Chưa như mong đợi
Theo thống kê của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố có 107.847 người, thuộc 50 dân tộc, chủ yếu là đồng bào Mường và Dao (55.000 người) sống đan xen tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Tuy vậy, bà con chỉ cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Tính trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2015 đến 2020), các địa phương vùng DTTS Thủ đô có 39 vụ tảo hôn trong tổng số 3.753 cặp kết hôn. Trong đó, 38 vụ có vợ hoặc chồng thuộc diện tảo hôn và một vụ cả vợ và chồng tảo hôn, tập trung ở huyện Quốc Oai và huyện Mỹ Đức. Số vụ tảo hôn tăng giảm theo từng năm, song không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Như lý giải của ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội, việc kết hôn của đồng bào DTTS chủ yếu được tiến hành theo phong tục tập quán và điều kiện kinh tế. Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương với các trường hợp tảo hôn chưa đủ mạnh, thiếu kiên quyết. Ngay các chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân cũng chưa đủ sức ngăn ngừa, răn đe tình trạng tảo hôn. Thế nên ở các bản làng ấy, nhiều trường hợp nam nữ sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được cộng đồng dân cư ở đó thừa nhận, bảo vệ.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là nhận thức của người dân còn hạn chế khi chưa thấy được rằng việc tảo hôn có thể khiến chất lượng dân số suy giảm, dẫn đến suy thoái giống nòi, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội, sự phát triển bền vững của vùng DTTS nói riêng và đất nước nói chung. Trong khi đó, người lớn trong gia đình và thầy cô giáo trong trường học cũng chưa thực sự tích cực phổ biến, truyền tải đầy đủ đến các em thông tin về vấn đề này. Thêm vào đó, đời sống của đồng bào hiện nay đã được cải thiện, tuổi dậy thì của trẻ diễn ra sớm hơn, rồi mạng xã hội phát triển, kích thích trí tò mò của trẻ nhỏ về giới tính...
Thực tế, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, có sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã phối hợp tích cực với chính quyền các huyện có các xã vùng DTTS thực hiện nội dung này. Ngoài tuyên truyền, vận động, nâng cao trách nhiệm của các đoàn thể, quần chúng và người có uy tín trong đồng bào DTTS, đẩy mạnh việc phổ biến pháp luật, nêu rõ tác hại, hệ lụy và cách phòng ngừa nạn tảo hôn nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, hành động liên quan, cơ quan chức năng còn tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tư vấn sức khỏe, trợ giúp pháp lý tại các thôn bản. Nhiều nơi còn đưa các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình vào hương ước, quy ước thôn, xóm, nội dung xây dựng gia đình văn hóa, đồng thời lồng ghép nội dung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh...
Trong 5 năm qua, những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân cho đồng bào DTTS tại Hà Nội đã cho kết quả đáng ghi nhận: Số cặp tảo hôn giảm bình quân trên 3%/năm; không có trường hợp kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa được như mong đợi của nhà quản lý đối với vùng DTTS ở Thủ đô.
Hành trình tiếp nối
Mục tiêu mà Thành phố hướng tới trong thời gian tới là nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS; tới năm 2025, 100% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn thay đổi nhận thức và hành vi liên quan tới tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS ở Thủ đô. Vì vậy, trong Kế hoạch số 69/KH-UBND ban hành ngày 18-3-2021 của UBND Thành phố về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025”, 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được “lên khuôn” và giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương.
Theo đó, Thành phố sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức chiếu phim, hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn. Cùng với đó, cơ quan có trách nhiệm sẽ lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, các buổi họp hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học... Đặc biệt, trong vấn đề này, chính quyền các cấp sẽ đề ra giải pháp phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng DTTS. Thành phố sẽ biên soạn tài liệu liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới... để tuyên truyền, triển khai thực hiện đề án một cách hiệu quả và tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ tham gia thực hiện đề án. Ban Dân tộc thành phố Hà Nội còn khẳng định tiếp tục hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên, sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại cộng đồng; tổ chức tư vấn cho các đối tượng vị thành niên - thanh niên, học sinh vùng DTTS về tình dục an toàn và lành mạnh cũng như về vấn đề thai nghén và sinh đẻ ở tuổi vị thành niên...
Đây là hướng đi đúng và phù hợp với đặc thù về con người, tập quán của đồng bào DTTS, để đưa Hà Nội tới đích: Xóa bỏ nạn tảo hôn vào năm 2025, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững vùng DTTS Thủ đô.
“Trong giai đoạn 2021 - 2025, cần đặt vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong bối cảnh rộng lớn và đa chiều hơn. Cần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng của phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ tham gia lãnh đạo cũng như tham gia vào quá trình ra quyết định trong hộ gia đình và ở cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em gái và trẻ em trai DTTS, trong đó có tảo hôn cần phải là một ưu tiên quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS”.
(Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)