Ngành du lịch phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8 -14/2/2024), ngành du lịch ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa.
Thông tin này được công bố tại cuộc họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Cuộc họp diễn ra ngày 15/2 nhằm đánh giá tình hình Tết Nguyên đán Giáp Thìn và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp này cho thấy, các bộ, cơ quan, địa phương đã quán triệt và kịp thời triển khai các mặt công tác để tổ chức chuẩn bị, đón Tết theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo ra năng lượng mới, khí thế mới của cả dân tộc bước vào năm 2024. Toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7.762 tỷ đồng. Trung ương và địa phương đã hỗ trợ khoảng 17.736 tấn gạo cho người dân trong cả nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã trích Quỹ “Vì người nghèo” và chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm, tặng quà Tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng số trên 8,84 triệu suất quà, trị giá trên 5.055 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 vận động được 5,37 triệu suất quà trị giá khoảng 2.389 tỷ đồng).
Các cấp Hội Chữ thập đỏ đã trợ giúp trên 1,52 triệu lượt người nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 1.036 tỷ đồng. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã trao 274.206 thẻ bảo hiểm y tế, 18.353 sổ bảo hiểm y tế tự nguyện cho người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo.
Tiền lương bình quân năm 2023 tại các doanh nghiệp ước đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022. Có 47.625 doanh nghiệp báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Giáp Thìn cho 3,33 triệu lao động với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Quý Mão năm 2023. Người lao động còn được tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ khác như tặng quà, tặng tiền mặt, phiếu mua hàng, vé tàu xe, bố trí xe đưa đón...
Đáng chú ý, theo báo cáo tại cuộc họp, trong 7 ngày nghỉ Tết, ngành du lịch ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023), trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ). Một số địa phương có cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách du lịch tàu biển trong dịp Tết Nguyên đán, cho thấy dấu hiệu một năm phục hồi nhiều khởi sắc của dòng khách quốc tế.
Với riêng Hà Nội, trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, “Thành phố Vì hòa bình” – Thủ đô của Việt Nam đã đón 653.000 lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch nội địa tăng 12,2% với 550.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2,35 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu là khách vui xuân đón Tết tại các địa điểm nổi tiếng như Hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phố Sách Xuân Giáp Thìn, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Khu danh thắng Hương Sơn...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các lực lượng ứng trực làm nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân trong dịp vui Xuân, đón Tết; bảo đảm đất nước ta “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; phục vụ đắc lực, hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng về tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, Ngành và các địa phương bắt tay ngay vào công việc, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước./.