Văn hóa – Di sản

Nguyễn Phi Khanh – nhà thơ trữ tình, nhân đạo

Tạ Ngọc Liễn 05/12/2023 15:13

Trong văn học thời Trần - Hồ, Nguyễn Phi Khanh là tác giả xuất sắc đại diện cho dòng thơ trữ tình và nhân đạo, nói nhiều đến nhân dân với tấm lòng ưu ái nhất. Nguyễn Phi Khanh sinh khoảng năm 1355 và mất vào khoảng năm 1428. Về năm sinh, năm mất của Nguyễn Phi Khanh, nhiều sách, báo ghi không thống nhất. Thí dụ, có sách cho rằng ông sinh năm 1336 và mất năm 1408. Ở đây chúng tôi theo Thơ văn Lý – Trần (Tập III, 1978).

Ông tên thật là Ứng Long, hiệu Nhị Khê, dòng dõi Nguyễn Bặc thời Đinh. Tổ tiên xa xưa của ông ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn, trấn Kinh Bắc, sau dời cư về xã Nhị Khê, nay thuộc Thường Tín, Hà Nội.

Nguyễn Phi Khanh lấy con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là bà Trần Thị Thái. Nguyễn Trãi là một trong số các con của ông, bà. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Dần (1374), triều Trần Duệ Tông nhưng không được bổ dụng làm quan. Khi nhà Hồ lên, Nguyễn Ứng Long đổi tên thành Nguyễn Phi Khanh, được Hồ Quí Ly dùng làm Học sĩ ở Viện Hàn lâm kiêm chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, rồi thăng Trung thư thị lang. Năm 1407, cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ thất bại, Nguyễn Phi Khanh cùng nhiều người khác bị bắt đưa về Trung Quốc. Theo gia phả họ Nguyễn ở Nhị Khê thì Nguyễn Phi Khanh mất tại Trung Quốc, thọ 73 tuổi.

Tác phẩm của Nguyễn Phi Khanh, ngoài Nhị Khê thi tập (đã mất), Nguyễn Phi Khanh thì văn (do Dương Bá Cung sưu tập, in trong Ức Trai thi tập) còn có Thanh Hư động ký (Bài ký động Thanh Hư) viết năm 1384, ca ngợi Trần Nguyên Đán, là áng văn rất nổi tiếng trong văn học sử Việt Nam.

nguyen-phi-khanh.jpg
Tranh minh họa Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt giải.

Đọc hơn 70 bài thơ hiện còn của Nguyễn Phi Khanh, viết từ khi còn trẻ đến lúc “cảnh già” đã “xồng xộc tới”, thấy thơ ông phản ánh khá rõ hoàn cảnh xã hội đương thời đầy biến động, loạn lạc, dân tình khổ sở vì phải chạy giặc (loạn Dương Nhật Lễ, giặc Chiêm Thành vào cướp phá), vì thiên tai, mất mùa... Đồng thời thơ Nguyễn Phi Khanh cũng ghi lại khá chân thực số phận vất vả, lận đận của ông, một người có đức, có tài, song vào thời kỳ đang sung sức nhất thì không được trọng dụng; khi được dùng, được có điều kiện mang tài năng giúp đời thì tuổi đã già và vương triều ông phục vụ bị tan vỡ, cả vua, tôi đều bị bắt lưu đày biệt xứ.

Trong các nhà thơ thời Trần - Hồ, Nguyễn Phi Khanh có lẽ là người đã thể hiện được trong thơ cái tôi trữ tình một cách sâu sắc, day dứt nhất.

Đó là nỗi đau của một trái tim bất lực giữa cuộc đời tao loạn, không ổn định, mà ở đấy nhà thơ chỉ là người lữ khách phiêu bạt với bao nỗi buồn về “thế đạo”.

Khách hoài ủng chẩm khi miên hậu,

Tâm sự phần hương ngột tọa trung.

Đình ngoại tảo sầu khan lạc diệp,

Thiên biên sái lệ số chinh hồng.

Tạm dịch thơ:

Khách buồn tỉnh giấc nằm ôm gối,

Lòng nghĩ, ngồi im đốt nén hương.

Sân trước quét sầu trông lá rụng,

Bên trời lệ nhỏ đếm chim hồng...

(Cảm xúc buổi sớm thu)

Bên cạnh những dòng thơ giãi bầy nỗi buồn tâm thế, Nguyễn Phi Khanh đã dành nhiều tình cảm thắm thiết để viết về bạn bè, về quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, người bố vợ có ảnh hưởng rất lớn đối với tư tưởng, tình cảm của ông và nhất là viết về nhân dân lao động, tầng lớp cùng khổ của xã hội mà ông thường có dịp sống gần gũi với tất cả sự cảm thông, sự chia sẻ, thấu hiểu đến ngọn nguồn những bất hạnh họ phải chịu đựng.

Đạo huề thiên lý xích như thiêu,

Điền dã hưu ta ý bất liệu.

Hậu thổ sơn hà phương địch địch,

Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều.

Lại tư võng cổ hồn đa kiệt,

Dân mệnh cao chỉ bán dĩ tiêu.

Hảo bả tân thi đương tấu độc,

Chi kim ngoại bệnh vị năng triều.

(Ruộng lúa nghìn dặm đỏ như lửa cháy,

Khắp đồng quê tiếng kêu than không biết dựa vào đâu.

Núi sông của thần đất khô nứt nẻ,

Mưa móc của trời còn xa lắc.

Lưới tham quan lại vơ vét cạn kiệt,

Sinh mạng dân như dầu mỡ tiêu hao một nửa.

Xin đem bài thơ mới làm thay tờ tâu trình,

Hiện giờ vì đang mắc bệnh không thể nào hầu được)

(Nỗi xúc động vì việc ở quê, xin gửi trình Băng Hồ tướng công)

Và Nguyễn Phi Khanh cũng biểu lộ nỗi thương cảm vô hạn đối với những người nghèo khổ mà ông xem như ruột thịt:

Liên cừ vạn tính giai ngô dữ,

Tị ốc thùy gia diện diện hàn.

(Xót thương cho muôn dân đều là đồng bào của ta,

Trong các mái nhà ai chen chúc kia khuôn mặt nào cũng cóng lạnh)

(Đáp lại vận thơ Xuân rét của Thái học sinh Đạo Khê)

Nguyễn Phi Khanh là nhà thơ sử dụng điêu luyện thể thơ Đường luật với phong cách của một đại gia. Những câu thơ đầy phong vị Đường thi như:

Hứng khứ dục lai tăng viện túc,

Hôn chung thôi nguyệt quải phong tiền.

(Hứng hết muốn vào tăng viện ngủ,

Chuông chiều trước núi giục trăng treo)

(Chơi Côn sơn)

gặp rất nhiều trong thơ Nguyễn Phi Khanh.

Nguyễn Phi Khanh thường hay nhắc tới Đào Tiềm, Tạ Linh Vận, Lý Bạch, nhưng hình như Đỗ Phủ là nhà thơ Nguyễn Phi Khanh yêu thích và chịu ảnh hưởng đậm đà hơn cả. Tuy nhiên, nhà thơ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với Nguyễn Phi Khanh, về cả tư tưởng lẫn thái độ nhân sinh, vẫn là Trần Nguyên Đán. Và Nguyễn Phi Khanh lại là thi gia để một dấu ấn rất rõ nơi tâm hồn Nguyễn Trãi con ông./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Nguyễn Vạn Hạnh – nhà trính trị, thiền sư, thi sĩ
    Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018) gốc họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), thuộc thế hệ thứ mười hai dòng Thiền Nam phương Tì Ni Đa Lưu Chi. Ông học thông tam giáo (Nho - Phật - Đạo), từng gắn bó với triều vua Lê Đại hành, trải qua thời Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều rồi đến Lý Thái Tổ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Phi Khanh – nhà thơ trữ tình, nhân đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO