Nhiều tác phẩm âm nhạc "Bài ca Điện Biên" được tôn vinh
Tối 19/5, tại thành phố Ðiện Biên Phủ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Ðiện Biên tổ chức lễ tổng kết, trao giải thưởng tháng âm nhạc “Bài ca Ðiện Biên”.
Ðây là sự kiện văn hóa, chính trị nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.
Phát biểu tại Lễ tổng kết, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, phát động từ ngày 13/3/2024, đến ngày 24/4/2024, Ban tổ chức đã nhận được 196 tác phẩm của 179 tác giả, nhạc sĩ chuyên và không chuyên đến từ 47 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nội dung chủ đề ca ngợi lịch sử hào hùng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tình yêu quê hương, đất nước, con người; những thành tựu kinh tế, quốc phòng an ninh của tỉnh Ðiện Biên. Những tác phẩm mới có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh những tấm gương chiến đấu hy sinh cũng như sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong quá trình phát triển, đổi mới.
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh, những thành quả của tháng âm nhạc “Bài ca Điện Biên” thật đáng trân trọng. Đây là món quà ý nghĩa kính tặng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hy vọng từ kết quả cuộc vận động này, các ca khúc mới sẽ được lan tỏa rộng rãi và trở thành những “Bài ca Điện Biên” sống mãi trong lòng công chúng.
Tại Lễ tổng kết, Ban Tổ chức đã trao giải Nhì cho 2 tác phẩm (không có giải Nhất) "Bản hùng ca Điện Biên" của tác giả Vũ Đức Tân (Quân đội); "Về miền ký ức vàng son" của tác giả Vũ Huyền Ngọc (Hà Nội); giải Ba cho 5 tác phẩm và 10 giải Khuyến khích cho 10 tác phẩm.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 4 giải Chuyên đề cho giải thưởng mang tên Đỗ Nhuận, dành cho tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng Chiến thắng Điên Biên; giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc; giải thưởng tác phẩm xuất sắc về Điện Biên ngày mới và giải thưởng cho tác phẩm được bình chọn nhiều nhất./.
DANH SÁCH GIẢI THƯỞNG
Giải Nhì: “Bản hùng ca Điện Biên” - Vũ Đức Tân (Quân đội); “Về miền ký ức vàng son” - Vũ Huyền Ngọc (Hà Nội)
Giải Ba: Hợp xướng “Rạng rỡ Điện Biên” - Quang Thanh Giang (Cần Thơ); “Tôi yêu Điện Biên” - Hồng Sơn (TP Hồ Chí Minh); “Điện Biên đợi anh” - Xuân Nhật (Quảng Ninh); “Ký ức Điện Biên” - Kấn Tùng Lâm (Phú Thọ); “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” - Văn Thành (Hà Nội)
Giải Khuyến khích: “Mùa xuân Điện Biên” - Ngọc Khuê (Quân đội); “Đại tướng” - Nguyễn Văn Hiên (TP Hồ Chí Minh); “Điện Biên thiên anh hùng ca” - Sỹ Thắng (Hà Nam); “Hát về anh người chiến sĩ năm xưa” - Tường Vi (Hải Phòng); “Ánh sáng Điện Biên” - Đặng Hoàng Long (Hà Nội); “Xuân về với Điện Biên” - Thu Hường (Lâm Đồng); “Hào khí Điện Biên” - Huy Thông (Điện Biên); “Tự khúc hòa bình Điện Biên chào tương lai” - Trần Khắc Tiệp (Công an nhân dân); “Điện Biên Tây Bắc vang mãi khúc quân ca” - Trần Anh Dũng (Quân khu 2); “Điện Biên mối tình đầu tiên” - Nguyễn Lê Tâm (Hà Nội)
Giải chuyên đề:
1. Giải thưởng mang tên Đỗ Nhuận dành cho tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng Chiến thắng Điện Biên: “Âm vang Điện Biên” - Nhạc: Giáng Son (Hà Nội), Thơ: Phạm Hồng Điệp (Hải Phòng)
2. Giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc: Về Điện Biên đi em - Tô Ngọc Văn (Lai Châu)
3. Giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc về Điện Biên ngày mới: “Điện Biên Phủ bản hùng ca còn mãi” - Nhạc: Quỳnh Hợp (TPHCM), Thơ: Đoàn Hoài Trung (TPHCM)
4. Giải thưởng cho tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: “Điện Biên Tây Bắc vang mãi khúc quân ca” - Trần Anh Dũng
Bằng khen Tác giả tham gia cuộc vận động tích cực nhất nhất: Nhạc sĩ Trương Quang Lục, 91 tuổi - thành phố Hồ Chí Minh; Nhạc sĩ Nguyễn Quý Hải, 92 tuổi - Hà Nội.