Nhạc sỹ Nguyễn Đình San: Không nên để danh hiệu "Ưu tú", "Nhân dân" mất thiêng

arttime| 10/06/2022 09:13

Đề xuất việc phong danh hiệu Ưu tú, Nhân dân cần mở rộng thêm cho một số ngành nghề khác như nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên…đang gây bàn luận sôi nổi trong dư luận. PV Arttimes.vn có cuộc phỏng vấn nhạc sỹ, nhà văn Nguyễn Đình San về vấn đề này.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình San: Không nên để danh hiệu

Tại Quốc hội, Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) đề nghị đưa vào trong Luật danh hiệu Nhân dân,Ưu tú cho kiến trúc sư, nhà văn, nhiếp ảnh gia... 

Không nên mở rộng đối tượng 

PV: Thưa nhạc sỹ, nhà văn Nguyễn Đình San, xin ông cho biết quan điểm về đề xuất việc mở rộng phong các danh hiệu Ưu tú và Nhân dân thêm cho một số nghề nghiệp khác như nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên… ?

NĐS: Trước hết, là một văn nghệ sỹ, tôi rất cảm ơn những vị ĐBQH đã quan tâm, trân trọng công việc của những người lao động sáng tạo như nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên… Nhưng có lẽ vị nào đó đưa ra đề xuất mở rộng đối tượng để được nhận các danh hiệu Nhân dân và Ưu tú đã không biết rõ là Chính phủ đã tôn vinh và trọng thưởng giới nhà văn bằng các giải thưởng Nhà nước hoặc Hồ Chí Minh rồi. Giải thưởng mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc cao hơn giải thưởng Nhà nước (tức là tiêu chuẩn để được thưởng cao hơn).

Nay nếu lại phong thêm các danh hiệu Nhân dân hoặc Ưu tú nữa thì rõ ràng là thừa. Những danh hiệu này giành cho những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật (các diễn viên và đạo diễn hát, múa, xiếc, sân khấu, điện ảnh, nhạc công, chỉ huy dàn nhạc…). Còn trong lĩnh vực sáng tác thì như đã nói, sẽ được tặng các giải thưởng Nhà nước hoặc Hồ Chí Minh.

PV: Thế còn một số đối tượng khác như phát thanh viên, kiến trúc sư thì sao, thưa nhạc sỹ?

NĐS: Ngay từ khi Nhà nước phong các danh hiệu nghệ sỹ đợt đầu tiên vào năm 1984, thấy có đối tượng là các phát thanh viên (PTV), tôi đã thấy bất ổn. Bởi tuy công việc này cũng đòi hỏi năng lực, giọng nói hay, thêm hình thức (nếu là PTV truyền hình) nhưng không phải là nghệ thuật. 100 người thì có thể tuyển được dăm, bảy người làm được nghề phát thanh nhưng chưa chắc đã tìm được một người có thể hát, múa, đóng kịch, đóng phim. Không là nghệ thuật thì người làm nghề không thể gọi là nghệ sỹ. Riêng nghề này có thể phong PTV ưu tú, PTV nhân dân để thay cho từ “nghệ sỹ”.

Theo tôi, không nên mở rộng thêm các nghề để phong danh hiệu. Như vậy sẽ…loạn và mấy danh hiệu “Ưu tú”, “Nhân dân” cũng sẽ mất thiêng. Hiện nay, các danh hiệu này đã được phong cho giới nghệ sỹ biểu diễn, giới thầy thuốc, nhà giáo. Ta hãy tưởng tượng phong thêm cho cả các kỹ sư, vận động viên, bình luận viên thể thao, các nhà quản lý, nông dân, công nhân, doanh nhân…thì sẽ sao đây?

PV: Vậy ý ông là hãy dừng lại như hiện tại, không nên mở rộng thêm như ý kiến đề xuất của một vài ĐBQH?

NĐS: Đúng vậy.

PV: Ông có nắm được quan điểm của giới văn nghệ sỹ về việc này?

NĐS: Tôi có nghe ngóng dư luận thì thấy có hai luồng ý kiến trái chiều: Đồng tình và không đồng tình. Nhưng số không đồng tình nhiều hơn. Rộng ra ngoài xã hội thì nhân dân cũng tỏ ra không ủng hộ. Thậm chí, nhiều người còn so sánh với việc tặng quá nhiều giấy khen cho học sinh ở phổ thông, trở thành “loạn”, không có giá trị gì. Số ít em thực giỏi, xuất xắc cũng được giấy khen như mọi em bình thường, thậm chí yếu kém.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình San: Không nên để danh hiệu

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San (Ảnh NVCC)

PV: Nhưng thưa nhạc sỹ, trong giáo dục thì đó là bệnh thành tích. Còn ở các ngành nghề khác thì đó đâu phải là bắt nguồn từ căn bệnh này?

NĐS: Nếu chủ trương mở rộng các danh hiệu Nhân dân và Ưu tú chúng ta đang trao đổi được Quốc hội thông qua thì có thể xuất phát điểm không phải là từ sự thôi thúc của thành tích, nhưng khi bình xét những trường hợp cụ thể ở các cơ sở thì sẽ mắc ngay: Cơ quan chúng ta vừa rồi có bao nhiêu người được phong Nhân dân, bao nhiêu người được phong Ưu tú. Và rất có thể người ta sẽ lấy đó để định giá những thứ khác khi bình xét thi đua (chẳng hạn).

Phần thưởng cao quý nhất: Được công chúng mến mộ

PV: Dường như cứ gắn đến danh hiệu, giải thưởng là sẽ xảy ra tranh luận trong giới văn nghệ sĩ, có phải thế không, thưa ông?

NĐS: Vì người có danh hiệu thấp lại tài, giỏi, nổi tiếng hơn người được phong, tặng danh hiệu cao hơn và ngược lại, thậm chí người không được gì lại được công chúng biết đến và hâm mộ hơn.

Tôi biết rõ có những ca sỹ hát rất dở, không ai ghi nhận, còn kém xa người hát nghiệp dư mà được phong NSND. Người này ngay cả NSƯT cũng còn không xứng đáng. Lại có nhạc sỹ được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT mà tên tuổi và tác phẩm quá lu mờ, ngay cả người trong giới nhạc cũng còn xa lạ chứ không nói gì công chúng rộng rãi.

Trong khi đó, có người rất nổi tiếng, tác phẩm được công chúng ngưỡng mộ thì lại không được trao tặng danh hiệu, giải thưởng gì. Bản thân tôi lúc đầu cũng nghĩ như nhiều người là nên bãi bỏ việc tặng thưởng các danh hiệu. Nhưng sau tôi thấy nghĩ như vậy là không ổn, chẳng khác gì trong việc quản trị, cứ cái gì không quản lý được là dẹp bỏ. Phải tìm mọi cách khắc phục yếu kém, sai sót  để đạt bằng được hiệu quả dù chưa thể là tuyệt đối.

Phong tặng các danh hiệu, giải thưởng cho giới văn nghệ sỹ là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm, đề cao, trân trọng của Đảng và Nhà nước ta đối với một thứ lao động sáng tạo rất đặc thù. Không thể vì những sai sót trong khâu thực hiện ở đây đó, người nọ, người kia mà phủ nhận tính tích cực của chủ trương này.  

PV: Theo ông, những điều khiến dư luận chưa hài lòng như vừa nói chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”?

NĐS: Người ta vẫn nói như vậy để chỉ những hiện tượng tiêu cực không phổ biến, không phải là bản chất. Nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là những “con sâu” tiêu cực. Tiêu cực nói ở đây có thể là một vài thành viên trong Hội đồng thẩm định, có thể là xuất phát từ những định kiến, yêu ghét rất cá nhân, cũng có thể là sự thiếu trách nhiệm và có khi là cung cách tổ chức.

Ví dụ như tại Hội đồng ở cấp Bộ và cấp Quốc gia, khi xét một trường hợp phong tặng giải thưởng cho một nhà sáng tác thuộc một lĩnh vực văn nghệ cụ thể thì thành viên nào không hoạt động trong lĩnh vực đó làm sao có thể biết tường tận thành tích, cống hiến của họ mà bỏ phiếu? Một nhà văn ngồi trong Hội đồng thì không thể bỏ phiếu chính xác cho một nhạc sỹ hay biên đạo múa (ví dụ).

Lại có trường hợp đương sự đã viết đơn gửi lên các cấp rất cao kiện việc Hội đồng bình xét cấp cơ sở đã không xem xét tác phẩm của họ mà lấy cảm tính của mình để gạt người ta ngay từ đầu. Họ có bằng chứng thuyết phục cho lời tố cáo này. Sự thật là cuộc bình chọn, xét duyệt đợt nào cũng có đơn thư khiếu kiện.

Đành rằng không thể bảo đảm sự chính xác, công bằng đến 100% nhưng để xảy ra khiếu kiện nhiều quá sẽ gây nên một bầu không khí không đẹp, không hay trong đội ngũ những người làm nghệ thuật mà công việc này luôn đòi hỏi sự thanh thản với những cảm xúc đẹp nhất của chủ thể sáng tạo.

PV: Vậy có thể khắc phục được những hạn chế để mọi đợt phong, tặng thưởng các danh hiệu cho văn nghệ sỹ được tâm phục khẩu phục hay không, thư nhạc sỹ?

NĐS: Được chứ, nếu tất cả đều quyết tâm, đều gạt bỏ cái tôi cá nhân để nhìn nhận, đánh giá mọi trường hợp. Thêm nữa, lại phải có “con mắt tinh đời” trong việc thẩm định các tác phẩm, các cá nhân nghệ sỹ.

PV: Ông có thể nói rõ hơn?

NĐS: Đảng và Nhà nước đã có chủ trương rất hay, rất đúng đắn, cần thiết rồi. Việc triển khai thực thi đương nhiên thuộc về những cá nhân cụ thể. Những người này mà sáng suốt, có trí tuệ, có trình độ cao, có “con mắt tinh đời” như tôi đã nói và đặc biệt là có cái tâm sáng thì anh em văn nghệ sỹ được nhờ.

Vậy nên điều trước tiên là phải lựa chọn được những người thật xứng đáng để làm công việc cầm cân nảy mực này. Việc nữa là phải có động thái tham khảo ý kiến của rộng rãi công chúng. Không có lý do gì mà NSND lại không được nhân dân biết đến và yêu thích như tình trạng của nhiều người đang có danh hiệu này hiện nay. Và cũng sẽ là vô duyên nếu NSUT mà chẳng có gì là ưu tú, tài năng rất bình thường.

Cũng như vậy, được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh – một thứ bậc cao nhất, rất danh giá, vẻ vang mà tác phẩm lại không được rộng rãi công chúng biết đến chứ chưa nói có hâm mộ hay không.

PV: Nhạc sỹ nghĩ sao về một số văn nghệ sỹ đã làm đơn khiếu kiện khi mình bị trượt các danh hiệu hoặc được nhưng không đúng ý?

NĐS: Đó là quyền của mỗi công dân được pháp luật bảo vệ. Tôi thấy bên cạnh một số người thực sự “oan” cũng có không ít người không biết mình là ai. Họ tự đánh giá mình luôn cao hơn sự thực đang có.

PV: Nhạc sỹ có ý kiến gì về việc một số diễn viên, nghệ sỹ có các danh hiệu ưu tú, nhân dân tham gia quảng cáo trên các báo, đài cho các hãng bán thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà dư luận xã hội rất bất bình.

NĐS: Dự luận bất bình bởi những nghệ sỹ có danh hiệu, có người rất nổi tiếng mà  chỉ vì tiền đã sẵn sàng tiếp tay cho sự lừa đảo của những hãng bán hàng không đúng như lời quảng cáo gây thiệt hại cho người ta. Đây là một hành vi không thể chấp nhận được, cần bị lên án, thậm chí xử lý.

Tôi biết đã có chủ trương cấm giới nghệ sỹ làm việc này. Nhưng vẫn chưa thấy thực hiện. Hàng ngày, một số khuôn mặt quen thuộc vẫn tiếp tục quảng cáo như trước. Tôi thấy cần tước bỏ những danh hiệu mà họ đã được phong.

Một lần, tôi gọi điện cho một diễn viên khá nổi tiếng, là NSUT khi thấy anh ta quảng cáo một thứ thuốc trị căn bệnh mà tôi đang mắc. Anh ta nói trên ti-vi đại ý là mình bị bệnh từ lâu, chữa đủ loại thuốc mà không khỏi, nhưng từ khi dùng loại này thì chấm dứt hoàn toàn.

Tôi hỏi thì anh ta nói nguyên văn: “Họ nhờ quảng cáo thì em nhận lời thôi chứ có uống bao giờ đâu mà biết. Anh cứ thử một lần xem sao”. Quả là không còn gì để nói! Ở nhiều nước trên thế giới, người ta cấm quảng cáo thuốc chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông. Nên chăng, nước ta cũng áp dụng?

PV: Cảm ơn nhạc sỹ về cuộc phỏng vấn này. Chúc nhạc sỹ khoẻ và hạnh phúc, tiếp tục sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị!

(0) Bình luận
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
    Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một Thế giới hòa bình”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
  • Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - sứ mệnh lịch sử
    Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.
  • Những âm thanh cổ điển vang lên trong đêm “Hà Nội Concert: Hoà nhạc mùa đông”
    Tối 13/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam cùng Dàn hợp xướng Bình Minh đã có những màn trình diễn thăng hoa trong đêm hòa nhạc “Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông” dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tài năng Phan Đỗ Phúc.
  • Triển khai đợt 2 Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có Công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai đợt II xét tặng Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025.
  • Hà Nội dự kiến giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối sau khi sắp xếp
    Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Thông báo Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương (Thông báo số 07-TB/BCĐ)
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Đường băng” để Hà Nội tiến vào kỷ nguyên mới
    Quán triệt quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, xác định đây là giá trị, chất lượng, trình độ phát triển của chính trị, kinh tế với tư cách là hai lĩnh vực cơ bản, trọng yếu nhất của đời sống xã hội.
  • Triển lãm "Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh"
    Sáng 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh”. Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tựu 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Nhạc sỹ Nguyễn Đình San: Không nên để danh hiệu "Ưu tú", "Nhân dân" mất thiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO