Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn, bụng chướng, chụp cắt lớp có hình ảnh tắc ruột, siêu âm thấy các quai ruột giãn to.
Khối bã thức ăn rắn chắc trong ruột bệnh nhân |
Bệnh nhân cho biết, tình trạng đau bụng đã xuất hiện từ trung tuần tháng 7, đau âm ỉ suốt 20 ngày nên cố chịu đựng. Từ ngày 9/8, bụng chuyển đau dữ dội kèm bí trung đại tiện.
Gia đình đã đưa L. đến trung tâm y tế huyện thăm khám. Sau 5 ngày điều trị tại đây không đỡ, bệnh nhân được chuyển đến BV đa khoa tỉnh ngày 19/8. Bác sĩ kết luận, L. bị tắc ruột do bã thức ăn không tiêu.
Thông thường, với các khối bã trong dạ dày, bác sĩ có thể nội soi, tách nhỏ khối bã rồi khắp ra, tuy nhiên do khối bã của L. quá rắn chắn, không thể tán nát nên bác sĩ buộc phải mổ mở cả dạ dày và ruột, lấy ra 2 khối bã lớn màu đen trong dạ dày và ruột non.
BS Tùng cho biết, với trường hợp tắc ruột nghiêm trọng như này, nếu không được lấy ra nhanh, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử ruột, suy đa tạng rồi tử vong.
2 khối bã màu đen rắn chắc được lấy khỏi dạ dày và ruột bệnh nhân |
Gia đình cho biết, L. có thói quen ăn uống không khoa học, nghiện trà sữa và thường xuyên uống trà sữa thay cơm. Sở dĩ L. có thói quen này do trước đây từng làm nhân viên tại một quán trà sữa.
Từ trường hợp của anh L., bác sĩ khuyến cáo người dân nên thay đổi lối sống sinh hoạt lành mạnh và ăn uống khoa học, hạn chế đồ ăn nhanh, ăn vặt, hạn chế sử dụng trà sữa, nước ngọt có ga, tẩy giun theo định kỳ.
Để tránh nguy cơ tắc ruột do bã thức ăn, với thức ăn nhiều xơ như măng, người dân cần nấu nhừ, nhai kĩ và uống nhiều nước. Với các loại trái cây có nhiều nhựa như hồng, hồng xiêm, không nên ăn quá nhiều lúc dạ dày vẫn rỗng và không nên ăn chung với thức ăn có nhiều đạm.