Nhà giáo Dương Quảng Hàm với sách giáo khoa

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn| 09/05/2022 12:09

Nhà giáo Dương Quảng Hàm với sách giáo khoa

Nhìn nhận vị thế tác giả viết sách giáo khoa Dương Quảng Hàm (1898-1946), từ Nha Học chính Đông Pháp, học giới, giáo giới đến công chúng phụ huynh, học sinh đều có thể tin cậy, yên tâm. Vốn giỏi chữ Hán và tiếng Pháp, suốt 23 năm sau khi đỗ thủ khoa khóa đầu ban Văn trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (1920) đến ngày xuất bản bộ sách giáo khoa đại thành “Việt Nam văn học sử yếu” (Nha Học chính Đông Pháp xuất bản, Hà Nội, 1943), Dương Quảng Hàm chuyên tâm với nghề dạy học, đồng thời tích cực tham gia soạn thảo các loại sách giảng lịch sử và giáo khoa Việt văn bậc cao đẳng tiểu học, ám tả đề thi tiểu học, tuyển văn chương tiếng Pháp về Đông Dương, tìm hiểu các tác gia Lý Văn Phức, Nguyễn Đình Chiểu và cộng tác dịch thuật, viết bài phổ cập tri thức trên nhiều báo, tạp chí tiếng Việt và Pháp… Đặc biệt với bút danh Hải Lượng, từ hơn mười năm trước, ông đã viết “Lược khảo về văn học sử nước ta” in trên “Văn học tạp chí” (từ số 5/1932 đến số 11/1933). Vốn tri thức văn hóa - văn học sâu rộng, chuyên tâm hoạt động giảng dạy và bề dày nghiên cứu đã giúp Dương Quảng Hàm hội tụ đủ mọi điều kiện cho việc viết sách giáo khoa.
Về cơ bản, bộ giáo sách khoa thư “Việt Nam văn học sử yếu” dùng cho ba năm Ban Trung học Đông Pháp và Trung học Pháp tuân theo định hướng ứng dụng, phân tích, giảng giải phục vụ nhà trường (rộng hơn là loại sách tư liệu bổ trợ như “Quốc âm trích diễm”, 1925; “Việt văn giáo khoa thư” bậc cao đẳng tiểu học, 1940; “Việt Nam thi văn hợp tuyển” bậc Trung học, 1943)..., khác biệt với các bộ văn học sử theo phong cách khảo cứu, nghiên cứu hàn lâm, chuyên sâu. Thực hiện so sánh giữa cấu trúc và nội dung sách “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm với “Chương trình khoa Việt văn” của quan Giám đốc Học chánh Đông Pháp thì thấy có sự thay đổi, sáng tạo, mở rộng rõ nét. Ở năm thứ nhất, thầy Dương Quảng Hàm nhấn mạnh cơ sở căn rễ lịch sử - văn hóa với ảnh hưởng Trung Quốc, chế độ học hành, thi cử qua các đời và mở rộng giới thiệu, đề cao xu thế “giải Hán hóa” với các thể văn nội sinh trong nền văn học dân tộc (truyện thơ, ngâm khúc, hát nói), đồng thời bổ sung vấn đề ảnh hưởng nước Pháp đã góp phần kiến tạo chữ quốc ngữ và nền văn học Việt Nam hiện đại. Toàn bộ các nội dung giới thiệu tác giả - tác phẩm được chuyển đổi, tích hợp vào năm học sau… Cấu trúc chương trình năm thứ hai tuân theo mạch văn học sử truyền thống dân tộc (thế kỷ X đến hết XIX), ngoài phác thảo ảnh hưởng văn chương Trung Quốc là bốn giai đoạn trọng tâm: Thời kỳ Lý, Trần (thế kỷ XI đến XIV); Thời kỳ Lê, Mạc (thế kỷ XV và XVI); thời kỳ Nam Bắc phân tranh (thế kỷ XVII và XVIII), thời kỳ cận kim (Nguyễn triều - thế kỷ XIX), trong đó chủ ý giản lược phần văn học Trung Quốc và chú trọng giới thiệu các tác giả, tác phẩm Việt Nam tiêu biểu… Tiếp đến năm thứ ba tập trung giới thiệu thành tựu văn học đương đại đầu thế kỷ XX, xác định đúng mức quá trình hình thành “một nền quốc văn mới”, hệ thống thể loại hiện đại (báo chí, dịch thuật, kịch, phê bình, văn xuôi, thi ca, khuynh hướng nghệ thuật, văn phái). Cấu trúc sách năm ba thay đổi căn bản ở chỗ dồn toàn bộ tác giả, tác phẩm, thể loại văn học cổ về năm hai, trong khi đi sâu khai thác các vấn đề văn học đương đại.
Nhà giáo Dương Quảng Hàm với sách giáo khoa
Bộ giáo sách khoa thư “Việt Nam văn học sử yếu” của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Ảnh tư liệu.

Nhà giáo Dương Quảng Hàm với sách giáo khoa
Cuốn sách “Những bài học lịch sử An Nam” (1928) của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Ảnh tư liệu.

Trong tương quan chung, có thể xác định bốn thiên sách năm hai là phần viết tương đối gần cận khung văn học sử, vừa có khái quát vừa đi sâu tìm hiểu các tác gia, tác phẩm tiêu biểu và bước đầu chỉ ra mối liên hệ giữa các thời kỳ, giai đoạn văn học. Các nguồn tư liệu trích dẫn đều có ký chú rõ ràng, phần thơ văn phần nhiều có nguyên văn chữ Hán; cuối sách có “Biểu liệt kê các tác giả và các tác phẩm theo thứ tự thời gian” và “Bảng kê tên các tác giả và tác phẩm có nói đến ở trong sách”. Điều này xác nhận tác giả có ý thức khoa học trong việc vận dụng mô hình văn học sử chuyển hóa theo quy định của chương trình sách giáo khoa, đảm bảo phù hợp trình độ ba năm bậc trung học. Thêm nữa, đối tượng văn học sử được bao quát từ khởi nguyên đến đương đại nhưng phần lịch sử văn học trung đại chủ yếu thuộc về nội dung năm hai. Qua năm sau, học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã góp ý: “Đến chương thứ tư trong thiên thứ hai ở quyển “Việt Nam văn học sử yếu”, ông Dương Quảng Hàm đăng một bài đề là “Các nhà viết thơ văn chữ Nho trong hai triều Lý - Trần” (tr.219-239): thế là từ bài này trở đi mới hợp với tên sách là “Việt Nam văn học” (Tri tân tạp chí, 1942 - 1943).
Xét về cấu trúc chương trình từng năm đều có “Chương mở đầu - Mấy lời dẫn đầu” rồi chia ra các thiên gồm những vấn đề lớn và phân kỳ văn học sử, tiếp đến các chương chuyên đề, tương đương bài giảng. Mỗi mục bài giảng thường chia thành các mục, tiểu mục, giới thiệu tác giả, tác phẩm, thể loại, đồng thời nhấn mạnh vai trò bài đọc, trích giảng, phân tích các phương diện nội dung và nghệ thuật. Sau mục “Kết luận” từng bài giảng thường có “Bài đọc thêm” (có thể gồm vài ba bài) rồi đến “Các tác phẩm để kê cứu” nhằm gợi mở kiến thức, sách tham khảo, nâng cao. Toàn bộ vốn tri thức này đã được ông thầy nắm chắc, làm chủ, không quá lệ thuộc sách giáo khoa, không phải quá nặng nề về biên soạn giáo án với đủ các khái niệm phương pháp, thao tác, quy trình, bảng biểu, yêu cầu mà vẫn đánh giá đúng chất lượng học sinh. Về phía người học, qua chương trình có thể thấy rõ nội dung, phạm vi và yêu cầu kiến thức cần đạt mà không bị bó vào các câu hỏi, bài hướng dẫn, lời giải quá cụ thể, chi tiết. Điều này góp phần gia tăng biên độ cho trí tưởng tượng, sáng tạo, liên hệ, liên tưởng, khắc phục tình trạng văn mẫu, bài mẫu, đáp án “mẫu”, khu biệt đặc tính văn chương với các môn giáo dục công dân, đạo đức, xã hội và tự nhiên khác.
Đến đây xin giới thiệu nội dung Chương thứ sáu, năm thứ ba “Xét về mấy thi sĩ hiện đại và các tác phẩm của những nhà ấy. Âm luật, đề mục và thi hứng của những nhà ấy”, có ý nghĩa toát yếu lược sử tiến trình và tinh lọc, đúc rút từ công trình tổng thành “Phong trào Thơ mới, 1932 - 1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân (1942) vận dụng vào việc soạn sách giáo khoa và giảng dạy văn học. Với số trang ngắn gọn, Dương Quảng Hàm bao quát đầy đủ các vấn đề: Thơ mới là gì? - Lai lịch lối thơ mới - Nguồn gốc lối thơ mới - Thể cách lối thơ mới (Số câu trong bài và trong khổ - Số chữ trong câu - Cách hiệp vần - Điệu thơ), từ đó đối sánh phong cách các tác giả xuất sắc trong phong trào Thơ mới kèm theo phân tích, minh chứng thơ (Phan Khôi, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu) với các nhà thơ lớp hiện đại-cũ (Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tuấn Khải, Đông Hồ), có mở rộng so sánh với thơ ca truyền thống dân tộc và thơ Pháp. Trên tinh thần tôn trọng sự thật và dân chủ học thuật, không tụng ca một chiều, Dương Quảng Hàm đề cao các phương diện giá trị cũng như thẳng thắn chỉ ra mặt hạn chế, yếu kém. Chẳng hạn, nhận diện và đánh giá cả nền thơ: “Trong số thơ in trên các báo chí mà vẫn mệnh danh là “Thơ mới”, ta nhận thấy có bài thực ra không đáng gọi tên ấy”; với Hàn Mặc Tử: “Trong một ít bài (thứ nhất là những bài nói về những điều thần bí, mầu nhiệm trong tập “Thượng thanh khí”), ý tứ không được rõ ràng, lời thơ có vẻ tối tăm”; với Xuân Diệu: ““Thơ thơ” là một tập thơ chứa chan tình cảm lãng mạn, trong đó có nhiều tứ mới lạ, tỏ ra tác giả có tâm hồn thi sĩ, nhưng cũng có nhiều câu vụng về, non nớt, chứng rằng tác giả chưa lão luyện về kỹ thuật của nghề thơ”…
Tám mươi năm đã qua đi, tôi đã và còn cứ vân vi, chưa rõ cơ chế quản trị viết sách “toàn bộ hệ thống vào cuộc” là tốt hay theo kiểu cá nhân chịu trách nhiệm là tốt? Trường hợp nhà giáo trường Bưởi (Trung học Bảo hộ) Dương Quảng Hàm một mình soạn cả chương trình văn học cho Ban Trung học (1943) khi mới 45 tuổi, chỉ chịu trách nhiệm trước Nha Học chính Đông Pháp, thực hiện nhanh, gọn qua các thể chế xã hội khác nhau đáng được sử dụng và tham khảo!

(0) Bình luận
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
  • 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
    Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, hội nghị đã làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam...
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà giáo Dương Quảng Hàm với sách giáo khoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO