Nhà thờ tổ nghề làm giấy sắc được xây dựng năm 1943 và được trùng tu lớn năm 1994. Tọa lạc trên khu đất có diện tích 143m2, công trình gồm các hạng mục: Cổng, sân và nhà thờ. Cổng được xây theo dạng chồng diêm, mái lợp ngói giả ống, đỉnh nóc mái đắp nổi hình mặt trời. Hai bên có đôi câu đối được dịch từ chữ Hán, đại ý: “Giấy vàng xưa vẫn truyền gia bảo/ Bút ngọc nay còn đượm quốc hương”.
Qua khoảng sân nhỏ là nhà thờ được xây theo lối kiến trúc hình chữ “Nhất”, gồm 3 gian theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói tây, nền lát gạch vuông đỏ. Phía trước hiên là hai trụ biểu cao 5m, đỉnh trụ đắp 4 con chim phượng chụm đuôi vào nhau. Phía dưới là các ô lồng đèn trang trí hoa văn chữ “Triện”.
Bộ khung nhà thờ gồm 4 vì gỗ được làm kiểu kèo cầu quá giang đơn giản. Tại gian giữa có một ban thờ, phía trong cùng đặt một ngai thờ nhỏ bằng gỗ sơn son thếp vàng cao khoảng 80cm. Phía trước ban thờ treo hai bức đại tự, phía dưới là đôi câu đối bằng chữ Hán... Đến nay, phần lớn hiện vật đã bị thất lạc hoặc hư hỏng; nay chỉ còn một số hiện vật như: 1 cuốn gia phả dòng họ, 2 bức hoành phi, 2 đôi câu đối, 2 bát hương gốm, 1 bát hương đồng, 1 ngai thờ...
Nhà thờ tổ nghề giấy sắc là công trình kiến trúc tôn giáo thờ cúng tổ tiên, đồng thời là nơi lưu giữ những giá trị quý báu về một làng nghề cổ của Thăng Long - Hà Nội. Nhà thờ tổ nghề làm giấy sắc ở phường Nghĩa Đô đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.