Nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội

Hoàng Anh Sướng| 23/01/2023 15:24

Theo sử sách ghi lại thì hình thức uống trà khởi nguồn từ các chùa chiền mà chủ nhân của nó chính là các vị thiền sư nên được gọi là “thiền trà”.

04.jpg

Trà Hà Nội trong dòng chảy văn hóa dân tộc

Theo sử sách ghi lại thì hình thức uống trà khởi nguồn từ các chùa chiền mà chủ nhân của nó chính là các vị thiền sư nên được gọi là “thiền trà”. Kế đó, trà nhanh chóng được ưa chuộng trong đời sống cung đình như là một bằng chứng của sự giàu sang, quyền quý. Khi đó, trà khô phải là thứ trà đổi từ Trung Hoa về, rất đắt và hiếm. Về sau, trà chinh phục tầng lớp trung lưu mà phần lớn là giới nho sĩ. Tương truyền Bích Câu Quán là nơi đầu tiên các học trò theo học ở Văn Miếu thường uống trà, họp bàn văn chương.

Thú uống trà Tàu đầy vẻ cao sang của nhà quan cách đã thành một thứ nghệ thuật cầu kỳ. Bao giờ cũng phải đủ than hoa, hỏa lò, cấp siêu đồng, ấm đất, chén tống, chén quân, khay chạm khảm. Có cả đầy tớ đun nước và hầu trà. Mỗi sáng sớm khi bình minh vừa gõ cửa, dùng một tuần trà cho sảng khoái tinh thần, đưa tâm thức trở về thực tại là một nghi thức bất thành văn trong lối sống tự lúc nào.

Ở thế kỷ thứ XVIII, Phạm Đình Hồ đã tả lại cái không khí thưởng trà chốn kinh kỳ xưa trong “Vũ trung tùy bút”: “Các nhà quý tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một cái ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người qua chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy đến chục khác để mau chuốc lấy chè ngon. Lúc ngồi rỗi, pha chè uống với nhau, lại đánh cuộc xem chè đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá chè năm nay cao hay hạ. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên mà mua cho được chè ngon để bày khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn để mua cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tàu buôn để đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực”. Song cái thú vị của uống trà theo Phạm Đình Hổ là ở chỗ “cái tinh nó sạch sẽ, cái hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu nàng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục. Ấy người xưa ưa chuộng chè là vì vậy”.

Trước cách mạng tháng Tám, các hãng trà lớn ở Hà Nội như Chính Thái, Ninh Thái, Phú Xuân, Phú Thái... chế biến và buôn bán trà khắp Đông Dương. Trà ngon đựng trong chai thủy tinh, lọ sứ, hộp thiếc khoảng một lạng, bên ngoài còn có giấy bạc, giấy bóng kính. Sêu Tết, đồ mừng, quà tặng phải có thứ trà đó.

Thời gian trôi đi, thú uống trà trở nên giản dị hơn với kiểu uống bình dân, gọn nhẹ, nhanh và xuề xòa, gọi là cách uống chè tạp. Đến cách mạng tháng Tám, do những biến thiên của lịch sử, thú ẩm thủy này tuy vẫn duy trì song chỉ ở tầng lớp những người khá giả và có học thức. Qua những thời kỳ loạn lạc, cái thú thanh tao ấy vẫn tích tụ âm thầm để rồi sau đó, trà lại trở về nhờ hàng loạt những cửa hàng vừa bán chè khô, vừa là quán trà thơm ngon nổi tiếng như: Hàng Cô Dầu ở chợ Đồng Xuân, quán Nghệ Sỹ ở Đinh Tiên Hoàng, quán Thăng Long ở Hàng Gai, quán Dương Phi ở Cầu Gỗ, quán Bạch Ngọc sau đền Bà Triệu...

Hà Nội cũng chính là “chiếc nôi” sản sinh ra cách uống trà ướp hương hoa. Các loại hoa ướp trà phải là thứ hoa quý, thanh tao như hoa ngâu, hoa sói, hoa nhài, hoa sen, hoa cúc... Đặc biệt, trà ướp hương sen là thứ trà rất quý chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu. Mỗi cân trà mạn ngon ướp từ 1000 - 1200 bông sen Hồ Tây và phải là thứ sen chưa bóc cánh với độ hương cao nhất. Trà sen loại đặc biệt, giá lúc nào cũng ở mức 2 - 3 chỉ vàng một cân. Ở Hà Nội, hiện còn khoảng 5 - 6 gia đình làm loại trà này.

Một nghệ thuật công phu đầy cá tính

Với người Hà Nội, uống trà là một thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đó nhiều công phu. Những công phu đó, dần trở thành lễ nghi. Trong ấm trà ngon, người ta thấy phảng phất một mùi thơ và một vị triết lý. Các chân trà nhân từ xưa đã rất chú ý đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm giống như các thiền sư. Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung nhỏ, được gọi là “ngọc diệp hồi cung”. Để có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm nóng lên bằng nước sôi. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Khi châm nước lần một gọi là “cao sơn trường thủy” rồi chắt ngay ra. Lần thứ hai đổ nước vào ấm gọi là “hạ sơn nhập thủy” nên đổ nước cao, tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bụi trà tràn ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp để giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước hai là nước ngon nhất, có hương vị đượm đà, thơm tho níu quyến. Khi rót trà phải chuyên đều các chén sao cho nồng độ trà như nhau bằng cách kê khít miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng. (Cách phổ biến trong truyền thống là rót ra “chén tống” rồi chia đều ra các “chén quân”. Cách này ngày nay ít dùng vì phần làm nguội trà, phần hương trà phôi pha).

002.jpg

Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và cái đỡ miệng chén gọi là “tam long giá ngọc”. Người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu. Trước khi uống, đưa chén trà sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải “du sơn lâm thủy”. Khi uống, cầm chén trà quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén trà lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng nhấp nháp từng ngụm nhỏ nhẹ. Người uống cũng phải chậm rãi mím miệng nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và đồng thời đọng trong cổ họng, nuốt tí nước bọt lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận.

Ngoài cách uống trà trong gia đình, người Hà Nội xưa còn có các hình thức hội trà, uống trà thưởng hoa đầu năm.
Hội trà là hình thức tụ họp cùng thưởng trà khi có trà ngon hay dịp đặc biệt của các cụ.

Thưởng trà đầu xuân là thói quen của riêng các bậc tao nhân chốn kinh thành xưa. Trước Tết, đích thân các cụ đi chọn mua hoa đào, cúc, mai trắng, thủy tiên ở tận vườn, chuẩn bị loại trà ngon nhất. Sáng mồng một, con cháu dành riêng cho cụ những giây phút đầu tiên để tịnh tâm và ngắm hoa thưởng trà, sau đó mới là cả đại gia đình cùng ngồi quanh bàn trà.

Uống trà thưởng hoa quý như hoa quỳnh, hoa trà cũng là cái thú của nhiều người Tràng An. Đó cũng là hình thức hội trà quanh chậu hoa quý vào tối hoa mãn khai của những người cao tuổi, đàm đạo thế sự, văn chương và dặn dò lớp con cháu.

01.jpg

Nhà văn Nguyễn Tuân sinh thời có nói: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà”. Vậy người bạn tri kỷ cùng ta uống trà, hẳn phải là người bạn hiền, chỉ cần đưa mắt là hiểu lòng nhau, lấy gì mà mua cho được ở cõi đời còn lắm bon chen và phiền muộn này. Có duyên phận lắm mới được cùng nhau hạnh ngộ với người tri kỷ bên chén trà quý là vậy.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Phát huy vai trò của Phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch
    Tiếp tục triển khai hiệu quả 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập đến trong Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
  • Tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”.
  • Quận Tây Hồ: Nâng cao vai trò nêu gương trong thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU
    Vừa qua, Quận uỷ Tây Hồ đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành uỷ "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
  • Chú trọng xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Theo Chỉ thị 30 – CT/TU, ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của Nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.
  • Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh
    Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trên địa bàn huyện Đông Anh, Bí thư Huyện uỷ Đông Anh Lê Trung Kiên đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trì, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc thực hiện Chỉ thị.
  • Chung sức đồng lòng thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã nêu rõ, lịch sử văn hiến hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Phát huy vai trò của Phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch
    Tiếp tục triển khai hiệu quả 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập đến trong Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO