Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường - người từng chuyển ngữ tiểu thuyết "Lolita" của Vladimir Nabokov - qua đời lúc 20h08 ngày 24/2, thọ 91 tuổi.
Vợ nhà thơ Dương Tường – bà Nguyễn Thị Trinh cho biết ông mất ở tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trước đó, ông yếu sức, mắc nhiều bệnh như zona, khớp. Năm 2020, ông từng trải qua ca mổ do rạn xương.
Nhận tin buồn từ con trai của nhà thơ Dương Tường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên rất hụt hẫng. Ông chia sẻ, Dương Tường là một "chàng" thi sĩ không tuổi. Tuổi tác người thi sĩ được phác họa bằng đời thơ và ông là hồn thơ giàu sức trẻ.
Nhà thơ Dương Tường sinh năm 1932 ở Nam Định, từng làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam, biên dịch viên tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam và về hưu từ năm 1979. Với niềm say mê ngôn ngữ, ông tự học tiếng Pháp, tiếng Anh.
Gia tài dịch thuật của ông gồm hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học lớn như Anh, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản. Trong đó, nhiều bản dịch của ông chinh phục nhiều thế hệ độc giả như: Lolita, Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Bức thư của người đàn bà không quen, Kafka bên bờ biển, Con đường xứ Flandres, hay Đi tìm thời gian đã mất.
Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của 36 bài tình (thơ - in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời), Thơ Dương Tường - Mea culpa và những bài khác, Chỉ tại con chích chòe (tạp luận), Thuyền trưởng (truyện ký, dưới bút danh Nguyễn Trinh). Dương Tường còn là tác giả của tạp luận Chỉ tại con chích chòe và tập truyện ký Thuyền trưởng (bút danh Nguyễn Trinh).
Dương Tường nói ông "ăn nằm với con chữ suốt 60 năm cuộc đời". Năm 2020, ở tuổi 88, ông hoàn thành bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, coi đó là "đỉnh núi Everest" cần chỉnh phục cuối cùng. Dịch giả làm việc bằng một chiếc máy tính nối với màn hình cỡ lớn. "Nhiều lần, tôi định bỏ cuộc vì không thể nhìn nổi gì. Những lúc như vậy, tôi nhắm nghiền mắt rồi trấn an, tự động viên bản thân. Một lát sau, tôi mở mắt ra và lại nhìn được nét chữ. Đó là một trải nghiệm kỳ diệu", dịch giả nói.