Văn hóa – Di sản

Múa Rối nước Đào Thục (xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Huyền Anh 23/12/2023 11:24

Sáng ngày 23/12, tại Cụm di tích Quốc gia Đình – Chùa Đào Thục và nhà truyền thống thôn Đào Thụy, xã Thuỵ Lâm, UBND huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia – Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước Đào Thục.

Tham dự Chương trình có các đồng chí: Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đại diện lãnh đạo các địa phương trên địa bàn Thủ đô, cùng đông đảo nhận dân quê hương Đào Thục và các vùng lân cận. Về phía lãnh đạo huyện Đông Anh có các đồng chí: Nguyễn Văn Cường - Phó Bí thư Thường trực huyện Đông Anh, Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh.

img_2592.jpeg
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Chào cờ

Góp phần gìn giữ và trao truyền tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc

Huyện Đông Anh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhiều di sản văn hoá của người Việt cổ, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại. Trên địa bàn huyện hiện có 319 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của Thành phố, trong đó có 142 di tích được Nhà nước xếp hạng gồm: 7 di tích trong cụm di tích Quốc gia đặc biệt, 63 di tích cấp Quốc gia, 72 di tích cấp Thành phố; 128 di sản văn hoá phi vật thể nằm trong danh mục kiểm kê của Thành phố, gồm: 59 tập quán xã hội, 29 lễ hội truyền thống, 8 nghề thủ công truyền thống, 23 nghệ thuật trình diễn dân gian và 9 tri thức dân gian. Trong đó, huyện có 02 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đó là: Lễ hội Cổ Loa và Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục.

img_2613.jpeg
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám báo cáo tóm tắt giá trị khoa học của Múa rối nước Đào Thục

Báo cáo tóm tắt giá trị khoa học của nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, đã có thời các loại hình văn hóa truyền thống trong đó có rối nước đứng trước nguy cơ bị mai một. Để duy trì và bảo vệ di sản, các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục đã tích cực khai thác thế mạnh của quê hương giàu truyền thống kết hợp với làng nghề làm du lịch văn hóa dân gian. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan và sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các nghệ nhân phường rối, việc thực hành múa rối nước tại Đào Thục ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Nghệ thuật múa rối nước gắn liền với sự hình thành và phát triển của các loại hình nghệ thuật truyền thống của nhân dân Đào Thục nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung. Nghệ thuật múa rối nước được người dân Đào Thục học hỏi, sáng tạo và giữ gìn trao truyền từ thời này sang thời khác và đời này qua đời khác và từ thế hệ này sang thế hệ khác.

img_2554.jpeg
Nhân dân hào hứng tham dự lễ đón nhận

Bên cạnh đó, múa rối nước Đào Thục là một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm tính nguyên hợp đã tạo dựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc về phương thức biểu diễn và nghệ thuật biểu diễn.

Mua rối nước Đào Thực đã trở thành đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Đào Thục, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung, là sản phẩm du lịch đặc sắc được các nghệ nhân, nhân dân duy trì và phát triển nằm trong các tour du lịch tham quan, tìm hiểu của thành phố Hà Nội thu hút hàng vạn lượt khách đến tham dự, thưởng thức.

Việc vận hành con rối đạt hiệu quả đòi hỏi kỹ thuật chế tác và sự tính toán chính xác. Kết cấu cũng như cấu tạo thân hình, chất liệu con rối cần đảm bảo các nguyên tắc mang tính khoa học. Qua sự tích lũy kinh nghiệm từ bao đời nay, các nghệ nhân tiền bối đã gom góp lại thành các “mẹo mực”, kỹ xảo, kỹ thuật mang tính bí truyền trong tạo hình và biểu diễn con rối.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, nghệ nhân đã gắn bó gần 20 năm với Phường rối nước Đào Thục xúc động chia sẻ, hôm nay là một ngày vui đặc biệt đối với bà cũng như các nghệ nhân của Phường rối; một niềm vui khôn tả lúc này. Với tôi, nghệ thuật múa rối nước không chỉ đòi hỏi người biểu diễn phải hiểu biết về chuyên môn, kinh nghiệm mà quan trọng hơn là tình yêu và đam mê dành cho rối; điều khiển rồi bằng cả trái tim. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, giữ gìn và trao truyền cho thế hệ con cháu mai sau của quê hương Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh.

Niềm vinh dự, tự hào đồng thời là trách nhiệm lớn lao

Phát biểu trong chương trình, Phó Bí thư Thường trực huyện Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết, trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng như mai một, nghề rối nước Đào Thục với tình yêu, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, của lớp lớp thế hệ các nghệ nhân đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy hiệu quả, tạo thành nét đặc trưng văn hóa của quê hương Đông Anh. Việc đưa Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia là sự đánh giá, ghi nhận to lớn của Đảng, Nhà nước đối với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học của Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục, cộng đồng dân cư thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm nói riêng và sự độc đáo, đậm đà bản sắc văn hoá riêng có của huyện Đông Anh nói chung.

img_2631.jpeg
Phó Bí thư Thường trực huyện Đông Anh Nguyễn Văn Cường phát biểu tại Lễ đón nhận

Mỗi lần di sản văn hoá của huyện được vinh danh, mỗi người dân huyện Đông Anh lại trào dâng lòng tự tôn dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc với các bậc tiền nhân và khao khát tiếp tục vươn lên để sánh kịp với bạn bè năm châu trong phát triển đất nước và gìn giữ bản sắc văn hoá. Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn giá trị di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục không chỉ của cộng đồng dân cư thôn Đào Thục, của các nghệ nhân Phường múa rối nước Đào Thục mà là trách nhiệm chung của cộng đồng dân cư trong toàn Huyện - những chủ thể di sản văn hóa và là người thực hành, trao truyền loại hình di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục để cộng đồng trong nước và quốc tế biết nhiều hơn, hiểu sâu hơn về mảnh đất, con người Đông Anh giàu truyền thống cách mạng và giàu bản sắc văn hoá.

img_2637.jpeg
Hình ảnh trong phần biểu diễn múa rối hước do các nghệ nhân Phường Múa nước Đào Thục trình diễn tại Lễ đón nhận
img_2639.jpeg
Hình ảnh trong phần biểu diễn múa rối nước do các nghệ nhân Phường Múa rối nước Đào Thục trình diễn tại Lễ đón nhận

Trong khuôn khổ lễ đón nhận, các đại biểu được thưởng thức những tiết mục múa rối nước đặc sắc trong chương trình biểu diễn nghệ thuật Múa Rối nước Đào Thục của Phường rối nước Đào Thục; tham quan không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa, ẩm thực tiêu biểu của xã Thụy Lâm.

Có thể nói nghệ thuật múa rối nước tại Đào Thục đã lắng đọng những trầm tích văn hóa, lịch sử lâu đời, phản ánh những nét đẹp bình dị của nền văn minh nông nghiệp đang dần mai một đi trong lối sống thị trường hiện nay cũng như những sự kiện lịch sử, cách mạng của dân tộc và địa phương. Trải qua sự thăng trầm của thời gian nhưng về cơ bản nghệ thuật múa rối nước vẫn giữ được những yếu tố truyền thống, đồng thời có kế thừa và phát triển trong tương lai.

Từ dấu mốc quan trọng này, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh sẽ càng thể hiện quyết tâm bằng những kế hoạch, việc làm cụ thể, thiết thực, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá trên địa bàn. Đặc biệt là giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học của di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục để xứng tầm là một di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.

img_2626.jpeg
Lễ đón nhận Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh

Chương trình Lễ đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia – Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Quyết định số 473/QĐ-BVHTTDL ngày 06/3/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 23/10/2023 của UBND huyện Đông Anh về việc tổ chức Lễ đón nhận Quyết định và Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thông qua Lễ đón nhận, Ban tổ chức mong muốn khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa; tôn vinh, gìn giữ và bảo tồn những nét độc đáo của Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh; đồng thời tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị của di sản, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục trong đời sống cộng đồng nói chung và cộng đồng dân cư huyện Đông Anh nói riêng.

Cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh cam kết sẽ tiếp tục giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước Đào Thục, để Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước Đào Thục trở thành động lực và nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh trong xây dựng và phát triển huyện thành quận văn minh, giàu đẹp./.

Bài liên quan
  • Nghệ thuật Sân khấu Dì Kê là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Nghệ thuật Sân khấu Dì Kê là thành phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc thiểu số Khmer An Giang, thường được biểu diễn ở các khoảng sân của phum, sóc, sân chùa, phục vụ cho bà con sau những ngày lao động, sản xuất hoặc những dịp lễ hội quan trọng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội chuẩn bị tổ chức Lễ hội Sen năm 2024
    Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 7/2024 tại Không gian văn hoá sáng tạo quận Tây Hồ (TP Hà Nội). Sự kiện lần đầu được tổ chức sẽ gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen.
  • Tuổi trẻ huyện Đan Phượng: Dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới
    Huyện đoàn Đan Phượng (TP. Hà Nội) luôn coi xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phong trào hành động của Đoàn, xác định: thanh niên phải là lực lượng đi đầu trong thực hiện những khâu khó, việc mới, hướng tới xây dựng những mô hình điểm cụ thể, từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
  • Độc đáo Lễ hội Mục Đồng tôn vinh trẻ chăn trâu, cầu mong mưa thuận gió hoà
    Lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) độc đáo, duy nhất trong cả nước tôn vinh trẻ chăn trâu và nét đẹp văn hóa.
  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Festival Huế 2024
    Diễn ra từ 7 - 12/6/2024, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” là điểm nhấn Festival Huế 2024.
  • Khai quật khảo cổ di tích đặc trưng văn hoá Chămpa Tháp đôi Liễu Cốc
    Di tích cấp Quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được tiến hành khai quật khảo cổ và đất đá được đào, cào từng điểm nhỏ nhất… để tìm hiểu.
  • NSƯT Tân Nhàn được bổ nhiệm Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
    NSND Quốc Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm và chúc mừng Tiến sĩ âm nhạc, NSƯT Tân Nhàn.
  • Ghi danh Cửu Đỉnh - Hoàng Cung Huế là di sản tư liệu thế giới
    “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” đã được Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới.
  • Hà Nội: Lễ hội tôn vinh mối tình cao đẹp của Chử Đồng Tử - Tiên Dung
    Lãnh đạo UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) vừa chia sẻ, công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội tình yêu 2024 tại xã Hồng Vân đã hoàn tất. Tối 8/5, tại Quảng trường Thống Nhất (phố đi bộ đêm) xã Hồng Vân, Lễ hội tình yêu 2024 sẽ khai màn.
  • Nhớ chuyến chụp ảnh ở Điện Biên năm ấy
    Thấm thoắt Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã qua 70 năm. Ngày ấy tôi còn nhỏ, chưa đủ tuổi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hằng ngày, tôi chỉ thấy người lớn mua và đọc báo Tia sáng đưa tin về các máy bay của hãng “Đa-cô-ta”, máy bay “Bê-vanh-xít” (B.26) tại các sân bay Bạch Mai, Gia Lâm (Hà Nội) và phi trường Cát Bi (Hải Phòng - tên gọi sân bay Cát Bi ngày ấy), máy bay liên tục cất và hạ cánh chở lính nhảy dù, xe tăng, trọng pháo đổ xuống Mường Thanh - Điện Biên Phủ
  • Những kỷ vật biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ
    Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là dấu son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị và thông điệp từ những kỷ vật kháng chiến của những năm tháng không thể nào quên sẽ còn mãi. Nó gợi nhớ một thời đạn bom, hy sinh thầm lặng, những cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.
Múa Rối nước Đào Thục (xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO