Năm Sửu kể chuyện trâu

Yên Giang (sưu tầm và biên soạn) | 17/02/2021 09:57

Con trâu đứng thứ hai trong hàng 12 con giáp thuộc Lịch pháp hệ can chi cổ truyền phương Đông. Con trâu từng gắn bó với con người từ cổ xưa đến nay - đặc biệt là người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, làm ra lương thực nuôi sống con người. Con trâu cùng một số con giáp khác như con mèo (năm Mão), con ngựa (năm Ngọ), con gà (năm Dậu), con chó (năm Tuất), con lợn (năm Hợi)… vốn sống gần gũi mật thiết với con người nên từ xưa đến nay đã được nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật từ dân gian đến chuyên nghiệp dày công mô tả, biểu đạt. Nhân dịp đón xuân Tân Sửu (2021) xin trích lục đôi dòng về loài trâu trong kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú của người Việt.

Năm Sửu kể chuyện trâu
Chăn trâu thổi sáo - tranh dân gian Đông Hồ

1. Thành ngữ - Tục ngữ

- Đàn gẩy tai trâu
- Muỗi đốt sừng trâu
- Trâu lấm/ vẩy càn
- Trâu chậm uống nước đục
- Trâu ho/ bò ngã
- Trâu buộc ghét trâu ăn
- Con trâu là đầu cơ nghiệp
- Trâu chết để da, người chết để tiếng
- Trai mười bảy bẻ gãy sừng trâu
- Cày cạn, khỏe trâu
Cày sâu tốt lúa
- Lạc đường nắm đuôi chó
Lạc ngõ nắm đuôi trâu
- Làm rể chớ nấu thịt trâu
Làm dâu chớ đồ xôi lại
- Tậu trâu lựa nái
Cưới gái lựa dòng
- Muốn giàu nuôi trâu cái
Muốn lụn bại nuôi bồ câu
- Làm ruộng không trâu
(như) Làm dâu không chồng
- Ruộng sâu, trâu nái 
Không bằng con gái đầu lòng
- Trâu đứng không ai mà cả
Trâu ngã lắm kẻ cầm dao
- Trâu thì kho, bò thì tái
- Ăn thịt trâu không tỏi
Như ăn gỏi không rau mơ

Xem tướng trâu
- Cao đầu, thấp hậu
Thì tậu liền tay
- Đốm đầu thì nuôi
Đốm đuôi thì thịt
- Lang đuôi thì bán
Lang tán thì nuôi
- Mắt bánh rán (lồi)
Trán bánh chưng (phẳng)
Lưng tôm càng (cong)
(là trâu tốt)
- Tậu trâu xem vó
Lấy vợ xem nòi
- Sừng cánh ná
Dạ bình vôi
Mắt ốc nhồi
Nhanh như chớp
- Tai lá mít
Sừng khít tai
Cày hôm cày mai
Cày hoài không mệt
- Sừng to, móng hến
Còn kén gì hơn?

2. Ca dao

- Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
- Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
- Kể chi trời rét đồng sâu
Chồng chồng vợ vợ rủ nhau đi bừa
Bây giờ trưa đã hồ trưa
Chồng vác lấy bừa, vợ dắt con trâu
- Lao xao gà gáy rạng ngày
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu
- Trâu hay không ngại cày trưa
Mạ già ruộng ngấu chẳng thua bạn điền
- Một mai trống thủng còn vành
Da trâu bịt lại cũng thành như xưa
- Ai ơi uống rượu thì say
Bỏ rượu, bỏ cày, bỏ giống ai gieo?
- Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm
- Công anh chăm nghé bấy lâu
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày
- Đôi ta cùng bạn chăn trâu
Cùng mặc áo vá nhuộm nâu một hàng
Bao giờ cho gạo bén sàng
Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh
- Gặp đây ăn một miếng trầu
Còn hơn đám cưới mổ trâu ăn mừng
- Một trâu anh sắm đôi cày
Một chàng đôi thiếp có ngày oan gia
Chàng ơi mau cho em ra
Lẽ đâu một ổ đôi gà ấp chung
- Phù thủy, thầy bói, lái trâu
Nghe ba gã ấy đầu lâu chẳng còn
- Sập sùi tháng bảy mưa ngâu
Con trời lấy chú chăn trâu cũng tình
- Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa, gọi cha ồi ồi
Mẹ còn cắt cỏ trên đồi 
Cha còn cưỡi ngựa đi mời quan viên

Xem tướng trâu
- Bạc mi, quá tóc, vênh sừng
Trâu mà như vậy thì đừng có nuôi
- Khoáy sừng, khoáy sỏ, khoáy tai
Tam tai chằng ách làm tai chúa nhà
- Chùng đùi (đùi mập), thắt quản (ống chân nhỏ như thắt lại), ngắn đuôi
Sừng to, móng hến thì nuôi đáng tiền 
- Xà sừng, mắt lại nhỏ con
Vụng đàn, chậm chạp ai còn nuôi chi.
- Muốn mua trâu tốt, trâu hiền
Khô chân, gân mặt đắt tiền cũng mua
- Tam tinh khoáy sỏ thì chừa
Đốm đuôi nát chủ thì đưa vào nồi
3. Đồng dao

Nghé bông nghé hoa
Như cà mới nở
Mẹ gọi tiếng trước
Cất cổ chạy mau
Mẹ gọi tiếng sau
Chân lồng mà chạy
Có không theo mẹ
Có khéo theo đàn
Chớ có ăn quàng
Có ngày mất mẹ
Việc nặng phần mẹ
Việc nhẹ phần con
Kéo nỉ kéo non
Kéo đến quanh tròn
Mẹ con ta nghỉ
Ông khách hỏi mua
Nhà ta chả bán
Ông khách hỏi gạn
Nhà ta chả cho
Cắt cỏ ăn no
Theo cày đỡ mẹ
Nghé ọ, nghé ơ…

4. Vè

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè con trâu
Ở với nhà giàu
Thật thà hết sức
Lên ba thì giật
Lên bốn kéo cày
Cắm đầu nửa ngày
Giờ Ngọ mới thả
Lên bờ đứng thở
Hết mệt mới ăn
Khi chết nhăn răng
Lột da bịt trống
Làm thân con trâu
Tù lao cực khổ
Bắt đi cày riết
Việc làm khôn xiết
Người ta trên đời
Còn đi chơi bời
Trâu ta ở vậy
Mà uống nước ao
Đói no cũng vậy
Chẳng thoát ruộng nào
Tháng sáu trời lại khô khao
Tháng bảy mưa rào 
Cày cấy đông tây
Làm gì nên nỗi thế này
Dưới chân đĩa cắn
Ruồi bay quanh sừng…
5. Thần thoại

Sự tích hồ Kim Ngưu (hồ Tây)

Các cụ già quanh hồ Tây hay kể về chuyện trâu vàng. Chuyện có liên quan đến ông Khổng Lồ Khổng Minh Không (1066 - 1141) là đại danh y, Quốc sư triều nhà Lý. Tục truyền, Khổng Minh Không được mời sang Tàu chữa bệnh cho hoàng hậu. Sau khi chữa bệnh xong, ông được vua Tàu cho vào kho lấy đồng đen về nước. Trước cửa kho có tượng một con trâu to lớn đúc toàn bằng vàng ròng, đứng canh giữ. Khi về nước, ông đã đúc một quả chuông rất lớn, khi đánh thử tiếng vang sang tận phương Bắc. Con trâu vàng bên đó tưởng tiếng mẹ gọi (đồng đen là mẹ vàng) liền chạy sang ta. Vết trâu chạy ở Hà Nội thành sông Kim Ngưu - sông trâu vàng, và chỗ trâu dẫm nát khu rừng lim thì thành hồ Kim Ngưu - hồ trâu vàng, tức hồ Tây bây giờ. Thấy trâu vàng gây họa lớn, Quốc sư bèn lăn chuông xuống hồ, trâu vàng cũng nhảy theo rồi biến mất từ đấy. Dân gian còn truyền rằng, vào những đêm thanh vắng trâu vàng liền hiện lên sáng rực cả một vùng hồ. Do vậy truyện lại còn có những tình tiết hấp dẫn gắn liền với câu ca cổ của vùng này:

Năm trai năm gái là mười
Năm dâu năm rể là đôi mươi tròn
Hai bên phụ mẫu song toàn
Rồi ta kéo được trâu vàng hồ Tây

Dân gian vẫn tin rằng ai có đủ điều kiện như thế sẽ kéo được trâu vàng. Một nhà kia đẻ được chín đứa con, thêm một đứa con trai nuôi nữa là mười, bèn rủ nhau ra hồ Tây để kéo trâu vàng. Lúc trâu sắp nổi lên khỏi mặt nước, bà mẹ sướng quá buột miệng nói: “chín con đẻ không khỏe bằng một đứa con nuôi”. Thế là trâu vàng lại biến mất tăm…

Tục truyền Cao Biền, tên đô hộ nhà Đường giỏi thuật số và địa lý, thường cưỡi diều giấy bay khắp nơi để yểm các thắng cảnh của ta. Có lần ngồi trên không, y đã thấy trâu vàng đi vào hồ Dâm Đàm tức hồ Tây, rồi thoắt không thấy đâu nữa. Y tìm kiếm trâu vàng để yểm mà vẫn mất hút, lấy làm hận vô cùng.

Hiện nay trong cụm di tích lịch sử - văn hóa phủ Tây Hồ còn có đền Kim Ngưu thờ thần trâu vàng , trước cửa đền có tấm biển ghi: “Đền Kim Ngưu - thần trâu vàng hồ Tây đã giúp nước, giúp dân quan nhiều triều đại, được sắc phong Đế quân thượng đẳng thần”. 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chuỗi hoạt động mang chủ đề “Tháng Năm nhớ Bác” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
    Hòa trong không khí kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động mang chủ đề “Tháng Năm nhớ Bác” từ ngày 5 đến 31/5/2024. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh tư tưởng, đạo đức và tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời là dịp để tôn vinh văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các vùng miền và quảng bá “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
  • Ký ức về cha và bản tình ca ngày thống nhất đất nước
    Từ năm 13 tuổi, tôi theo bố (nhạc sĩ Lê Việt Hòa) ra Hà Nội học tại Nhạc viện, trong khi mẹ vẫn dạy học ở quê, chăm lo cho các em và bà ngoại. Hai bố con sống trong căn phòng nhỏ 16m² trên tầng 2 khu nhà lắp ghép E2, Tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (128 Đại La).
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Ngành vận tải, bưu chính chuyển phát Hà Nội đạt 83,6 nghìn tỷ đồng
    Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố, tổng doanh thu hoạt động vận tải, hoạt động hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tháng 4/2025 của Thành phố Hà Nội ước đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025 tổng doanh thu đạt 83,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2024.
  • Lời cảm ơn của Ban Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
    Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã được tổ chức trọng thể và thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 1/5, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 và Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TPHCM có Lời cảm ơn. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn Lời cảm ơn.
Đừng bỏ lỡ
Năm Sửu kể chuyện trâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO