Văn hóa – Di sản

Nguyễn Trọng Hợp – nhà thơ đi sứ tây

Tạ Ngọc Liễn 20/11/2023 16:06

Thơ của các sứ thần nước ta sáng tác khi đi sứ phương Bắc từ thời Lê tới thời Nguyễn để lại rất nhiều, nhưng thơ đi sứ Tây dường như khá hiếm. Tập Tây phù thi thảo của Phạm Phú Thứ (1820 - 1880) viết thời gian ông làm Phó sứ trong phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp năm 1863 và tập Tây tra thi thảo của Nguyễn Trọng Hợp là hai tập còn lại trong số ít ỏi ấy.

nguyen-trong-hop.jpg
Danh nhân Nguyên Trọng Hợp.

Cả hai tập thơ này đều có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử tiếp xúc, giao lưu giữa người Việt Nam và Pháp, nói rộng hơn là giữa hai nền văn minh Á - Âu hồi cuối thế kỷ XIX.

Nguyễn Trọng Hợp hiệu là Kim Giang, người làng Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Nội, sinh năm 1834, đỗ Tiến sĩ năm 1865, làm quan dưới các triều Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, tới chức Văn minh điện đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần, Kinh lược sứ Bắc Kỳ, Thượng thư Bộ Lại... Ông mất ngày 29 tháng 4 năm 1902, thọ 69 tuổi. Nguyễn Trọng Hợp là người trước thuật nhiều, tác phẩm để lại, về sử có Đại Nam thực lục, Đệ tứ kỷ, Minh Mệnh chính yếu; về văn có Kim Giang văn tập, Kim Giang thi tập, Tây tra thi0 thảo...

Tây tra thi thảo nghĩa là Thơ đi sứ Tây. Năm 1894, Nguyễn Trọng Hợp làm Chánh sứ sang Pháp và Tây tra thi thảo đã được ông sáng tác trong chuyến đi sứ này. Về nước, năm 1895, Nguyễn Trọng Hợp cho in Thơ đi sứ Tây tại kinh đô Huế, do nhà thơ, nhà lý luận văn học tài hoa Tuy Lý vương Miên Trinh (con thứ 11 Minh Mệnh) đề tựa. Đánh giá Tây tra thi thảo, Tuy Lý vương cho rằng ở đây có nhiều vẻ mới lạ, từ lối hành văn đến cách tả việc, tả hình, tả cảnh, núi sông, thành quách... trong thơ Đường, Tống, Nguyên, Minh cũng chưa từng có.

Thơ đi sứ xưa là thơ vịnh cảnh, tả tình. Từ Việt Nam sang Trung Quốc, tất cả các đoàn sứ thần đều đi theo đường Quảng Tây. Họ xuất phát từ kinh đô Thăng Long - Hà Nội qua các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn rồi trấn Nam Quan và tiến vào Trung Quốc. Để tới Yên Kinh (Bắc Kinh) sứ đoàn Việt Nam phải đi qua nhiều nơi như Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, phủ Trường An, Vũ Xương, Hán Khẩu, thành Nam Kinh, phủ Hoài An, phủ Thái Bình... Những địa danh trên cùng những thắng tích như Nhạc Dương lâu, Hoàng Hạc lâu..., không sứ trình thi tập nào không nói tới. Nó đã trở nên khá quen thuộc. Ngược lại, con đường đi sứ sang “Tây dương” hoàn toàn khác lạ. Sứ bộ Nguyễn Trọng Hợp khởi hành từ Cần Hải, một cửa bể Nam Bộ, giong buồm vượt sóng qua Tân Gia Ba, Tích Lan, Ấn Độ Dương, E-ti-ô-pia, Y-ê-men, Hồng Hải, Địa Trung Hải... Một buổi sớm đứng trên lầu thuyền ngắm mặt trời mọc, Nguyễn Trọng Hợp đã làm bài thơ Thuyền lâu thượng quan nhật xuất:

Ngũ dạ thiên kê xướng,

Phù tang đại hải đông.

Sa kinh vân khí lạn,

Hốt dũng thủy tâm hồng.

(Canh năm gà gáy vang,

Phía đông biển lớn Phù Tang.

Mây thoắt tan khí trời tỏa sáng,

Nước bỗng vọt lên giữa một vầng hồng)

Cái cảnh huy hoàng của một buổi sáng trên biển cả như vậy thật không thể tìm thấy trong thơ đi sứ phương Bắc. Nguyễn Trọng Hợp tới Paris vào mùa xuân, khoảng tháng 4 dương lịch, và trong thời gian lưu tại đây, ông sáng tác 36 bài thơ vịnh kinh thành Paris. Vào thập niên cuối thế kỷ XIX, Paris đã là một thủ đô tráng lệ, được Nguyễn Trọng Hợp vẽ lại thành bức tranh toàn cảnh với những nét nổi bật nhất:

Thành khuyết tham sai ý bích tiêu,

Ngân lưu nhất đới thủy thiều thiều.

Kỳ đa du thưởng tăng hào khí,

Dạ dạ đăng quang trấp tứ kiều.

(Kỳ nhị)

(Thành quách chen nhau nhấp nhô cao ngất trời xanh,

Nước sông như dải bạc lấp lánh chảy xa xuôi.

Bao du khách tới đây thăm viếng làm tăng thêm hào khí,

Đêm đêm ánh đèn rực sáng trên hai mươi bốn chiếc cầu)

Ở Paris có bao nhiêu điều hấp dẫn Nguyễn Trọng Hợp, gợi hứng thơ ông, và ngọn bút vịnh cảnh của ông Nghè làng Lũ đã tìm được những thi liệu mới không có trong thơ Đường, thơ Tống. Đó là tháp Ép-phen, đài thiên văn, các viện bảo tàng, các công viên, thảo cầm viên... Những thứ hấp dẫn Nguyễn Trọng Hợp nhất có lẽ vẫn là thành tựu của kỹ thuật điện khí, đặc biệt là ngọn đèn điện. Cái ánh sáng điện kỳ diệu chan hòa đường phố Paris khi đêm xuống từng nhiều lần hòa vào thơ ông. Nhìn trăm ngàn ngọn điện nhấp nháy hai bên lầu gác chạy dọc phố mà Nguyễn Trọng Hợp phải thốt lên:

Hốt nghi tinh đẩu không trung lạc,

Vạn trản đăng quang bất dạ thiên.

(Cứ ngỡ muôn sao từ không trung rơi xuống,

Ánh đèn từ vạn cái chén tỏa ra khiến đêm hóa ngày)

Trong thơ Nguyễn Trọng Hợp, tính chất “kỷ sự” (ghi việc) là đặc điểm nổi bật. Tuy nhiên, đọc Tây tra thi thảo, chúng ta không chỉ thấy một người luôn luôn muốn tìm hiểu, quan sát, ghi chép mà còn gặp một tấm lòng ưu thời mẫn thế, một nỗi niềm không ít trăn trở. Nỗi niềm ấy, tấm lòng ấy được bộc lộ rõ ở bài thơ ông viết sau khi đọc thi tập của Trúc Đường, Giá Viên Phạm Phú Thứ (Độc giá viên thi tập cảm thành).

Thùy tòng đại địa trắc toàn cầu,

Tam thập niên lai lịch bắc ưu.

Quế hải sứ tra chiêm Bắc Đẩu,

Trúc Đường thi thảo ký Tây phù.

Thần nan hàn mặc ưng đồng khái,

Tài bạc nham lang quý viễn du.

Thanh lậu minh đăng tân quán dạ,

Trầm ngâm phủ quyền độc du du.

(Ai đi khắp trái đất để đo cả địa cầu,

Ba mươi năm qua trải bao nỗi lo buồn.

Đi sứ nơi biển nam ngẩng trông sao Bắc Đẩu,

Tập thơ của Trúc Đường ghi việc sang Tây Dương.

Thời gian nan người văn nhân nên cùng thương nhau,

Tài mỏng, bên hang dốc thẹn chuyện mưu tính xa.

Đêm nơi quán khách ngọn đèn tỏ, giọt nước trong thầm rơi,

Trầm ngâm cầm quyển sách một mình lòng vời vợi)

Nguyễn Trọng Hợp là sử gia, một trong những tổng tài của bộ Đại Nam thực lục đồ sộ. Đọc Tây tra thi thảo, chúng ta thấy ở đây có dấu ấn sử bút, thể hiện rõ qua những lời tiểu chú dưới mỗi bài thơ. Chính những tiểu chú này cung cấp cho độc giả ngày nay nhiều thông tin bổ ích về con đường biển từ Việt Nam sang Pháp hồi cuối thế kỷ XIX. Trên hải trình muôn dặm, khi thuyền chở sứ bộ Việt Nam qua nơi nào, ghé đỗ ở đâu, Nguyễn Trọng Hợp đều hỏi han tỉ mỉ vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu, phong tục tập quán những nơi đó rồi ghi lại chính xác. Thí dụ khi đến cảng A-diên thuộc nước cộng hòa Y-ê-men, Nguyễn Trọng Hợp có làm bài thơ vịnh A-diên với lời tiểu chú sau: “Núi A-diên thế cao đột ngột, hiểm dữ, đất đỏ, không có cây cối, là cửa chắn của Hồng Hải. Thuyền bè qua lại Ấn Độ tất phải theo con đường này. Người Anh ở chỗ cao trên núi, xây dựng pháo đài, ngang núi lại khoét đường để đi. Trong đồn binh trấn giữ có hai ngàn tên lính. Khí hậu chỗ này nóng, hai ba năm mới mưa một lần. Người Anh ở các núi đào ao khúc khuỷu, lợi dụng hang làm giếng. Gặp trời mưa, chứa nước trong hang, dùng gầu múc lấy nước ăn uống, tắm giặt, vất vả như vậy…”.

Nguyễn Trọng Hợp sống trong một giai đoạn lịch sử bi tráng, đầy thử thách của dân tộc; ở đó cuộn xoáy lên những cơn lốc tư tưởng ngược chiều nhau chủ chiến và hòa, bảo thủ và canh tân... Tuy không nằm trong dòng canh tân mạnh mẽ của Nguyễn Trượng Tộ, Nguyễn Lộ Trạch..., song Nguyễn Trọng Hợp là nhân vật có khuynh hướng muốn học hỏi kỹ thuật phương Tây, muốn mở rộng tầm mắt ra bên ngoài. Tây tra thi thảo là tập thơ ít nhiều phản ánh được khuynh hướng ấy./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Trọng Hợp – nhà thơ đi sứ tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO