Nắng tháng Ba

HNMCT| 19/04/2022 20:38

“Gió tháng Tám, nắng tháng Ba” là câu nói thường trực của bà tôi mỗi khi thời gian được điểm tên. Tháng Ba (âm lịch) là giao mùa xuân hạ, cái rét nhẹ vẫn còn dùng dằng như chưa muốn rời đi mà cái nắng nóng đã sầm sập kéo đến.

Nắng tháng Ba
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Nắng tháng Ba không phải là thứ nắng cháy da cháy thịt, nhưng con người ta có cảm giác mệt mỏi. Mệt mỏi là phải, bởi bao nhiêu tháng ngày mưa phùn gió bấc trời âm u, sương mù bảng lảng trên từng con phố, bao trùm ngọn núi, cánh rừng. Sáng ra là nhìn thấy một màu trắng xóa, núi đồi chỉ nhìn thấy gốc, ngọn chìm trong mây ngỡ như chốn bồng lai tiên cảnh. Thế rồi xuân khẽ khàng đến mang theo màu nắng e ấp bẽn lẽn vừa như muốn đuổi sương mù về chốn rừng xa lại vừa như dùng dằng với mây mù. Cây cối thấy nắng về, được tưới tắm trong những ngày xuân ấm lạnh đan xen thi nhau đâm chồi nảy lộc, hoa bung nở ngập tràn tô đẹp mọi chốn quê, từ góc phố thân thương tấp nập đến miền rừng núi xa.

Khi hoa đào, hoa mận, hoa lê rụng xuống, những cành cây đã được khoác trên mình lớp lá non xanh. Trong vườn, hoa bưởi, hoa cam bắt đầu nở rộ, đêm nằm vẫn ngửi thấy mùi hương theo làn gió len lỏi qua khe cửa sổ vào nhà. Mùa này ấm lạnh vẫn ngập ngừng tranh đấu, vừa mới cất chăn, tìm quạt mà lại phải có thêm cái chăn mỏng mới có thể ngon giấc. Tháng Ba ngày bắt đầu dài ra, đêm bắt đầu ngắn lại, nhiệt độ bắt đầu nhích lên từng ngày. Sáng ra đã nghe thấy bìm bịp kêu gọi mùa sinh sản cùng hòa nhịp với tiếng cuốc kêu ngoài bãi xa. Tiếng cuốc ngày đêm khắc khoải làm cho con người ta cảm giác buồn buồn trong lòng. Những chú ve sầu cũng bắt đầu tấu lên bản nhạc của mình.

Thuở nhỏ tôi cùng lũ bạn rủ nhau lên đồi bắt ve sầu về thả lên trên những cây mận, cây đào trong vườn. Bà tôi bảo “các cháu bắt những con ve này về làm gì, nghe chúng kêu con người vừa thấy buồn, buồn ngủ và mỏi mệt, có gì hay đâu chứ”. Sau này tôi mới biết thêm, ve sầu còn có hại cho cây ăn quả trong vườn vì chúng hút nhựa cây để sống. Ngày xưa, khi lịch chưa phổ biến như bây giờ thì người dân cứ nhìn cây trong vườn ra hoa, ra lá mà đoán định ngày tháng. Khi ve sầu kêu cũng là lúc măng vầu thi nhau mọc lên, trên núi rau ngót rừng cũng bắt đầu cho ra lá non, cây dạ hiến bắt đầu đâm ngọn mới. Rau ngót rừng đem nấu canh măng xương thì ngon không gì tả nổi, ngọn dạ hiến hái đem về xào với thịt ăn cũng khó quên. Tháng Ba là mùa rau rừng, nhiều người rủ nhau lên rừng hái rau, một phần cũng vì muốn tránh nghe tiếng bìm bịp kêu, tiếng ve sầu não nề làm cho con người ta mỏi mệt, phần lý do khác là rau trên núi ngút ngàn mà về đến phố thì giá rất cao, có khi đắt hơn cả thịt lợn loại ngon.

Tháng Ba giao mùa lạnh nóng cũng dễ đem theo giông lốc, mưa đá khiến con người ta lo lắng cho mùa màng không biết có được bội thu. Giông lốc làm cho cây mận, cây lê rơi rụng quả, làm tốc mái nhà, mưa đá làm giập nát rau mầu, lúa ngô ngoài đồng. Có những năm nhìn quả non lìa cành ngập dưới gốc mà người trồng buồn rơi nước mắt. Năm nào đến tháng Ba cũng mong cái lạnh đi qua nhẹ nhàng êm ái, cái ấm nóng đến khe khẽ thủ thỉ để mùa màng tốt tươi. Để những quả non bám chắc trên cành đợi qua bao ngày mưa nắng chín thơm dâng quả ngọt cho đời. Những con ve sầu sau những ngày tấu nhạc rồi kết thúc cuộc đời đầy kiêu hãnh.

Mong tháng Ba sẽ êm đềm đi qua, như tiếng ve sầu trôi sâu vào đất đá, hương bưởi, hương cam thì thầm trong tĩnh lặng của cuộc đời mải miết trôi.

(0) Bình luận
  • Người đi về phía biển
    Khi biển sinh ra, tôi chưa biết hát. Khi biển lớn lên, em chưa biết khóc. Khi biển mặn mòi, thì đã có những dấu chân đi về phía biển. Biển ở phía đường chân trời, một nơi tưởng chừng như chưa từng có sự nhọc nhằn, vất vả. Bởi chân trời luôn luôn là ước mơ.
  • Bên thềm giếng cũ
    Chiều cao nguyên giăng giăng mây phủ, khói sương mờ ảo giữa thăm thẳm núi đồi, tiếng chim chíu chít gọi nhau về tổ trên nền trời rực ánh tà dương. Vạt sáng huyền hoặc cuối ngày ấy trở thành sợi chỉ mảnh dắt kẻ tha phương lần về miền nhớ.
  • Về ăn cơm mẹ nấu
    Chiều chậm trôi bên nhánh sông hiền hòa chảy êm dòng văn vắt. Mùa lúa chín đã qua còn lưu lại bao miết mải phù sa trên từng gốc rạ se sắt, hanh hao trồi lên khỏi mặt ruộng khô nứt.
  • Nhớ giàn nho của ngoại
    Sớm mai thức giấc, ánh nắng lọt qua khung cửa sổ, dịu dàng rơi trên bàn làm việc, lướt nhẹ lên những đồ vật quen thuộc: vài cuốn sách đang đọc dở, ly trà còn vương hơi ấm và... một chùm nho. Đưa mắt nhìn thật lâu vào chùm nho ấy, một cảm giác xao xuyến đầy mến thương y như vừa tìm được một người bạn cũ lâu ngày không gặp ùa về trong tôi.
  • Mùa về trên tay mẹ
    Kề má vào bàn tay mẹ, lòng tôi nghẹn ngào xót xa khi thấy từng vệt chai sần trên những đường nhăn chằng chịt nứt nẻ tựa trái na khô. Đôi tay mẹ bây giờ không còn khỏe, lập cập lẫn run run như buổi chiều hôm mòn vẹt vì nắng gió. Những mùa màng xưa cũ , những vệt trầm thăng đã quá nửa đời người lần lượt hiện lên trên đôi tay mẹ. Và ký ức tôi lại sụt sùi nhẩm đếm. Dẫu bốn mùa xuân - hạ - thu - đông đã neo sẵn vào đất trời nhưng mùa của mẹ còn ngổn ngang nhiều hơn cả thế.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chuyện người phụ nữ họ Trần cứu chúa Nguyễn trên phá Tam Giang
    Người phụ nữ họ Trần được dân gian kể là người có công cứu chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang và đang được thờ tự ở xã Đan Điền (TP Huế) với tên gọi miếu Bà Tơ.
  • Ra mắt hai ấn phẩm pháp lý phục vụ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa phát hành hai ấn phẩm: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025)” và “Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025”. Đây là những tài liệu có tính thời sự, cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ, chính thống, hỗ trợ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố theo định hướng cải cách bộ máy nhà nước.
  • Chuyện khuyến học ở một dòng họ khoa bảng xứ Đoài
    Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng xứ Đoài xưa và nay, không chỉ bởi nghề đục tượng, làm hoành phi, câu đối cho các di tích mà còn là làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, một Sĩ vọng, từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn.
  • Bộ Y tế thu hồi toàn quốc 2 loại kem đánh răng phổ biến trên thị trường
    Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành các quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với 2 sản phẩm kem đánh răng do Công ty TNHH Phát Anh Minh chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
  • Công khai địa chỉ, đường dây nóng tại các điểm phục vụ hành chính công thuộc UBND 126 xã/phường
    Ngày 4/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công (UBND thành phố Hà Nội) ban hành Thông báo số 195/TB-TTPVHCC công khai các điểm phục vụ hành chính công thuộc UBND 126 xã/phường, các chi nhánh thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công và thông tin đường dây nóng hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Nắng tháng Ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO