Văn hóa – Di sản

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm: Kể chuyện di sản bằng đường thêu nét nhuộm

Đặng Thủy 07:11 14/04/2025

Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều nghề thủ công truyền thống dần bị lãng quên, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm lại chọn gắn bó với nghệ thuật thêu - một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cả chiều sâu văn hóa. Không chỉ nghiên cứu, thực hành nghệ thuật, chị còn là người kết nối textile art (nghệ thuật tạo hình từ sợi vải) với di sản văn hóa Việt Nam, khám phá và tái hiện những giá trị thêu cổ bằng góc nhìn đương đại. Từ xưởng thêu ven sông Hội An đến các triển lãm, workshop, hành trình của Ngọc Trâm là sự kết hợp giữa nghiên cứu, sáng tạo và gìn giữ ký ức dân tộc, nơi mỗi mũi chỉ, đường kim đều kể một câu chuyện về truyền thống và bản sắc.

Từ mũi kim thời thơ ấu đến hành trình nghệ thuật

Phạm Ngọc Trâm sinh năm 1984 tại Hà Nội. Theo học chuyên ngành Đồ họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (từ 2001 - 2006), nhưng niềm đam mê với nghệ thuật có lẽ đã bắt đầu nhen nhóm trong chị từ khi còn thơ ấu. “Khi mới lên 4, lên 5, được bà ngoại và mẹ dạy những đường kim mũi chỉ đầu tiên, tôi đã vô cùng thích thú. Hồi học cấp 2, cấp 3, tôi còn đạp xe lên cả Hàng Bồ tìm mua chỉ thêu. Những năm tháng sinh viên, mỗi lần đi thực tập vừa ký họa vừa ngồi thêu cùng bà con dân tộc cũng là những ký ức không quên của tôi”, Ngọc Trâm chia sẻ.

3anh-1.jpg
Nghệ sĩ Ngọc Trâm - người kể chuyện di sản bằng đường thêu nét nhuộm.

Tốt nghiệp đại học, Ngọc Trâm từng trải qua nhiều công việc liên quan đến sáng tạo, thiết kế, viết lách... nhưng chỉ khi đủ trưởng thành để trăn trở về bản thân và ý nghĩa cuộc sống, Trâm mới quyết định theo đuổi thêu thùa như một con đường độc lập. Năm 2013, Trâm theo học tại Ecole Lesage Paris (một ngôi trường danh tiếng chuyên về nghệ thuật thêu) tại Pháp. Chính tại ngôi trường này, những câu chuyện của thầy giáo François Lesage và huyền thoại về nhà thêu Maison Lesage đã truyền cảm hứng cho chị về giá trị của sáng tạo cá nhân trong nghề thêu. Không chỉ vậy, cách tổ chức quy trình làm việc, vận hành nhà xưởng và phương pháp giảng dạy tại đây cũng giúp chị nhận ra tầm quan trọng của những tiểu tiết trong thực hành nghề thêu chuyên nghiệp.

anh-3c.jpg

Chọn nghề thêu để gắn bó, Ngọc Trâm quyết định lập nghiệp tại Hội An và thành lập xưởng thêu của riêng mình. Ngoài những giờ làm việc ở xưởng, chị còn nhuộm sợi tơ tằm, nhuộm vải, trồng cây, nấu ăn, chăm sóc gia đình... trong căn nhà ven sông Thu Bồn. Có những mùa nắng nóng, không thể ngồi một chỗ thêu quá lâu, nhưng bù lại, chị có thể hái lá, hoa, bông lau non về phơi, chuẩn bị cho một nồi nhuộm lớn, hay giặt lụa, phơi tơ đủ màu sắc khắp khu vườn. Những ngày mưa dài lê thê, chỉ cần đốt một nén hương trầm cho ấm xưởng, chị có thể ngồi thêu cả đêm mà không biết chán.
Thêu vốn là một công việc đòi hỏi sự tĩnh lặng, kiên trì và tỉ mỉ, trái ngược tính cách sôi nổi của Ngọc Trâm, bởi thế khi “dấn thân” vào thêu thùa, cô gái Hà Nội dần cảm nhận rõ sự thay đổi trong chính mình. Với Trâm, hành trình với nghệ thuật thêu của Ngọc Trâm cũng là hành trình sống. Và thực hành nghệ thuật với chị cũng tự nhiên như cách chị chắt lọc những điều đẹp đẽ trong cuộc sống để chia sẻ bằng ngôn ngữ của thêu.

Kết nối textile art với di sản văn hóa

Trong nghệ thuật thêu, Ngọc Trâm đặc biệt bị cuốn hút bởi những giá trị mang tính di sản và đã tồn tại qua nhiều thế hệ, từ những bài thêu, kỹ thuật thêu cổ cùng cách tạo hình, tạo khối phản ánh tư duy và cảm quan độc đáo của từng dân tộc. Ý niệm về textile art luôn khiến Ngọc Trâm đau đáu và trăn trở. Chị khao khát kết nối textile art với di sản văn hóa Việt Nam. “Kho tàng di sản phong phú của riêng kỹ nghệ dệt, may, thêu thùa đã tạo nên một nền tảng vững chắc, nơi mỗi cá nhân có thể tiếp thu và bồi đắp cho mình một “kho vốn cổ” riêng, không lo cạn kiệt hay trùng lặp với ai”, Ngọc Trâm bộc bạch.

anh-2-1-.jpg
Công chúng thích thú trải nghiệm Dự án “Tơ óng - màu cây” tại đình Tú Thị (Hà Nội)

Ngay từ những bức tranh thêu đầu tiên, Ngọc Trâm đã “vay mượn” tinh thần dân gian và các giá trị mỹ thuật truyền thống để tạo hình trong tác phẩm như hình ảnh đoàn đua thuyền rồng với những chàng trai làng vạm vỡ lấy cảm hứng từ chạm khắc đình làng Việt, họa tiết hoa cúc trên bệ đá thời Trần, dáng ngồi gảy đàn tính đầy trữ tình của một nghệ sĩ nhã nhạc…

Không chỉ sử dụng họa tiết, hoa văn cổ để tạo nên những bức tranh thêu, Ngọc Trâm còn đồng thời khai thác sâu về di sản theo hai hướng: nghiên cứu và thực hành. Ở hướng nghiên cứu, chị đối chiếu mẫu thêu cổ, phân tích đặc trưng mỹ thuật xưa từ cách tạo hình, bố cục, đến kỹ thuật xử lý chất liệu, thậm chí so sánh với thêu cổ của Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm ra nét riêng của thêu Việt Nam. Ở hướng thực hành, chị tìm kiếm chất liệu Việt, tự nhuộm sợi tơ bằng màu tự nhiên, thêu lại các mẫu cổ để học những kỹ thuật đã mai một. Dù không thể sánh với những nghệ nhân làng nghề, nhưng với Trâm, mục tiêu không chỉ là rèn tay nghề, mà còn làm giàu vốn cổ để đạt đến sự tự do sáng tạo trong tương lai.

Bên cạnh đó, những cuộc giao lưu về thêu và nhuộm với đồng nghiệp tại châu Âu, châu Á cùng những chuyến tham quan bảo tàng, triển lãm chuyên đề về thêu thùa và textile art đã giúp Ngọc Trâm thấm thía hơn rằng: “Mỗi người có thể bay cao và xa hơn nếu họ thực sự hiểu, nắm bắt được di sản - câu chuyện và tiếng nói của chính dân tộc mình”.

Hạnh phúc khi được lan tỏa giá trị di sản

Không chỉ thực hành sáng tác, nghiên cứu chuyên sâu, Phạm Ngọc Trâm còn tổ chức nhiều workshop, triển lãm nhằm giới thiệu ý niệm về textile art. Năm 2023, với vai trò giám tuyển, chị tổ chức triển lãm “Màu thêu nét nhuộm” tại Kyara Hội An, quy tụ bảy nghệ sĩ, nhà sáng tạo và nhà nghiên cứu textile art từ ba miền. Triển lãm không chỉ giới thiệu hành trình nghệ thuật của mỗi người mà còn tạo cơ hội để công chúng giao lưu, trải nghiệm và hiểu sâu hơn về vẻ đẹp của textile art. Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, Ngọc Trâm và các nghệ sĩ đã tạo dấu ấn đặc biệt với triển lãm “Cảm thức Đông Dương”.

aanh-2.jpg
Tác phẩm “Tuổi thơ ở Hà Nội” - tranh thêu của nghệ sĩ Ngọc Trâm.

Mới đây, Ngọc Trâm tiếp tục ghi dấu ấn với chương trình lưu trú nghệ thuật tại đình Tú Thị (phố Yên Thái, Hà Nội) – tổ đình của những người thêu, nơi thờ cụ Lê Công Hành. Diễn ra từ ngày 16/12/2024 đến 12/2/2025, “Tơ óng màu cây: Đường thêu nét nhuộm xưa - nay” giúp chị kết nối sâu hơn với cội nguồn nghề thêu theo cách riêng của một nghệ sĩ đương đại. Suốt tám tuần, Ngọc Trâm không chỉ vẽ mẫu, thêu, hướng dẫn kỹ thuật mà còn tổ chức triển lãm tranh thêu cổ thời Đông Dương từ bộ sưu tập cá nhân, giới thiệu bảng màu chỉ thêu tơ tằm nhuộm tự nhiên - kết tinh từ quá trình nghiên cứu lâu năm. Bên cạnh đó, chị còn tổ chức workshop và trưng bày các đầu sách chuyên sâu về thêu di sản, văn minh tơ sợi và nghệ thuật thêu. Nhìn công chúng tìm đến đình Tú Thị, say sưa ngắm tranh thêu, tò mò về những câu chuyện quá khứ, lắng nghe và chia sẻ những ước mơ, Ngọc Trâm như được tiếp thêm ngọn lửa đam mê, càng vững tin hơn vào con đường mình đã chọn.
“Tôi không ngờ vẻ đẹp đã phai màu theo thời gian ấy lại chạm đến cảm xúc của đông đảo khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ không chỉ rung động trước nghệ thuật mà còn quan tâm đến giá trị văn hóa, những câu chuyện lịch sử đằng sau mỗi hiện vật”, Ngọc Trâm chia sẻ.

Hành trình với nghệ thuật thêu không chỉ giúp Ngọc Trâm tìm về cội nguồn mà còn mở ra những kết nối mới mẻ giữa truyền thống và đương đại. Qua các triển lãm, chương trình lưu trú nghệ thuật và những dự án nghiên cứu chuyên sâu, chị đã góp phần đưa textile art đến gần hơn với công chúng, khơi dậy niềm tự hào về di sản thêu Việt Nam. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Ngọc Trâm cho hay, chị dự định sẽ tập hợp tư liệu để viết cuốn sách đầu tiên về thêu Việt Nam, giới thiệu những kỹ thuật và vật liệu thêu cổ mang giá trị di sản. Song song với đó, chị cũng lên kế hoạch tổ chức triển lãm chuyên đề nhằm tôn vinh di sản thêu Việt, chia sẻ kiến thức, hiểu biết và khơi dậy niềm tự hào về nghệ thuật thêu trong cộng đồng. Hi vọng rằng với niềm đam mê bền bỉ và sự sáng tạo không ngừng, Ngọc Trâm sẽ “dệt” nên một hành trình nghệ thuật ghi dấu ấn, góp phần lan tỏa giá trị của di sản, tạo nhịp cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • "Gia đình, bạn bè và đất nước" - Hồi ký sinh động về cuộc đời bà Nguyễn Thị Bình
    Nhằm tái hiện chân thực cuộc đời của bà Nguyễn Thị Bình - một nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia và chứng kiến những biến cố, thăng trầm của dân tộc trong thế kỷ XX - từ thời thơ ấu, quá trình tham gia hoạt động cách mạng đến những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, và cả những năm tháng sau khi nghỉ hưu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản lần thứ hai cuốn sách “Gia đình, bạn bè và đất nước”.
  • Nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 50 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước
    Chuỗi chương trình nghệ thuật mừng 50 năm ngày đất nước thống nhất không chỉ là hoạt động kỷ niệm, mà còn là dịp để văn hóa nghệ thuật khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Đây là sự tri ân sâu sắc đối với quá khứ, là niềm tin vào hiện tại, và là khát vọng vươn tới tương lai của một dân tộc bất khuất, kiêu hùng.
  • Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025: "Mỗi trang sách – Một niềm tự hào"
    Với chủ đề "Mỗi trang sách – Một niềm tự hào", Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 19/4/2025 với nhiều hoạt động hấp dẫn.
  • Quận Hà Đông: Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
    Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2025); 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), quận Hà Đông (Hà Nội) tổ chức nhiều hoạt động trang trọng và ý nghĩa.
  • [Podcast] Bún đậu mắm tôm – Món ăn dân dã của người Hà Nội
    Hà Nội có rất nhiều món ăn ngon được thực khách ưa thích gắn với “bún” như: bún chả, bún cá, bún ốc nguội… Trong số đó các món ăn đó không thể thiếu bún đậu mắm tôm Hà Nội - món ngon làm "xiêu lòng" các tín đồ ẩm thực. Không chỉ là một món ăn, bún đậu còn mang đậm nét văn hóa, gắn liền với lối sống và phong cách ẩm thực rất đỗi bình dị của người Việt nói chung, Hà Nội nói riêng.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm: Kể chuyện di sản bằng đường thêu nét nhuộm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO