm “Toàn cảnh các đơn vị của Đại đoàn 308 tiến hành nghi lễ chào cờ”.

Chụp ảnh ngày giải phóng Thủ đô còn có nghệ sĩ, nhà báo Nguyễn Bá Khoản, người nổi tiếng với tác phẩm “Đoàn quân Nam tiến” và bộ ảnh: “Những ngày đầu kháng chiến của quân dân Sài Gòn - Gia Định chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa”. Sáng ngày 10/10/1954, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản, đứng chờ sẵn trước chợ Hàng Da. Khi đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô đi ngang qua, ông đã kịp ghi được “khoảnh khắc vàng” một số nam nữ thanh niên ùa ra ôm chầm lấy những chàng lính trẻ vừa ở chiến trường trở về, chân tình như người thân ruột thịt đã lâu năm xa cách.

Đã 70 năm trôi qua, những ai đã từng chứng kiến đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô, ngày 10/10/1954, hẳn không khỏi xúc động khi xem bức ảnh của nhiếp ảnh gia nghiệp dư Lê Sửu. Thời điểm ấy, Lê Sửu mới 17 tuổi, nhà ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Anh đã ghi được khoảnh khắc lịch sử, khi đoàn quân đầu đầu tiên đi qua khu phố nhà mình. Bức ảnh có chú thích đơn giản “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”. Trong ảnh là một cậu bé khoảng 6, 7 tuổi (em ruột của anh Sửu), khuôn mặt bầu bĩnh, ngây thơ, tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào các chú bộ đội pháo binh hùng dũng.
Sẽ là một thiếu sót khi viết về ngày Thủ đô giải phóng, mà không nói đến các hình ảnh vô cùng xúc động đã được cố nghệ sĩ Đinh Đăng Định (một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, chuyên chụp Bác Hồ) ghi lại. Đó là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và trò chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong - đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô tại đền Hùng (Phú Thọ).

Cùng với bức ảnh này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định còn có một loạt tác phẩm mô tả cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội nồng nhiệt chào đón Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tiếp quản Thủ đô, sau 9 năm chiến đấu gian khổ. Đó là những hình ảnh rất tự hào của dân tộc ta, một dân tộc kiên quyết, gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và đã giành thắng lợi với chiến thắng “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào đàm phán, ký Hiệp định Genève, quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam.

Dù tất cả đã lùi vào quá khứ, nhưng ngày Hà Nội hoàn toàn giải phóng (10/10/1954) đã trở thành một mốc son chói lọi nhất trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Thưởng lãm 289 tác phẩm tại Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2024
    289 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc vừa được Hội Mỹ thuật Hà Nội lựa chọn giới thiệu tới công chúng trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2024.
  • [Podcast] Cột cờ Hà Nội: Biểu tượng thiêng liêng của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội
    Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, ngày 10/10/1954, năm cửa ô rộng mở, ngập trong cờ hoa và biểu ngữ đón chào đoàn quân tiến về Hà Nội. Và cũng trong ngày 10/10/1954 lễ thượng cờ diễn ra tại Cột cờ Hà Nội đã trở thành giây phút thiêng liêng, đánh dấu mốc son cho lịch sử dân tộc Việt Nam: Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng.
  • Khai mạc Triển lãm tranh sơn mài "Dấu thiêng"
    Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô chiều tối 5/10, tại Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm các tác phẩm tranh sơn mài “Dấu thiêng" của họa sĩ Chu Nhật Quang.
  • “Cờ ngày nào tung bay trên phố”
    Từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, tôi đã bao lần hòa giọng ca của mình cùng bạn bè hát bài “Tiến về Hà Nội” (Nhạc và lời của Văn Cao). Lần nào hát đến câu: “Cờ ngày nào tung bay trên phố…” tôi đều xúc động đến nghẹn lời. Ký ức những ngày mùa thu lịch sử năm 1954 như hiển hiện ra trước mắt, đưa tôi trở về với tuổi thơ trong ngôi nhà cổ kính bên hồ Hoàn Kiếm ngày xưa.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế đạt giải Chuyển đổi số Việt Nam
    Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024.
  • Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình: Tái hiện một Hà Nội hào hùng, văn hiến
    "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc, được chỉ đạo bởi Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Quận Long Biên: Gắn biển tuyến đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy
    Ngày 5/10, quận Long Biên tổ chức khánh thành và gắn biển dự án “Xây dựng tuyến đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư Ngọc Thụy” với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.
  • [Video] Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội: tái hiện hình ảnh Thủ đô 70 năm lịch sử
    Nằm trong chuỗi các hoạt động cao điểm chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), tối 4/10 tại Trung tâm Di sản văn hóa Thế thế giới Hoàng thành Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa áo dài”. Chương trình nghệ thuật đem đến cho các đại biểu, người dân và du khách quốc tế các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, tái hiện hình ảnh Thủ đô 70 năm lịch sử.
  • Những hình ảnh ấn tượng trong buổi tổng duyệt "Ngày hội văn hoá vì hoà bình"
    Để chuẩn bị cho "Ngày hội văn hoá vì hoà bình" trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), các đơn vị tham gia chương trình đã có buổi tổng duyệt vào chiều 4/10.
Những bức ảnh lưu dấu khoảnh khắc ngày tiếp quản Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO