Người câu gió - bài thơ đượm ánh thiền

TSKH NGUYỄN THÀNH HƯỞNG| 24/11/2021 09:44

Có lẽ bắt nguồn từ sự thôi thúc nội tâm về nhận thức vũ trụ và con người mà nhà thơ Hoàng Vũ Thuật muốn “truy vết” căn nguyên “lối đi/gương mặt của gió”. Khi đã xác quyết như thế, thi sĩ đã “nhẫn nại ngồi câu trên đồi”. “Người câu gió” là bài thơ đầy ẩn dụ đượm màu thiền định qua các hình ảnh “sợi dây mảnh mai/ những con diều làm mồi với đôi cánh mỏng” cũng như sự vô thường, vô ngã qua “gió thổi căng phồng/ túi càn khôn rỗng rễnh”.

Hãy đọc:

NGƯỜI CÂU GIÓ

Không ai nhận ra lối đi của gió

không ai nhận ra gương mặt gió

anh nhẫn nại ngồi câu trên đồi

sợi dây mảnh mai

những con diều làm mồi với đôi cánh mỏng

gió và gió thổi căng phồng

túi càn khôn kè kè bên hông rỗng rễnh

một ngày câu hai bàn tay trắng trở về

một đời câu tóc xanh hóa thành tóc trắng

lịch trình gió buốt chưa thôi

gió vô hồi ngàn sau chưa hết

có nhận ra ta trong hữu hạn kiếp người.

HVT – 19.3.2021

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

Người câu gió - bài thơ đượm ánh thiền
TSKH Nguyễn Thành Hưởng

Bài thơ hay, như một nhân duyên để nhớ đến đoạn đàm đạo trứ danh trong “Na tiên vấn đáp” giữa Tì-kheo Na-Tiên và vua Di-Lan để thấy biết cái vô sở trú, đại ý: Thưa đại vương, như gió kía đại vương có thể thấy chăng? có thể sờ, có thể nắm bắt chăng? tất nhiên là không, và đại vương có nói vì thế mà không có gió chăng? Thưa, đại vương có thấy lá phướn đang bay, ngọn cây đang lay, thấy thân mình được mát? Từ đó mà đại vương biết là có gió vậy.

Ở đây, để nhận biết và “câu” được gió, thi nhân đã lấy “những con diều làm mồi với đôi cánh mỏng”. Thiện xảo của hình tượng nghệ thuật ước dụ làm thấy được cái không thấy và hàm chứa nhiều thức nghĩa. Cánh diều càng mỏng, dây diều càng mảnh tựa hồ cho tâm nhạy bén, cho thi cảm phiêu bồng, thì càng dễ “câu” được gió; càng bền chắc tựa như sự định tâm càng cao thì càng “câu” được gió to của giông bão cuộc thế.

“Gió và gió

thổi căng phồng”

Là một cảm nhận từ “tưởng” đến “thọ”, từ trong ý niệm mà có thể sờ nắm bằng thi ngôn. Mà gió đâu chỉ ở đất trời. Phong đại sắc tướng và gió nội tâm chúng sinh mới thật là thâm diệu, là cái đưa đến và cũng là cái hiển bày cho sắc thân con người và chúng sinh. Gió, cái chất liệu không thể thiếu vắng trong đất-nước-gió-lửa tứ đại tạo nên sắc danh con người vẫn đang ngày đêm mải miết trong chúng ta. Gió đang tạo dựng sự sống và cho ta thấy được sự sinh diệt đang trùng trùng diễn bày. Một hơi thở vào, gió từ “càn khôn” đi vào trong ta, bão giông hay “rỗng rễnh” tuỳ ta.

“một ngày câu

hai bàn tay trắng trở về”

Đúng vậy, câu gió được gió, mà gió thì đâu thủ nắm cất trữ được. Thật may vậy, nếu câu gió mà được thứ khác thì sao đây? chắc hẳn biết bao người sẽ ùa đi để câu, rồi tham muốn xuất hiện, tranh đoạt xảy ra,… ôi thôi, đủ thứ. Vậy nên “người câu gió” cứ vô tư ngày tháng mà câu trong tự tại cái vô cầu thế gian chẳng thèm muốn. Nhưng rồi sự kỳ diệu lại xảy ra. Nếu “một ngày câu hai bàn tay trắng trở về” thì “một đời câu tóc xanh hoá thành tóc trắng”. Vẫn hai bàn tay trắng trở về chăng? Có đấy, nhận biết thực tại vô thường đã hiện diện khi tóc đời đã chuyển màu trong “lịch trình gió buốt chưa thôi”. Có điều, chuyến đời nào chẳng sóng gió, lịch trình nào chẳng gian nan, huống gì mong muốn đạt tới cảnh giới vô vi, bạn cùng trời đất, buông diều câu gió ngay giữa trần thế ta bà thì nào đâu có dễ. Thế nên cần “nhẫn nại’, cần kham nhẫn chịu đựng cái “buốt” gió thì cánh diều mới hoạt dụng cùng gió trời mà gửi lẽ huyền vi, nói lời thậm tế giữa người với gió, giữa gió với người mà cùng hòa đồng thể nhập vô khứ vô lai đến nơi bất nhị. Thế nên đổi cả thời thọ, quên cả lạc thú, mặc cho thời gian cứ trôi, “tóc xanh hoá thành tóc bạc” nhưng thi nhân và chúng ta sẽ chẳng “tay trắng trở về” đâu, một túi càn khôn đầy ắp gió đang “rỗng rễnh” reo ca cùng vô thường. Câu thơ tài hoa và đặc sắc bởi hai từ “rỗng rễnh”.

Ao ước cuộc đời và khao khát của nhân loại là nhận biết vũ trụ và nội tâm. Nhưng làm sao bắt được gió, tóm được hư không? có người từng dang tay những mong ôm trọn đất trời nhưng đâu có được. Xưa, có hai vị tiểu tăng bàn về hư không. Một vị đã thoạt tay nắm lấy hai lỗ mũi của vị kia kéo đi. Khi người kia bất ngờ bị đau đang bật kêu oai oái thì nghe vị tiểu tăng cười: “đó, hư không đang bị bắt, đang bị kéo đó”. Gió cũng vậy, lấy cánh diều mỏng và sợi dây mảnh để tìm, để câu lấy gió càn khôn. Lấy cảm nhận và quán chiếu mà thấy, mà quản gió tâm thức. Thiền gia vì thế đã kiên cường trong cuộc chiến sinh tử để thực hành phép điều thân, điều tức mà tìm, mà thấy, mà dụ dẫn, mà kiểm soát gió trong gió ngoài để hân hoan buông xả trong an vui tịnh lạc. Cái đốn ngộ xảy ra như thế, bởi các pháp là vô ngã và cuộc sống đều là những hiển thị của nhân duyên.

Sự sống nhờ vậy mà tương tục. Rồi một hơi thở ra, ta trả gió lại cho đất trời, khổ đau hay tiêu dao lại cũng do ta. Hết sinh đến diệt là vậy. Lấy cái hữu hạn để thức cảm cái vô hạn, lấy cái sắc để chỉ cái không cũng là thủ pháp diệu nghệ để tuệ ngôn cất tiếng, thi âm cất lời và để tâm vô vi biểu đạt vậy. Cả thơ và thiền cũng thế, là phương tiện cho tiếng lòng, cho quán thân và định tâm.

Câu thơ cuối thật chân thành, nỗi khắc khoải thật dễ cảm thông:

“gió vô hồi ngàn sau chưa hết 

có nhận ra ta trong hữu hạn kiếp người.”

Nếu thay “gió” bằng một nhân xưng, tựa như “em” hay “anh” thì có lẽ câu thơ sẽ thuộc về bài thơ tình nào đó, ưu sương, ướt lệ sầu bi vô vàn. Thi nhân buồn? Thi nhân tương tư? Tôi bột phát rằng:

Sầu như thể một sớm chưa thôi,

ta nhớ ta ngay phút giây này,

mắt mới nhìn đã nhuốm màu bước vội,

người kề bên mà sợ nẻo chia phôi

Nhưng câu thơ lại là câu kết cho “người câu gió” khi đã biết “gió vô hồi ngàn sau chưa hết”, cảm thương thay trong khi kiếp người là hữu hạn. Âu cũng là lời nói gan ruột thay cho cái suy tưởng chung của lớp lớp con người. Rằng, sau cái “hữu hạn kiếp người” kia thì ta sẽ về đâu, gặp được ai, gió nữa, gió hôm nay có nhận ra ta mai sau chăng? Điệp trùng câu hỏi dâng trào như thế. Nhưng gió đã sẵn có trong ta, ta đang trong trời đất cùng gió. Chỉ cần ta nhận biết là gió sẽ cất lời mà hiển diện.

Mong cho nhà thơ và cho chúng ta “câu” hết gió, thu thúc hết trần lao vào trong hồ lô “túi càn khôn kè kè bên hông”, đặng dứt hết cái nỗi nhớ niềm thương mà thi nhân trăn trở “có nhận ra ta trong hữu hạn kiếp người”. Hãy tin ngay từ cái tự sự tự vấn đó đã mang đến cái hi vọng để rồi trong cái “vô hồi ngàn sau” gió và người sẽ nhận ra nhau trong cùng tột thanh thới vô ưu.

Bình an cho nhân thế và hạnh phúc cho muôn loài.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay
    Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước.
  • “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”
    Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài viết với tiêu đề “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
  • Dấu ấn đời lính, dấu ấn cuộc đời
    Hiếm có người nào gần như dành trọn cả cuộc đời mình một cách can trường, quả cảm, làm nên một “biên niên sử” bằng thơ - cũng là “biên niên sử” cuộc đời như Nguyễn Văn Á.
  • "Vang mãi khúc khải hoàn" bản hùng ca bất khuất của dân tộc anh hùng
    Tối 27/4, cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã diễn ra hùng tráng, xúc động và tự hào tại ba điểm cầu Hà Nội, Quảng Trị và thành phố Hồ Chí Minh.
  • ​Gần 2.000 cơ hội việc làm tại ngày hội tư vấn, giao dịch việc làm quận Hoàn Kiếm
    Hà Nội đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ. Các phiên giao dịch việc làm và ngày hội tuyển dụng được tổ chức liên tục, mở ra hàng nghìn cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn, góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển bền vững.
Đừng bỏ lỡ
Người câu gió - bài thơ đượm ánh thiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO