Sinh năm Ất Dậu (23/9/1945), nhà báo Diệu Ân năm nay đã bước vào tuổi 75. Bà là con gái đầu của nhà báo tiền bối, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Bá Khoản - người đầu tiên công bố ảnh báo chí trên diễn đàn báo chí cách mạng Việt Nam (1936 - 1939).
Diệu Ân tốt nghiệp Đại học báo chí khóa đầu tiên rồi nhập ngũ, làm giáo viên dạy văn hóa cho Quân chủng Phòng không - Không quân, sau chuyển ngành về Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội vừa làm công tác quản lý báo chí vừa viết báo, viết sách. Ở tuổi 75 nhưng số đầu sách Diệu Ân đã xuất bản còn nhiều hơn cả tuổi đời. Điều đáng nói là Diệu Ân viết bằng ngôn ngữ báo chí, viết về sự thật như chính cuộc sống, không “tô hồng” cũng không “bôi đen”. Các nhân vật vào sách của Diệu Ân từ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Tổng Bí thư Đỗ Mười; các ủy viên Bộ Chính trị như Vũ Oanh, Trương Vĩnh Trọng, Lê Hồng Anh... đến những chiến sĩ cách mạng lớp trước như: Nguyễn Thị Minh Khai (người Bí thư đầu tiên của Sài Gòn - Gia Định), Kha Vạng Cân (vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh, sau này là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ), hay Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Vĩnh Nghiệp.
Đề tài trong các cuốn sách của Diệu Ân cũng rất phong phú. Viết về ngành tình báo, ngoài sách viết về Cục trưởng Cục tình báo - Đại tá Lê Trọng Nghĩa bà còn có 10 cuốn sách viết về: Mười Nho, Nguyễn Xuân Mạnh, Nguyễn Thị Mỹ Nhung (tức Tám Thảo), Ba Lễ - người được giao nhiệm vụ trực tiếp thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng... Viết về quân sự, bà có sách về Trung tướng Nguyễn Việt Thành với vụ án Năm Cam; về Thượng tướng Giáp Văn Cương - vị tướng Tư lệnh đầu tiên cầm quân canh giữ biển Đông; về Thượng tướng Phan Trung Kiên - người học trò yêu của danh tướng Hoàng Minh Thảo... Viết về y học Việt Nam, bà có sách về thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu; Bộ trưởng Bộ Y tế, anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Trung Chiến. Viết về văn học nghệ thuật, bà có tác phẩm về cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông; nhạc sĩ Văn Cao, Văn Ký, Phạm Tuyên...
Diệu Ân định kết thúc sự nghiệp làm báo và viết sách ở tuổi 75, trước khi viết về người cha kính yêu của mình rồi “khóa sổ” để nghỉ ngơi! Nào ngờ, khi xem chương trình truyền hình “Giải mã Việt Nam” đề cập đến chiến thắng vang dội Tây Nguyên đã đi vào lịch sử và huyền thoại bà liền quyết định làm sách về Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Hoàng Minh Thảo là một trong những học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm tháng sống gần Bác, ông còn được Người đặt cho cái tên rất đẹp: Hoàng Minh Thảo và được Người đích thân tuyển chọn cho đi học từ năm 20 tuổi (năm 1941). Ở tuổi 24, Hoàng Minh Thảo đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh Chiến khu Ba. Ông sớm trở thành một vị tướng trẻ, được “cắm chốt nằm vùng” suốt 10 năm ở núi rừng Tây Nguyên. Ông là một vị tướng chiến lược văn võ song toàn và trở thành Thượng tướng khi được giao trọng trách: Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên. Ông hiểu rõ kẻ địch, có nhiều mưu cao, kế sâu, chủ động dùng chiến thuật nghi binh lừa địch khiến chúng kinh hồn bạt vía, hoang mang hoảng loạn, vội vàng tháo chạy khỏi Tây Nguyên.
“Mỗi khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ người ta thường nhắc đến tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn chiến thắng Tây Nguyên vang dội như vậy sao không thể nhắc đến danh tướng Hoàng Minh Thảo?” - Niềm băn khoăn ấy cũng chính là lý do khiến Diệu Ân quyết tâm đi sưu tầm tư liệu, vào Nam ra Bắc, lên Tây Nguyên và gặp các tướng tá thân cận, những người phục vụ sống gần ông để có tư liệu về Thượng tướng.
Là một nhà báo lão thành có nhiều kinh nghiệm, Diệu Ân đã khéo léo khai thác tư liệu từ mỗi nhân chứng để làm bật lên chân dung vị tướng Hoàng Minh Thảo - một nhà cầm quân tài năng, nhà khoa học quân sự đầu ngành của Đảng, Nhà nước và quân đội ta; một trong những danh tướng thời đại Hồ Chí Minh tài năng và đức độ…, tên tuổi được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam. Gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư (nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), bà nhớ lời ông dặn: Thượng tướng Hoàng Minh Thảo có ba công lớn: Ông là một vị tướng giỏi về trận mạc, uyên thâm về lý luận quân sự, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất tin tưởng và quý trọng. Thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Thảo đã thay ông Nguyễn Bình làm Tư lệnh Chiến khu Ba, giải phóng được Móng Cái, Hà Khẩu, tổ chức chống Pháp ở Hải Phòng. Ông tổ chức huấn luyện du kích rất giỏi, sau ông được điều động về làm Tư lệnh Quân khu 4. Công lớn thứ hai là ông làm Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên. Công thứ ba là lập ra Học viện Quân sự Việt Nam đầu tiên, nơi đào tạo ra nhiều tướng giỏi sau này là Đại tướng, Thượng tướng như: Phạm Văn Trà, Ngô Xuân Lịch, Phan Trung Kiên, Nguyễn Huy Hiệu, Nguyễn Phúc Thanh...
Chỉ hơn một tháng sưu tầm tư liệu, phỏng vấn, cuốn sách “Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo” gồm 24 chương cũng đã được hoàn tất. Cuốn sách dựng lên một chân dung vị tướng thống soái của núi rừng Tây Nguyên oai phong lẫm liệt, một vị tướng mưu lược xuất chúng, sống giản dị mà cao sang và đức độ như một ông Phật sống giữa đời thường.
Tháng Ba ở Tây Nguyên là kết tinh tài năng của danh tướng Hoàng Minh Thảo. Tháng Ba ở Hà Nội, Diệu Ân đã kết thúc thành công tập sách viết về vị danh tướng đó, chuẩn bị cho sự tôn vinh, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (25/10/1921 - 25/10/2021). Hai sự kiện diễn ra cùng một thời điểm tháng Ba được xem như một hiện tượng tâm linh trùng hợp có thật và lạ kỳ.
Xin chúc mừng thành công của tác giả Diệu Ân và mong cuốn sách của bà sẽ sớm đến với độc giả.