Người dệt văn trên cánh sóng
Sau tập tản văn “Tháng Mười bẻ nắng sau lưng chiều” (Nxb Văn học, 2020) vào tháng 9 này, tác giả Hồ Huy lại tiếp tục ra mắt bạn đọc tập tản văn "Thấp thoáng đời nhau". Theo nhà văn Lê Minh, quản trị viên của diễn đàn Tản Văn Hay đồng thời là bạn văn tri kỷ của tác giả thì “Thấp thoáng đời nhau” của Hồ Huy chính là sự lựa chọn sáng suốt của những người yêu thích tản văn. Còn tôi, khi thao thức với những trang văn của anh, tôi lại hình dung anh như người dệt văn trên cánh sóng.
Sở dĩ tôi gọi Hồ Huy là người dệt văn trên từng cánh sóng vì đặc thù nghề nghiệp của anh, có lẽ anh lênh đênh trên biển nhiều hơn đất liền. Công việc cũng đưa anh đến nhiều vùng đất khác nhau, thấp thoáng những địa danh trong nhiều tác phẩm. Điều này tạo nên điểm đặc biệt cho tản văn Hồ Huy. Có thể anh không viết cho tất cả những nơi anh đến nhưng mỗi bài của anh đều đưa độc giả du hành đến những vùng đất lạ. Nếu nói đây là một tập hồi ký chắc cũng không sai. Chỉ khác là những mảnh ký ức với ngôn từ của Hồ Huy bỗng trở thành những giai điệu, những hình ảnh mà khi chúng ta chạm vào, chúng như từng thước phim 3D rất chân thực.
Những vùng đất lạ với bao nhiêu cảm xúc và nghĩ suy. Hồ Huy đã kết nối các chuyến đi, các điểm đến và con người thành quan điểm sống với một lối tư duy thật sự sâu sắc. Có thể bạn sẽ thấy thật kỳ lạ với một Hồ Huy vừa gặp đã "chào em yêu!" trong "Cô gái Penang", tên một hòn đảo của Malaysia. Nhưng bên trong đó là những đau đáu về nỗi sợ hãi, nỗi day dứt, không cam tâm với những lầm than nơi xứ người, mở lòng với một câu chào thôi cũng khó. Hay như trong "Đi tìm nụ cười Angkor", ta lại thấy một Campuchia huyền bí với những ngôi đền, với những "nụ cười xứ sở". Để rồi anh tự nhận ra, nụ cười như thế nào là do chúng ta nhìn thấy từ tâm mình: "Khi tôi tin tưởng thì nụ cười đó sẽ là thân thiện, khi tôi hoài nghi thì nụ cười đó sẽ là trắc trở và khi tôi không đủ dũng khí, can đảm thì nụ cười đó sẽ là đớn hèn".
Ở mỗi vùng đất Hồ Huy đi qua, anh đều mang đến cho người đọc những trải nghiệm văn hóa rất thú vị. Nói vui chứ chỉ cần đọc tản văn của Hồ Huy là như được chu du qua nhiều địa danh như chương trình “Ký sự hỏa xa” trên HTV. Mà nói chi xa vời, ngay cả trên đất nước Việt Nam, tản văn của Hồ Huy cũng đưa ta đến những núi rừng, những biển khơi, cao nguyên lừng lững. “Những tiếng chim thiêng” trên đèo Ô Quy Hồ, ta được thấy “Tây Bắc như con trăn hoa khổng lồ gồng mình lên uốn vặn những con đèo hun hút, nuốt lặng đám thời gian…”. Tôi thích cụm từ “nuốt lặng đám thời gian”, còn gì có thể sâu hơn, cao hơn, hun hút và thăm thẳm hơn thế nữa. Ta có thể mường tượng một Hồ Huy vừa đi vừa hát, “Ô Quy Hồ ơ Ô Quy Hồ”, hát cho một mối tình ngàn đời trong truyền thuyết, tiếng hát hòa với tiếng chim “đã trở thành âm thanh gan ruột đời đời với con đèo trác tuyệt”.
Hồ Huy viết nhiều về các dân tộc miền núi. Ta có thể kể ra một loạt bài như: “Cô gái Chư Đang Gia”, “Chuyện tình Cơ Tu”, “Cô gái dã quỳ”, “Đôi môi Tây Nguyên”, “Một mai Tà Xùa”, “Tây Bắc ư”, “Mùa thu gấm vóc mọi nẻo đường”, “Sủng Là man dại khèn Mông” và “Mường Lống vàng hoa”. Viết nhiều như thế vì có lẽ anh tìm thấy những điểm tương đồng trong tính cách chăng? Đó là tính giản dị, tính trầm mặc, đôi lúc có phần hoang dã. Ở đây theo tôi là có một nghịch lý nhưng tôi nghĩ cũng có người sẽ nhận ra. Ẩn sau những ngôn từ bay bổng trong tản văn là một Hồ Huy không thích nói quá nhiều, những việc anh làm sẽ là câu trả lời cho tất cả. Cũng giống như “cái bụng”, “cái dạ” thật thà và sự thủy chung của người dân tộc thiểu số. Cũng giống như sự hoang dại nhưng vô cùng lãng mạn, tình cảm của anh đối với núi rừng thể hiện thẳm sâu trong từng con chữ: “Nhìn lên phía trên kia cao nguyên đang bừng tỉnh, tôi cúi đầu mà cười, tôi ngoảnh mặt mà hiền, tôi se sắt mà yêu, tôi dùng dằng mà thương, tôi hối hả mà nhớ, tôi cũng thấy mình vàng dài vàng hoe. Này em cô gái dã quỳ!”.
Một điều tuyệt vời nữa cuốn hút tôi trong tản văn Hồ Huy chính là hình ảnh những người phụ nữ. Dù trong "Cô gái dã quỳ" hay "Phù sa đàn bà", hay như "Mắt biển", người phụ nữ và tình yêu của họ, luôn là biểu tượng bất biến trong lòng anh. Trong "Mắt biển", anh tâm niệm người phụ nữ như là ngọn hải đăng. "Khi tôi thấy loe lóe chớp, khi tôi thấy loe lóe sáng cũng là lúc tôi cảm nhận được ánh mắt của người vợ yêu thương". Nhiều tản văn của Hồ Huy khiến ta nhớ đến bà, một người bà với "Cơm nắm muối vừng" đã thành "Những người thiên cổ". Ta nhớ mẹ dẫu ta chưa từng nuôi đom đóm, nhưng hình ảnh người mẹ hốt hoảng khi phát hiện bên gối con trai những món đồ chơi kỳ lạ trong “Khóc một loài sâu” mới giống mẹ ta làm sao. Anh xúc động sâu sắc với những yêu thương, lo lắng tủn mủn đời thường của người phụ nữ. Anh tự răn mình đừng làm "Một đứa vô ơn”, chính vì thế mà anh nhớ mãi hình ảnh của cô giáo anh tận thời tiểu học.
Đã có nhiều người đề cập đến sự bay bổng trong tản văn Hồ Huy nên tôi thiết nghĩ nói nữa cũng thừa, vì đó là thương hiệu của anh. Bên cạnh đó phải công nhận rằng, đọc tản văn Hồ Huy được biết thêm rất nhiều từ vựng, những từ vựng đôi khi phải giải thích bằng vài trang giấy. Ngay trong các cái tựa như “Ngoảnh mặt mà trăng” hay “Phù sa đàn bà”. Đàn bà làm gì có phù sa nhỉ nhưng mà lại rất “phù sa”. Đó là sữa thơm, đó là tình mẹ, đó là những hy sinh thầm lặng, đó là mạch nguồn sự sống nuôi dưỡng yêu thương như phù sa đã bao đời vun bồi cho đất.
“Thấp thoáng đời nhau” với 28 bài viết là các cung bậc khác nhau của cảm xúc và trải nghiệm mà Hồ Huy đã thổi hồn vào, tạo nên một ấn phẩm tuyệt vời cho thể loại tản văn. Còn gì tuyệt vời hơn khi các bạn tự mình đọc và cảm nhận để rồi yêu thêm những cung đường, yêu thêm những kỷ niệm xưa, yêu thêm những người sống ở quanh ta, để thấy thật tuyệt vời khi “có những thấp thoáng trong đời nhau ấp ủ”./.