Nhớ những trò chơi, trò diễn trong lễ hội xuân xưa

Thanh Bình| 19/01/2023 08:02

Lễ hội truyền thống được ví von như một “bảo tàng tâm linh” hàm chứa những khát vọng thiêng liêng của người dân. Không chỉ lắng đọng bởi những tín ngưỡng dân gian được gửi gắm nơi phụng thờ các vị thần linh, lễ hội truyền thống còn hấp dẫn bởi các trò chơi, trò diễn dân gian đã có từ rất xa xưa. Tuy nhiên, qua thời gian nhiều trò chơi, trò diễn trong hội xuân Thăng Long - Hà Nội đã bị mai một và chỉ còn trong ký ức... Trò vật củ hòn, trò thi dựng cây xôi hay trò chèo thuyền cạn... là một ví dụ.

img-1141.jpg
Hội thi nấu cơm trong lễ hội làng Chuông.

Trò thi dựng cây xôi trong lễ hội làng Yên Lộ

Lễ hội làng Yên Lộ (nay thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) diễn ra từ ngày 8 đến 21 tháng Giêng. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yên Giang - một người con của làng Yên Lộ kể, theo truyền ngôn, từ mờ sáng ngày chính hội (mùng 8), hai đám rước các Thánh lên quán Thượng, xuống quán Hạ đã được khởi hành và trở về hội quân ở trên bãi gạo nơi vua Lê Đại Hành từng ngự giá. Vào đầu giờ Tỵ, trò nghiềm quân được trình diễn, tiếp đó là trò thi dựng cây xôi.

img-1136.jpg

Để có gạo nếp cho việc thổi xôi, hằng năm, mỗi giáp trong làng bình chọn một gia đình lo việc nhà Thánh, từ việc chọn giống, gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch, xay giã...

Xôi được bày trên mâm rồng sơn son thếp vàng. Mâm tròn có đường kính 80 cm, có 4 chân cao chừng 60cm, mặt mâm được quây bằng ba vòng đai sơn đỏ, mỗi đai cao 20cm.

Theo mức khoán, thì xôi phải đơm đầy 3 đai ấy mới đạt, tuy nhiên các giáp thường không chịu dừng ở đấy. Họ tiếp tục đúc cao cây xôi bằng cách quây những vòng đai làm bằng tre cật già đan lóng hình hoa gấm. Các đội thi nhau đua tài, cây xôi càng thêm cao, thêm nặng.

Sáu cây xôi được đặt ngang hàng, thứ tự theo tên giáp, từ Đông sang Tây. Sau khi tháo bỏ các đai tre, 6 cây xôi như những cây thiêng vươn cao giữa không gian lễ hội rợp trời cờ quạt, trống chiêng.

Theo truyền ngôn trong dân gian thì lần cuối cùng hội làng có thi dựng cây xôi đã cách nay hơn một thế kỷ. Lần thi ấy, cây xôi giải Nhất, chỉ riêng phần xôi đã cao đến 2m, hết hơn 2 tạ gạo.

Cây xôi cao lớn, óng ả nuột nà như một điểm lành cho một năm được mùa; mang đến niềm vui, niềm hi vọng cho người dân trong những ngày đầu xuân mới. Sau cuộc thi, mọi người thụ lộc tại chỗ rồi lại tiếp tục xem tuần tế hội đồng và tuần lễ tạ của đoàn rước...

Trò vật củ hỏn trong lễ hội làng Văn Khê

Vật củ hỏn hay còn gọi là vật củ chuối, vật cầu hỏn là một trong những trò diễn dân gian đặc sắc trong lễ hội làng Văn Khê (nay thuộc xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) diễn ra hằng năm từ chiều mồng 4 đến chiều mồng 7 Tết Nguyên đán. Tục truyền, trò diễn này có từ khi các Ngài (sau là Thành hoàng làng) về đây dạy dân làm ăn, đặt ra trò chơi này để thờ trời đất và cầu cho nghề cót nan của làng đắt hàng.

Địa điểm diễn ra trò vật củ hỏn là bãi đất rộng phía sau đình làng. Trên bãi vật người ta đào mỗi đầu một cái lồ (hố) sâu chừng 50cm. Các đô vật (tất cả nam giới trong làng từ 17 tuổi trở lên đều phải tham gia) được chia làm 2 phe phân theo số giáp trong làng. Hỏn cầu để vật là củ chuối được gọt tròn.

Trong cuốn “Lịch sử làng Văn Khê” và “Di tích lịch sử đình Văn Khê” của tác giả Nguyễn Vương Đô có ghi chép về trò diễn này. Theo đó, vào khoảng 1 giờ chiều, khi tiếng trống hiệu lệnh vang lên, mọi người tập hợp đông đủ thì một thanh niên khỏe vác củ chuối ra chạy đầu, mọi người reo hò chạy theo sau. Đoàn người chạy quanh làng, có thể vào bất cứ nhà nào để bắt đô vật. Gia chủ nào che giấu người trốn vật sẽ bị ném củ chuối vào các vật dụng trong nhà.

Độ 3 giờ chiều cuộc vật bắt đầu, tất cả các đô vật cùng vào bãi tham gia cướp củ chuối, tìm cách bỏ vào lồ của đối phương. Số lượng đô vật không hạn chế, nhưng người chơi không được bỏ cuộc, nếu mệt thì ra nghỉ, khỏe lại tiếp cuộc chơi. Cuộc vui kéo dài có khi đến 5 hoặc 6 giờ chiều cho đến khi củ chuối được bỏ vào lồ thì keo vật mới dừng. Bên nào bỏ được cầu vào lồ của đối phương là bên đó thắng cuộc, được cử đại diện đốt bánh pháo báo tin vui.

Cuộc vật tuy diễn ra gay gắt nhưng chưa bao giờ có thương vong. Chính vì vậy dân làng tin rằng đó là do có thần linh phù hộ.

Múa chèo cạn trong hội làng Hồ Khẩu

Làng Hồ Khẩu (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ) có đình Hồ Khẩu, đền Dực Thánh và đền Vệ Quốc thờ hai anh em ruột Cống Lễ và Cá Lễ - hai nhân vật truyền thuyết có công dẹp giặc giữ nước. Xưa kia trong lễ hội của làng (diễn ra vào ngày 13 và 14 tháng Hai Âm lịch) thường có trò chơi múa chèo cạn.

Trong cuốn “Lễ hội Thăng Long”, khi viết về lễ hội làng Hồ Khẩu, tác giả Vũ Kiêm Ninh cũng đã nhắc tới trò diễn này. Theo đó, đội múa chèo cạn thường có 36 thanh hiên tham gia gọi là giai bơi. Họ đều là trai tân, khỏe mạnh, ăn chay từ tháng trước. Các giai bơi mặc áo the, quần chúc bâu, đội khăn xếp, đi giầy chi long, thắt lưng đỏ bỏ giọt, đeo trước ngực một cái chàng mạng kết bằng hoa.

Nhóm bơi chia làm 2 tốp, mỗi tốp có một người đứng đầu gọi là cai bơi (cai bơi đeo chàng mạng kết bằng kim tuyến óng ánh). Từng tốp xếp thành hàng đôi, cầm mái chèo làm bằng gỗ được chạm trổ sơn thếp tiến vào sân đền Vệ Quốc. Cai bơi đứng giữa hai hàng gõ nhịp để các hàng giai bơi vừa làm động tác chèo thuyền vừa hát. Bài hát theo thể thơ lục bát có nội dung ca tụng công đức của thần. Bao giờ các giai bơi ở tư thế một chân quỳ, một chân chống, động tác khỏe nhưng mềm mại uyển chuyển. Khi bơi và hát hết khúc ca, các giai bơi xếp hàng dài đi diễu quanh sân đền. Dứt một hồi chiêng trống cũng là lúc kết thúc đi diễu. Các giai bơi tạ lễ rồi nhường cho tốp sau.

Sau khi 2 tốp múa xong, đoàn rước Thánh em từ đền Vệ Quốc đến đền Thánh anh (đền Dực Thánh). Trong lúc rước các giai bơi vừa đi vừa làm động tác chèo thuyền. Tại đền Dực Thánh, sau khi làm lễ phụng mệnh đoàn tiếp tục rước hai ông Thánh ra đình Hồ Khẩu rồi tổ chức tế lễ tại đình.

Ba trò diễn trong lễ hội làng Yên Lộ, Văn Khê và Hồ Khẩu trên chỉ là một phần nhỏ trong hàng trăm trò diễn trong lễ hội vùng Thăng Long - Hà Nội. Việc phục dựng những trò diễn chỉ còn trong ký ức này sẽ góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của mỗi vùng đất, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân mỗi dịp Tết đến xuân về.

Bài liên quan
  • Lễ hội lướt ván diều quốc tế thu hút du khách về Ninh Thuận
    Hàng trăm cánh diều sặc sỡ do các vận động viên đến từ 15 quốc gia vút bay trên những con sóng đã làm nên bức tranh rực rỡ sắc màu khiến hàng nghìn du khách và người dân địa phương đứng dọc 2 km bờ biển thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) reo hò, thích thú.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Liên hoan ẩm thực “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” năm 2024
    Vào ngày 16/12 tới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức Liên hoan ẩm thực “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” năm 2024.
  • Hà Nội bước tới kỷ nguyên mới từ tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
    Thủ đô Hà Nội đã, đang rất quyết tâm thực hiện định hướng, chỉ đạo chiến lược của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Điều này đã được chứng minh bởi Hà Nội đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...
Đừng bỏ lỡ
Nhớ những trò chơi, trò diễn trong lễ hội xuân xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO