Nắng tháng Ba

Tản văn - Ngày đăng : 20:38, 19/04/2022

“Gió tháng Tám, nắng tháng Ba” là câu nói thường trực của bà tôi mỗi khi thời gian được điểm tên. Tháng Ba (âm lịch) là giao mùa xuân hạ, cái rét nhẹ vẫn còn dùng dằng như chưa muốn rời đi mà cái nắng nóng đã sầm sập kéo đến.
Nắng tháng Ba
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Nắng tháng Ba không phải là thứ nắng cháy da cháy thịt, nhưng con người ta có cảm giác mệt mỏi. Mệt mỏi là phải, bởi bao nhiêu tháng ngày mưa phùn gió bấc trời âm u, sương mù bảng lảng trên từng con phố, bao trùm ngọn núi, cánh rừng. Sáng ra là nhìn thấy một màu trắng xóa, núi đồi chỉ nhìn thấy gốc, ngọn chìm trong mây ngỡ như chốn bồng lai tiên cảnh. Thế rồi xuân khẽ khàng đến mang theo màu nắng e ấp bẽn lẽn vừa như muốn đuổi sương mù về chốn rừng xa lại vừa như dùng dằng với mây mù. Cây cối thấy nắng về, được tưới tắm trong những ngày xuân ấm lạnh đan xen thi nhau đâm chồi nảy lộc, hoa bung nở ngập tràn tô đẹp mọi chốn quê, từ góc phố thân thương tấp nập đến miền rừng núi xa.

Khi hoa đào, hoa mận, hoa lê rụng xuống, những cành cây đã được khoác trên mình lớp lá non xanh. Trong vườn, hoa bưởi, hoa cam bắt đầu nở rộ, đêm nằm vẫn ngửi thấy mùi hương theo làn gió len lỏi qua khe cửa sổ vào nhà. Mùa này ấm lạnh vẫn ngập ngừng tranh đấu, vừa mới cất chăn, tìm quạt mà lại phải có thêm cái chăn mỏng mới có thể ngon giấc. Tháng Ba ngày bắt đầu dài ra, đêm bắt đầu ngắn lại, nhiệt độ bắt đầu nhích lên từng ngày. Sáng ra đã nghe thấy bìm bịp kêu gọi mùa sinh sản cùng hòa nhịp với tiếng cuốc kêu ngoài bãi xa. Tiếng cuốc ngày đêm khắc khoải làm cho con người ta cảm giác buồn buồn trong lòng. Những chú ve sầu cũng bắt đầu tấu lên bản nhạc của mình.

Thuở nhỏ tôi cùng lũ bạn rủ nhau lên đồi bắt ve sầu về thả lên trên những cây mận, cây đào trong vườn. Bà tôi bảo “các cháu bắt những con ve này về làm gì, nghe chúng kêu con người vừa thấy buồn, buồn ngủ và mỏi mệt, có gì hay đâu chứ”. Sau này tôi mới biết thêm, ve sầu còn có hại cho cây ăn quả trong vườn vì chúng hút nhựa cây để sống. Ngày xưa, khi lịch chưa phổ biến như bây giờ thì người dân cứ nhìn cây trong vườn ra hoa, ra lá mà đoán định ngày tháng. Khi ve sầu kêu cũng là lúc măng vầu thi nhau mọc lên, trên núi rau ngót rừng cũng bắt đầu cho ra lá non, cây dạ hiến bắt đầu đâm ngọn mới. Rau ngót rừng đem nấu canh măng xương thì ngon không gì tả nổi, ngọn dạ hiến hái đem về xào với thịt ăn cũng khó quên. Tháng Ba là mùa rau rừng, nhiều người rủ nhau lên rừng hái rau, một phần cũng vì muốn tránh nghe tiếng bìm bịp kêu, tiếng ve sầu não nề làm cho con người ta mỏi mệt, phần lý do khác là rau trên núi ngút ngàn mà về đến phố thì giá rất cao, có khi đắt hơn cả thịt lợn loại ngon.

Tháng Ba giao mùa lạnh nóng cũng dễ đem theo giông lốc, mưa đá khiến con người ta lo lắng cho mùa màng không biết có được bội thu. Giông lốc làm cho cây mận, cây lê rơi rụng quả, làm tốc mái nhà, mưa đá làm giập nát rau mầu, lúa ngô ngoài đồng. Có những năm nhìn quả non lìa cành ngập dưới gốc mà người trồng buồn rơi nước mắt. Năm nào đến tháng Ba cũng mong cái lạnh đi qua nhẹ nhàng êm ái, cái ấm nóng đến khe khẽ thủ thỉ để mùa màng tốt tươi. Để những quả non bám chắc trên cành đợi qua bao ngày mưa nắng chín thơm dâng quả ngọt cho đời. Những con ve sầu sau những ngày tấu nhạc rồi kết thúc cuộc đời đầy kiêu hãnh.

Mong tháng Ba sẽ êm đềm đi qua, như tiếng ve sầu trôi sâu vào đất đá, hương bưởi, hương cam thì thầm trong tĩnh lặng của cuộc đời mải miết trôi.

HNMCT