Đời sống văn hóa

Người nước ngoài ăn Tết Việt

Nhà văn Di Li thực hiện 11/02/2024 07:21

Tết Nguyên Đán là ngày Tết cổ truyền lớn nhất trong một năm của người Việt, là dịp để mọi người cùng chung vui và chia sẻ khoảnh khắc đoàn viên. Với những người nước ngoài từng gắn bó và ăn Tết ở Việt Nam, Tết Việt cũng đã để lại trong họ nhiều dấu ấn. Cùng Người Hà Nội lắng nghe những chia sẻ của một số người nước ngoài tại Việt Nam về những kỷ niệm và dấu ấn đó.

Ngài Shovgi Mehdizade - Đại sứ Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam

Năm 2024 là năm thứ hai tôi đón Tết ở Việt Nam. Mặc dù khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Azerbaijan không gần, nhưng hai nước vẫn có nhiều điểm tương đồng về giá trị, truyền thống và thậm chí cả ngày lễ. Đối với tôi, kỳ nghỉ Tết tại Việt Nam mang lại cảm giác quen thuộc như đang ở quê hương mình cùng kỳ nghỉ Novruz - kỳ nghỉ năm mới vào tháng Ba. Vào dịp lễ Novruz, các gia đình sẽ tới thăm những người cao tuổi, sau đó đến mộ của người thân quá cố và cùng gia đình ăn một bữa thịnh soạn.

1j-hj-u.jpg
Ông Shovgi Mehdizade

Ở Việt Nam, Tết là một ngày lễ giàu truyền thống văn hóa, giá trị gia đình và kết nối xã hội. Với tất cả các nhà ngoại giao và người nước ngoài sống ở Việt Nam, đây là một dịp rất tốt để tìm hiểu, thấu hiểu và yêu thích truyền thống văn hóa Việt. Trong kỳ nghỉ Tết, tôi thích được ở bên những người bạn Việt Nam và đến thăm gia đình họ. Ngoài ra, tôi cũng rất thích tìm hiểu thêm về văn hóa, truyền thống cũng như thưởng thức những món ăn tuyệt vời của ẩm thực Việt.
Kỷ niệm lớn nhất đối với tôi ở lần đón Tết tại Việt Nam trong năm đầu tiên, là được tìm hiểu về ngày lễ tuyệt vời này, trải nghiệm âm nhạc, văn hóa truyền thống và ẩm thực. Tôi vẫn lưu giữ những ký ức về trải nghiệm thả cá xuống sông ở làng cổ Đường Lâm; nhớ mãi lần đầu tiên thưởng thức hương vị bánh chưng các đồng nghiệp ở Đại sứ quán tặng; nhớ cả món quà đặc biệt là cây đào nhỏ, mang lại không khí xuân ấm áp. Và niềm vui tuyệt vời nữa là được đi bộ dọc theo các con phố vào dịp Tết ở Hà Nội.

Năm nay chúng tôi sẽ đến thăm trẻ em của một trường tiểu học, được xây dựng với sự hỗ trợ của Quỹ Heydar Aliyev tại một ngôi làng ở tỉnh Hà Giang. Chúng tôi luôn cảm thấy rất hạnh phúc khi đến thăm các em, đặc biệt là vào dịp Tết. Trẻ em là tương lai đất nước và chúng ta phải làm mọi thứ để phát triển chúng thành những công dân mạnh mẽ.

Anh G. Naik (Ấn Độ) - Giám đốc kinh doanh toàn cầu tập toàn B Fouress Private Limited

Tôi đã sống ở Việt Nam 15 năm và trải qua 15 cái Tết ở nơi đây. Tết Việt là một dịp vô cùng đặc biệt với không khí “độc nhất vô nhị” mà tôi chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới. Đối với những người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam thì đây là thời điểm tốt nhất để trải nghiệm các phong tục tập quán của người Việt. Tết là dịp vui nhất trong năm của người Việt. Tôi thực sự thích cách họ dành thời gian cho gia đình trong những ngày này và cùng nhau thực hiện các nghi thức truyền thống.

Vào ngày Tết, tôi thường đến trung tâm Hà Nội là hồ Hoàn Kiếm để được hòa mình vào không khí Tết. Công ty chúng tôi cũng học theo các nghi thức truyền thống như chọn ngày, giờ hoàng đạo để mở cửa văn phòng đầu năm mới, rồi tặng phong bao lì xì, đi thăm nhà các đồng nghiệp.

002gj-gj-.jpg
Anh G. Naik

15 năm trước, khi đón Tết lần đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh, tôi cũng hơi sốc vì nhớ nhà. Các đồng nghiệp tỉnh ngoài thì đã về quê ăn Tết với gia đình hết. Ngày đầu năm mọi cửa hàng đều đóng cửa, thành phố vắng vẻ. Thời điểm ấy, cũng giống như nhiều người nước ngoài khác, tôi thấy cô đơn vì không quen ai cả. Giờ, khi đã gắn bó với Việt Nam được 15 năm, tôi thích Tết như người Việt vậy và Tết Việt cũng thành nghỉ lễ của tôi rồi.

Giảng viên - ca sĩ Alvir Anthony Subrado (Philippines)

Tôi đã sống ở Việt Nam 9 năm, và dù không phải năm nào cũng ở lại để ăn Tết nhưng tôi đã đón được 6 cái Tết ở đây. Tôi thích cảm giác đường phố luôn tĩnh mịch vào những ngày này vì mọi người đều đã về quê đoàn tụ với gia đình. Mỗi ngày Tết lại mang đến cho tôi những trải nghiệm phong phú, tuyệt vời với nhiều giá trị văn hóa, đồ ăn ngon và khoảnh khắc sum vầy cùng gia đình và bạn bè. Một số gia đình Việt thường mời tôi đến ăn Tết cùng. Tôi thực may mắn khi được thưởng thức đủ mọi đồ ăn truyền thống khác nhau, đặc biệt là bánh chưng và tham gia vào các lễ hội. Mỗi lần như vậy tôi đều cảm thấy cực kỳ phấn khích vì có thể trải nghiệm văn hóa Tết mà ở Philippines không có.

3ghmhjm.jpg
Giảng viên - ca sĩ Alvir Anthony

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất về Tết Việt của tôi là được cùng gói bánh chưng với gia đình chủ nhà mà tôi ở. Mọi người cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh. Tiếng cười nói rôm rả không ngừng. Mùi bánh đang luộc cứ phảng phất khiến căn nhà trở nên vô cùng ấm cúng và ai ai cũng “phát thèm” được ăn bánh. Khi mọi người quây quần cùng nhau thưởng thức miếng bánh chưng ngon lành ấy, tôi cảm thấy một sợi dây kết nối sâu sắc giữa mảnh đất này với gia đình và quê hương tôi.

Đạo diễn Aaron Toronto (Mỹ)

4.jpg
Đạo diễn Aaron Toronto

Từ nhỏ, tôi rất thích trải nghiệm những phong tục tập quán của các nước trên thế giới. Tôi cũng đã có cơ hội này khi từng sống ở nhiều nước khác nhau và đặc biệt là ở Việt Nam. Cho đến nay, tôi đã đón 20 cái Tết ở Việt Nam. Cũng bởi thế, Tết Việt đã trở nên quen thuộc với tôi tới mức tôi không coi nó như là văn hóa khác nữa, mà là văn hóa của mình. Tuy nhiên, tôi mới chỉ đón Tết ở thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây, chứ chưa được trải nghiệm không khí Tết ở ngoài Bắc.

Mỗi năm khi Tết đến, tôi có nhiều thời gian hơn để đi chơi với bạn bè và gia đình. Điều đẹp nhất về Tết là có thời gian ở bên cạnh những người thân yêu. Quanh năm lúc nào tôi cũng bận rộn, không bao giờ dành đủ thời gian cho gia đình. Và những ngày Tết là dịp để chúng ta sống chậm lại và nhớ tới những người có ý nghĩa nhất, nhờ đó cuộc sống sẽ trọn vẹn hơn. Từng có bộ phim mà tôi định đưa không khí Tết vào đó, thậm chí phim đó lẽ ra là đứa con tinh thần đầu tiên của tôi. Nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội để sản xuất bộ phim này. Và nếu bộ phim sắp tới đây thành công thì rất có khả năng “Hái xuân” sẽ là phim thứ ba của tôi.

Nhà thơ Prava Samantaray (Ấn Độ)

005kh-hik-.i.jpg
Nhà thơ Prava Samantaray

Tôi mới được trải nghiệm Tết ở Việt Nam năm vừa rồi. Tôi thích không khí tràn ngập lễ hội và đoàn viên của ngày Tết. Lúc đó tôi được mời dạy ở Học viện Ngoại giao và sang Việt Nam đúng dịp Tết Nguyên Đán. Cả thành phố Hà Nội khi ấy rất vắng vẻ vì mọi người về quê ăn Tết với gia đình.

tham-quan-pho-hang-ma-ngay-giap-tet-vu-thi-thuy-ha.jpg

Khi quan sát ngày Tết Việt, tôi đặc biệt thích truyền thống đoàn tụ cùng gia đình trong ngày Tết. Người Việt yêu cội rễ của mình, yêu truyền thống và văn hóa dân tộc như người Ấn chúng tôi vậy. Điều này khiến tôi vô cùng ấn tượng. Lúc còn ở quê nhà, vì làm ở thành phố khác nên tôi thường xuyên phải bắt xe hàng trăm cây số về gặp bố mẹ. Nhiều người Việt cũng như vậy. Suốt những ngày Tết, không khí yêu thương, đầm ấm trong các gia đình khiến tôi rất nhớ nhà. Đặc biệt là khi gia chủ bày lên mâm những món ăn truyền thống càng làm cho tôi nhớ da diết những món ăn mẹ nấu.

Đường phố vắng vào ngày Tết cũng khiến tôi hơi lo lắng. Tuy nhiên, sau đó, một đồng nghiệp của tôi từ quê lên đã đón tôi về nhà anh ấy để cùng ăn bữa tối ngày Tết. Có lẽ bữa tối ấy là kỷ niệm vui nhất của tôi về ngày Tết ở Việt Nam./.

Bài liên quan
  • "Khoác áo mới" cho nhạc cụ truyền thống
    Tối ngày 20/1, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra chương trình hòa nhạc “TRAIECT IV VietNam”. Chương trình thuộc chuỗi dự án quốc tế “TRAIECT” (Traditional Asian Instruments and Electronics) của Hiệp hội Nhạc mới Hanover (HGNM) với sự hợp tác của Đại học Âm nhạc, Kịch nghệ và Truyền thông Hanover và được thực hiện bởi Quỹ Văn hóa Liên bang, Quỹ Lower Saxony và thành phố Hanover, Đức.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Huyện Chương Mỹ: Chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển
    Với quyết tâm cao, bám sát chủ đề công tác năm 2025 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị số 39-CT/HU của Huyện ủy, quý I năm 2025, huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) đã đạt được những kết quả nổi bật, trong đó có công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06.
  • "Nhượng quyền thông minh – Thành công bứt phá"
    Vừa qua, tại Hà Nội, Công ty TNHH TMDV Viên An Group (VAG), đơn vị độc quyền thương hiệu Yi He Tang tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố chính sách nhượng quyền Yi He Tang Việt Nam năm 2025 với chủ đề Nhượng quyền thông minh – Thành công bứt phá.
Đừng bỏ lỡ
Người nước ngoài ăn Tết Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO